Người Việt lướt Facebook: Mỗi ngày 'phải xem' bao hình ảnh dã man, rùng rợn

04/07/2017 09:36 GMT+7

Vụ án và hình ảnh rùng rợn mới nhất là từ chiều tối qua về chuyện một thanh niên bị chém đầu lìa khỏi cổ. Ai đã lỡ xem hình ảnh ghê rợn đó thì không khỏi mất ngủ, ám ảnh. Lỗi ai đây, người dùng Việt ham bấm like, bấm share hay ông chủ Mark ở bên kia bán cầu?

Chị Phạm Thị Mai Hồng (27 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết chị đã từng mất ngủ hai tuần liền và luôn có cảm giác bất an, sợ hãi sau khi xem clip đâm chém nhau kinh hoàng mà mọi người chia sẻ trên Facebook.
Tất nhiên, chị Hồng có lỗi vì đã lỡ lướt qua cái clip đáng sợ ấy, nhưng cơ chế share của bạn bè nó cứ đập vào mắt chị và thế là những hình ảnh ấy cứ lởn vởn. 
VIDEO: Mỗi ngày, người Việt lướt Facebook và 'vô tình' phải chứng kiến những hình ảnh rùng rợn, dã man
Sau gần 10 năm xuất hiện ở nước ta, Facebook đang trở thành mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Không thể phủ nhận những lợi ích khổng lồ mà Facebook mang lại. Với những tính năng ưu việt của mình, Facebook cuốn hút mọi người, như một công cụ để tương tác bạn bè, cập nhật thông tin xung quanh và thế giới; trao đổi công việc, thậm chí là kiếm tiền, nổi tiếng.
Bầu chọn
Bạn thường ghê sợ nhất khi phải xem hình ảnh gì trên Facebook?
Bên cạnh đó, với sức lan tỏa mạnh mẽ, Facebook cũng đang vô tình khiến người dùng Việt rơi vào thế bị động trước những hình ảnh, clip trên mạng xã hội.
Đáng nói trong số đó, những hình ảnh được chia sẻ nhiều nhất thường là những hình ảnh đâm chém nhau loạn xạ, tai nạn kinh hoàng hay các kiểu tra tấn động vật, những hình ảnh tai nạn bất ngờ đầy thương tâm, hàng loạt clip khoe thân, làm trò câu like đầy lố bịch…
Với nhiều người, những hình ảnh này đã khắc sâu vào tâm trí khiến họ luôn có cảm giác bất an và ám ảnh.
Trong một góc nhỏ của loạt bài này, Thanh Niên chỉ xin đề cập đến việc các hình ảnh đầy tiêu cực ấy sẽ có sự tác động thế nào với tâm lý con người Việt, ở những độ tuổi khác nhau. Nó có gây ra một sang chấn tâm lý, biến đổi hành động nếu mỗi ngày ta bị ép phải "hấp thụ" từng chút một. Tại sao ta lại phải xem những hình ảnh ấy hằng ngày hay có cách nào để hình ảnh trên Facebook luôn sạch?
Mất ngủ vì…Facebook
Vì làm nhân viên văn phòng nên chị Mai Hồng có nhiều thời gian để lướt Facebook. Chị Hồng cho biết do thói quen nên chị gần như mở Facebook liên tục. Chị kể, cuối năm 2016, nhiều nhóm trên Facebook chia sẻ clip một người đàn ông bị rượt chém, nằm gục tại chợ đến mức giãy giụa trên vũng máu khiến chị luôn ám ảnh.

Trong clip, người dân ở chợ né hết qua hai bên nhìn một người bị chém gục, máu văng tung tóe mà người kia vẫn dã man giơ dao chém liên tiếp, xem đến đó tôi hoa mắt và lạnh sống lưng. Hai tuần liên tiếp tôi ngủ toàn mơ thấy ác mộng vì ám ảnh, ăn cơm cũng thấy nhờn nhợn trong người. Tôi bấm ẩn clip từ trang này thì thấy trang khác lại chia sẻ

Chị Mai Hồng

“Trong clip, người dân ở chợ né hết qua hai bên nhìn một người bị chém gục, máu văng tung tóe mà người kia vẫn dã man giơ dao chém liên tiếp, xem đến đó tôi hoa mắt và lạnh sống lưng. Hai tuần liên tiếp tôi ngủ toàn mơ thấy ác mộng vì ám ảnh, ăn cơm cũng thấy nhờn nhợn trong người. Tôi bấm ẩn clip từ trang này thì thấy trang khác lại chia sẻ”, chị Hồng thuật lại.
Anh Nguyễn Xuân Quang (30 tuổi, ngụ Đà Nẵng) cũng ngao ngán khi liên tiếp phải chứng kiến những hình ảnh man rợ trên mạng xã hội nhiều người dùng nhất Việt Nam này. Anh chia sẻ rằng không thể nào quên được hình ảnh cô gái người Nga với chiếc áo dính đầy máu phía trước sau khi tra tấn chú chó đáng yêu của mình.
“Thật dã man và tàn nhẫn, tại sao người ta có thể mổ banh nội tạng của một con vật luôn trung thành với chủ nhân. Không chỉ tôi, mà con gái tôi dù mới 4 tuổi nhưng cũng khóc đỏ mắt khi vô tình xem được những hình ảnh này”, anh Quang cho hay.
Chính vì vậy nên hiện nay, anh đã hạn chế dùng Facebook khi có mặt con gái vì sợ những hình ảnh tương tự sẽ vô tình lọt vào suy nghĩ hồn nhiên của con.
Sợ hãi khi ra đường
Không chỉ những hình ảnh về đâm chém nhau như những người “máu lạnh” mà những clip ghi lại các vụ tai nạn hay những hình ảnh thương tâm sau tai nạn cũng khiến nhiều người luôn sợ hãi khi ra đường.
Anh Nguyễn Hoàng Nghĩa (25 tuổi, ngụ Khánh Hòa) cho biết con đường vào nhà anh đang có quy hoạch xây dựng khu đô thị mới nên xe ben chở đất, đá chạy liên tục suốt ba năm nay.
Container đè nát xe hơi trong một vụ tai nạn ở TP.HCM Ảnh minh họa: Đ.T
“Có lần tôi chạy xe về nhà thấy trên đường có vụ tai nạn, dù hiện trường đã được CSGT dọn dẹp nhưng người dân vẫn còn bàn tán. Quãng đường từ đó về nhà tôi bỗng thấy dài hơn, chạy sát mép đường mà tim tôi vẫn như muốn rớt ra ngoài mỗi lần nghe tiếng còi xe ben ở phía sau. Có lẽ việc này sẽ không ám ảnh tôi lâu đến như vậy nếu sau đó tôi không thấy clip toàn bộ vụ tai nạn trên một trang Facebook địa phương. Giờ mỗi lần ra đường tôi luôn có cảm giác bất an”, anh Nghĩa nói.
Còn chị Anh Thư (27 tuổi, ngụ TP.HCM) thì ngao ngán: “Mỗi ngày lên Facebook thấy bao nhiêu là hình ảnh dã man, dù cố gắng không nghĩ đến nhưng tôi vẫn lo sợ. Đi cạnh container thì sợ thùng hàng đổ xuống, đi cạnh xe hơi thì sợ nổ lốp, thậm chí đang chạy xe bình thường hay ngồi trên vỉa hè tôi cũng tưởng tượng ra cảnh bất ngờ có xe lao tới tông mình”.
Ảnh cắt từ clip của một vụ chém nhau tại bến xe
Sợ hãi là thế nhưng chị Anh Thư vẫn phải lướt Facebook thường xuyên do tính chất công việc và thói quen. Chị cho rằng, những hình ảnh tiêu cực mà chị và mọi người đang phải chứng kiến mỗi ngày có thể như một bài học trong một số tình huống, nhưng ở khía cạnh nào đó,  đang khiến chúng ta phải sống trong lo sợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.