Người vi phạm xin tháo dỡ, huyện cho giữ lại

Nam Long
Nam Long
24/04/2022 07:20 GMT+7

Kỷ cương công vụ, tuân thủ quy định pháp luật là vấn đề được đặt ra trong vụ kè bao hơn 2.500 m 2 đất công để “chống sạt lở” 1.500 m 2 đất nhà mà Thanh Niên đã phản ánh, khi người vi phạm xin tháo dỡ công trình vi phạm thì xã, huyện cho giữ lại.

Họp cán bộ xã để... hợp thức hóa vi phạm

Ngày 9.3, Thanh Niên đăng bài phản ánh trường hợp bà Phạm Thanh Trúc (47 tuổi, ngụ P.2, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) kè bao hơn 2.500 m2 đất công để “chống sạt lở” 1.500 m2 đất nhà ở khu vực bãi bồi sông Vàm Giang nằm gần chân cầu Tân Tạo (thuộc ấp An Thạnh, xã An Bình, H.Long Hồ, Vĩnh Long) gây bức xúc trong dư luận. Đến ngày 15.3, UBND H.Long Hồ tiếp nhận thông báo của bà Trúc về việc tự nguyện tháo dỡ kè chống sạt lở (công trình vi phạm - PV).

Một sà lan có xáng cạp đang đưa đất, cát vào bờ gần kè bao chiếm trái phép hơn 2.500 m2 đất công

XUÂN PHÚC

Một ngày sau (tức ngày 16.3), bà Trúc cùng đơn vị thi công mời UBND xã An Bình đến giám sát việc tự tháo dỡ bờ kè, nhưng đại diện UBND xã An Bình đã đề nghị dừng tháo dỡ để UBND xã An Bình xem xét việc tiếp nhận và quản lý bờ kè. Thay vì xúc tiến việc xử lý dứt điểm vi phạm theo biên bản khảo sát hiện trường trước đó, thì cùng ngày 15.3 tại UBND xã An Bình, Tổ công tác UBND H.Long Hồ (do Chánh thanh tra H.Long Hồ chủ trì) tổ chức cuộc họp với cán bộ chủ chốt xã An Bình.

“Vi phạm thì tôi tháo dỡ, nhưng xã không đồng ý”

Trả lời Thanh Niên, bà Phạm Thanh Trúc, chủ khu bờ kè trái phép, nói: “Tôi gửi đơn xin phép đến chính quyền xã, huyện để làm bờ kè, thấy lâu quá không trả lời, tưởng đồng ý nên mới làm. Chủ yếu làm để chống sạt lở, đâu ngờ là vi phạm. Vi phạm thì tôi tháo dỡ, nhưng xã không đồng ý. Tôi giao lại cho họ muốn làm gì thì làm”.

Cuộc họp này có 14 đại biểu tham dự, trong đó 12/14 ý kiến thống nhất không xử lý vi phạm hành chính (đối với bà Trúc về hành vi xây dựng công trình bờ bè không phép trên đất công). Có 1/14 ý kiến đề nghị xem xét xử phạt và tháo dỡ bờ kè; 1/14 ý kiến đề nghị có hình thức giáo dục, nhắc nhở. Chốt lại, UBND xã An Bình đề nghị giữ lại phần đất bãi bồi lấn chiếm và phần bờ kè của bà Trúc.

Việc Chánh thanh tra H.Long Hồ chủ trì buổi họp cán bộ xã An Bình lấy ý kiến không xử phạt vi phạm và giao bờ kè trái phép lại cho xã quản lý, có đúng quy định pháp luật hay không? Giao “tang vật vi phạm” cho UBND xã An Bình, rồi UBND xã An Bình tiếp tục giao cho Ban Chỉ huy Quân sự xã An Bình tiếp quản, khai thác sử dụng, liệu có đúng quy định pháp luật?...

Trả lời những câu hỏi trên, sáng 20.4, ông Võ Trung Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Long Hồ, cho rằng việc giao tang vật là bờ kè trên cho Ban Chỉ huy Quân sự xã là “hợp lý”. “Tang vật cũng tùy theo tang vật, như công trình xây dựng trên đất chưa được cấp quyền sử dụng, công trình nhà ở, công trình để phục vụ mục đích cá nhân thì khác. Còn đây là công trình chống sạt lở cho đất nhà nước, người ta xin tháo mình không đồng ý là đúng, giao lại cho anh em tăng gia sản xuất, trồng rau. Phần đất đó là do xã quản lý, giao cho ngành nào là thẩm quyền của xã”, ông Sơn lý giải.

Lý giải thêm về việc Tổ công tác UBND H.Long Hồ tổ chức họp cán bộ xã biểu quyết không xử lý và không cho tháo dỡ bờ kè vi phạm, ông Sơn nói: “Những hành vi vi phạm hành chính tùy theo hành vi, không phải hành vi nào cũng đều bị xử phạt hết; như hành vi này nếu đem phá dỡ thì làm thiệt hại cho nhà nước nên không dỡ, tùy theo tính chất, mức độ, mục đích... Xã họp báo cáo lên xin ý kiến, trên này (UBND huyện - PV) thấy hợp lý nên đồng ý. Nếu có dư luận không đồng tình, tiếp tục phản ánh trên báo chí thì sẽ đợi chỉ đạo của tỉnh, tỉnh chỉ đạo sao huyện làm vậy”.

Trong khi đó, đầu tháng 3.2022, dư luận ở địa phương (trước đó có nhiều đơn kiến nghị của người dân phản ánh các dấu hiệu vi phạm của vụ việc, được gửi liên tục đến rất nhiều cơ quan chức năng) bức xúc cho rằng, bà Trúc là em chồng của Chủ tịch UBND H.Long Hồ nên có “ưu ái” trong xử lý vi phạm... Trả lời PV Thanh Niên về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND H.Long Hồ Võ Trung Sơn từng nói: “Ai vi phạm đều sẽ bị xử lý như nhau. Hiện tại, khu đất đó đã được cơ quan chức năng lập biên bản giữ nguyên hiện trạng, không ai được khai thác, sử dụng. Người dân muốn gia cố chống sạt lở ở bất kỳ đâu cũng cần phải xin phép cơ quan chức năng. Trường hợp này chưa xin phép và làm ở khu đất chưa được cấp quyền sử dụng là chắc chắn sai”.

Bí mật quân sự ?

Theo ghi nhận thực tế vào chiều 21.4, đoạn bờ kè vi phạm đã được đổ thêm rất nhiều đất. Khi thấy chuyện vi phạm tiếp tục tái diễn, công khai thách thức kỷ cương pháp luật và dư luận, người dân cho rằng chính bà Trúc tiếp tục thi công nên đã ghi hình lại và báo chính quyền địa phương.

Sau khi tiếp nhận phản ánh, chính quyền xã phản hồi là phần đất đó (đất công bị chiếm, xây dựng bờ kè trái phép - PV) đã được giao cho Ban Chỉ huy Quân sự xã An Bình quản lý, và việc đổ đất thêm vào khu bờ kè trên là do Ban Chỉ huy Quân sự xã An Bình làm.

Đối với vụ việc này, PV đã gửi nhiều câu hỏi liên quan việc tuân thủ quy định pháp luật, kỷ cương công vụ… của các cơ quan chức năng H.Long Hồ và quan điểm xử lý của tỉnh, đến UBND tỉnh Vĩnh Long để được cung cấp thông tin theo quy định. PV Thanh Niên nhiều lần liên hệ về nội dung trả lời, nhưng gần 1 tháng trôi qua UBND tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa có hồi đáp.

Để xác minh thêm thông tin, PV Thanh Niên đã liên hệ với nhiều lãnh đạo xã, tuy nhiên đều nhận được câu trả lời “bận họp”. PV tiếp tục liên hệ với ông Hồ Ngọc Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã An Bình, thì được ông này xác nhận phần bờ kè trên đã được giao lại, phần đất vừa được đắp thêm là do đơn vị làm. Ông Tuấn không cung cấp thông tin gì thêm, bởi ông cho rằng đây là “bí mật quân sự”(!?)

Có nên để “giậu đổ bìm leo” ?

Trong khi đó, người dân còn cho biết: “Phía dọc theo bờ sông Vàm Giang (có bờ kè của bà Trúc) có xáng cạp xuất hiện tại đây nhiều ngày và thường xuyên cạp đất, cát ngoài sông để đưa vào bãi cọc gỗ đã được đóng trước đó. Có thể họ biết bên đây (bờ kè của bà Trúc - PV) làm không bị phạt thì họ cũng làm thôi, bị phát hiện cũng để đó chứ đâu có mất được”.

Cũng theo ghi nhận thực tế, tại khu vực cùng bờ với kè của bà Trúc, nhiều ngày qua liên tục có một sà lan sắt to có xáng cạp đang cạp đất, cát từ sông đưa vào trong. Đáng chú ý, có một bãi cát gần đó đang được máy múc cát dồn thành đống...

Đề cập tính pháp lý về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Thành Phú (Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định việc bà Trúc đã bị xác định lấn chiếm hơn 2.500 m2 đất bãi bồi sông Vàm Giang để làm bờ kè, là vi phạm luật Đất đai năm 2013. Theo luật, buộc người vi phạm phải tháo dỡ công trình vi phạm trên đất đã lấn chiếm, trả lại hiện trạng ban đầu.

“Việc UBND xã An Bình họp và tự ý giữ lại công trình lấn chiếm trên, tự ý tiếp nhận và quản lý bờ kè là chưa phù hợp, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân khác là trái với quy định của pháp luật. Theo luật, với những trường hợp như vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần xử lý đến nơi đến chốn để tránh tiền lệ xấu”, luật sư Phú nêu quan điểm.

Còn việc UBND xã An Bình tự ý giao đất (đã có hành vi vi phạm trên khu đất đó) cho Ban Chỉ huy Quân sự xã An Bình quản lý, khai thác sử dụng thì có đúng luật hay không, theo luật sư Phú, “phải xem xét về kế hoạch sử dụng đất hằng năm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hay chưa, nếu không có là sai quy định, và cần phải xử lý để tránh tiền lệ xấu”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.