Dù chính quyền Đà Nẵng đã quyết định đưa đoàn khách người Hàn về lại nước trong đêm 25.2 nhưng sự việc về 20 hành khách đến từ xứ kim chi được cách ly tại Đà thành vẫn đang được bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội. Nguyên nhân là bởi trong bản tin được YTN News đăng tải hôm 25.2, một số người Hàn bị cách ly do đến từ vùng dịch Covid-19, đã chê bai cơ sở vật chất trong khu cách ly nghèo nàn, họ chỉ được ăn “vài mẩu bánh mì” và bị “giam cầm” nghiêm ngặt. Sự việc nhanh chóng gây nên làn sóng phẫn nộ lớn. Trong khi dân mạng xứ kim chi giận dữ vì cho rằng đồng bào họ "bị đối xử tệ bạc" thì người Việt lại bức xúc vì cách đưa tin tiêu cực, phiến diện một chiều của YTN cũng như thái độ chê bai của những người bị cách ly (mà đáng lẽ ra họ phải cám ơn các cơ quan chức năng Việt Nam) mà bản tin Hàn trích dẫn lời kể.
|
Trên mạng xã hội Twitter, nhiều người Việt thi nhau đăng tải những bài viết chỉ ra các điểm chưa thấu đáo của bản tin, nêu quan điểm cá nhân. Nhiều người yêu cầu phía YTN News cũng như những người Hàn phát ngôn sai lệch trong bản tin phải xin lỗi phía Việt Nam vì thái độ “thượng đẳng”, xem thường cơ sở y tế cũng như món ăn đường phố nổi tiếng ở mảnh đất hình chữ S. Bằng chứng là những bài viết được gắn hashtag #ApologizeToVietNam (Xin lỗi Việt Nam đi) hay #KoreansStopLying (Người Hàn hãy ngưng nói dối) xuất hiện ồ ạt trên các mạng xã hội. Thậm chí, các hashtag với nội dung tương tự được chuyển sang tiếng Hàn để dân mạng xứ kim chi… dễ đọc hơn. Sự kiện gây phẫn nộ đến mức các bài viết này nhanh chóng vào top thịnh hành trên Twitter khu vực Việt Nam cũng như toàn cầu.
Cụ thể, hàng loạt chủ tài khoản người Việt Nam liên tiếp đăng đàn tố đài YTN News đưa tin sai lệch và phiến diện. Các ý kiến cho rằng kênh này quá nóng vội khi đưa tin mà chưa xác thực thông tin từ nhiều nguồn. Ngoài ra, phần trả lời của một số cá nhân trong bản tin cũng không thể đại diện cho quan điểm chung của cả nhóm người bị cách ly. Đặc biệt, cộng đồng người Việt trên mạng xã hội còn lên tiếng yêu cầu phía này xin lỗi công khai.
“Thật buồn khi người ăn quả lại đá kẻ trồng cây như vậy. Chúng tôi đã đối đãi các bạn Hàn Quốc hết sức có thể. Hãy xin lỗi Việt Nam đi”, một tài khoản bức xúc lên tiếng. Một tài khoản khác bày tỏ quan điểm: “Tất cả chỉ là lời nói dối. Tôi không thể hiểu làm thế nào họ có thể làm điều đó. Ngừng nói dối và xin lỗi Việt Nam”. “Chúng tôi cần lời xin lỗi chính thức đến Việt Nam”, “Hãy mau xin lỗi Việt Nam”, “Người Hàn ngừng bịa đặt và đơm đặt về sự thật”, “Việt Nam cần lời xin lỗi trước hành động vô ơn này”… hàng loạt cư dân mạng cùng nhau lên tiếng yêu cầu đài YTN News chịu trách nhiệm về bản tin sai sự thật.
|
Ngoài ra, nhiều người Việt cũng bày tỏ bất mãn về sự việc. Một người dùng để lại ý kiến trên Twitter: “Chúng tôi yêu Kpop và phim ảnh Hàn nhưng xin lỗi chúng tôi không yêu những người muốn xúc phạm đất nước của chúng tôi. Vì vậy, nếu bạn không cảm thấy tốt ở đây thì hãy rời đi”. Các cư dân mạng khác thì bình luận: “Chúng tôi quá thất vọng bởi cách nhìn nhận vấn đề và hành động thiếu tôn trọng đó. Bạn tốt hơn xin lỗi trước khi quá muộn”, “Các bạn tự hào đất nước các bạn văn minh hơn, giàu hơn nhưng thái độ của các bạn lại chẳng xứng với cái sự văn mình, giàu có đó”…
Không chỉ bức xúc trước thái độ của một vài công dân Hàn bị cách ly cũng như bản tin của YTN News và sự chỉ trích của dân mạng xứ kim chi, nhiều tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam còn tức giận vì bánh mì của nước ta bị xem thường. Các ý kiến này cho rằng việc các cá nhân liên quan và nhà đài dùng cụm từ “vài mẩu bánh mì” một cách thiếu tôn trọng, xem món ăn nổi tiếng ở Việt Nam chỉ là một loại thực phẩm tệ hại. Nhiều ý kiến bức xúc: “Họ bảo là chỉ được ăn “vài mẩu bánh mì”, nhưng đó là tất cả những gì chúng tôi muốn đối đãi với khách. Đây là món ăn chúng tôi rất yêu thích và ăn hằng ngày. Nói “một vài mẩu” nghe như bị xem thường vậy…”, “Bánh mì là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới đấy”, “À, thì ra mấy chiếc bánh mì như vậy chỉ là “vài mẩu” trong mắt người Hàn”, “Một trong những món ăn khiến Việt Nam chúng tôi rất tự hào, đó chính là bánh mì đấy”…
|
Cùng với những dòng trạng thái này, dân mạng đồng loạt đính kèm nhiều hình ảnh, bài hát liên quan đến bánh mì kèm dòng hashtag bắt phía Hàn phải xin lỗi. Hình ảnh bánh mì “xâm chiếm” mạng xã hội đến mức Twitter đã xếp dòng hashtag xu hướng #ApologizeToVietNam vào mục… đồ ăn.
Chính vì mức độ thịnh hành của các bài viết #ApologizeToVietNam, nhiều người nước ngoài cũng hiếu kỳ vào xem chuyện gì đang xảy ra. “Khi tôi thấy trên mạng xã hội Hàn Quốc lẫn Việt Nam đều xuất hiện “ApolozieToVietNam”, tôi đã khá tò mò. Sau thời gian tìm hiểu, tôi thật ngưỡng mộ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhóm người Hàn Quốc kia đúng là đang nợ Việt Nam một lời xin lỗi”, một dân mạng tên Matthew James bày tỏ ý kiến.
Nhóm du khách không đồng ý cách ly được đưa về lại Hàn Quốc
Như Thanh Niên đã thông tin, trưa 24.2, sau khi nhập cảnh Đà Nẵng, đoàn 22 du khách quốc tế đã được chở thẳng đến khu vực cách ly Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho đến chiều tối 25.2. Trong quãng thời gian này, chuyện cách ly nhóm du khách Hàn Quốc không hề “suôn sẻ”.
Sau khi biết tin sẽ được cách ly 14 ngày theo quy trình giám sát dịch của Việt Nam, đoàn khách đã không đồng ý ở lại bệnh viện với lý do “chỉ đi du lịch 2 ngày”. Nhân viên Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.Đà Nẵng trao đổi với cơ quan chức năng địa phương, cho biết nhóm khách muốn về khách sạn. “Nhưng ở thời điểm ấy, nội bộ nhóm du khách vừa muốn về khách sạn, vừa sợ không được theo dõi sức khỏe sau đó, sợ tốn kém chi phí phát sinh (nếu thời gian cách ly kéo dài) nên họ tranh luận gay gắt. Đến chiều, khi họ thống nhất sẽ về khách sạn chỉ định ban đầu thì khách sạn từ chối không nhận nữa”, Th.S-BS Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, nói.
Ngay lúc đó, TP.Đà Nẵng tính phương án chọn khách sạn Sông Hàn để đảm bảo cách ly giám sát sức khỏe cho đoàn khách. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, khảo sát địa điểm, ngành y tế từ chối phương án này vì không đảm bảo an toàn chống dịch.
Đoàn khách 22 người tiếp tục lưu lại tại khu vực cách ly Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trong tâm thế chờ đợi được đáp ứng yêu cầu cách ly tại khách sạn. Nhưng đến gần 22 giờ ngày 24.2, ông Nguyễn Minh Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.Đà Nẵng), cùng với các nhân viên Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng đến khu vực cách ly, thuyết phục đoàn khách lưu lại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để được giám sát sức khỏe.
Ghi nhận của PV Thanh Niên trong ngày hôm qua 25.2, tại khu vực cách ly Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, các thành viên đoàn được chăm sóc chu đáo về dinh dưỡng và điều kiện y tế, sinh hoạt. Cả thức ăn, nước uống, sữa cũng được bệnh viện cung cấp miễn phí. Cùng ngày, đại diện Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng đã có mặt tại bệnh viện để bàn bạc, ghi nhận ý kiến, đề xuất từ phía đoàn du khách.
Ông Ahn Minsik, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.Đà Nẵng, yêu cầu một khu vực cách ly tạm thời riêng biệt cho đoàn 20 du khách Hàn Quốc. “Hiện tại 20 người Hàn Quốc đều rất hoang mang, rất sợ. Chúng tôi yêu cầu được chuyển họ đến khu vực cách ly là nhà khách, khách sạn do nhà nước hoặc là nơi cư trú do chính phủ quản lý”, ông Ahn Minsik nói. Trước yêu cầu này, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, đề nghị tạm chấp nhận phương án bố trí khu vực cách ly riêng biệt tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng; về nơi cư trú “thuộc chính phủ quản lý”, các bên sẽ còn bàn… Tuy nhiên, cuối cùng phương án được chọn là vận chuyển trở lại Hàn Quốc.
Tối 25.2, trả lời PV Thanh Niên, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết địa phương chủ động bàn các giải pháp đón du khách Hàn Quốc từ vùng dịch Covid-19. “Trước đó, do chưa có hướng dẫn về vấn đề cách ly đối với du khách Hàn Quốc nhưng TP đã chủ động. Đến sáng 25.2, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cách ly”, ông Thơ nói.
Ông Thơ cũng cho biết đến giờ các du khách Hàn Quốc không có triệu chứng gì, nhưng “do đến từ vùng có dịch nên TP.Đà Nẵng chủ động thuyết phục họ thực hiện các biện pháp phòng ngừa y tế cần thiết”. “Việc khách quay về là do ý muốn của Tổng lãnh sự Hàn Quốc và khách. Mình hỗ trợ tạo điều kiện cho họ về, có sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ về các thủ tục với Tổng lãnh sự Hàn Quốc và các cơ quan phía Việt Nam”, ông nói thêm.
Tối 25.2, ông Thơ cũng đã có thư gửi các du khách Hàn Quốc đến từ tâm dịch Covid-19 Daegu, qua đó bày tỏ sự tiếc nuối vì đã “thực hiện các biện pháp khẩn cấp” nhằm chống dịch Covid-19. Trong thư, Chủ tịch TP.Đà Nẵng viết: Trước sự bùng phát và diễn biến nguy hiểm của dịch Covid-19, Chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo dịch Covid-19 lên mức cao nhất, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu cách ly đối với những người đến từ vùng có dịch. Vì vậy, TP buộc phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho đoàn du khách.
An Dy - Hoàng Sơn
|
Bình luận (0)