Người Việt ngủ trưa: Có người sẵn sàng chi 250.000 đồng/lần cho chỗ ngủ lý tưởng

06/12/2022 13:50 GMT+7

Để có một chỗ ngủ trưa lý tưởng, nhiều người ở TP.HCM cho biết họ sẵn sàng bỏ ra số tiền hàng trăm ngàn đồng. Vì sao vậy?

"Dù trời sập vẫn ngủ trưa"

Buổi trưa đầu tuần, quán cà phê D.O.M- Coffee Capsule nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Gia Trí (Q.Bình Thạnh) đều đặn khách ra vào, chủ yếu là sinh viên và nhân viên văn phòng. Có một điều lạ, là khách vào quán này không hẳn để uống cà phê, mà là để… ngủ trưa.

Bên ngoài, trời nắng chang chang. Tôi bước vào quán và thực sự bất ngờ vì không gian bên trong khi không khí mát lạnh, tiếng nhạc du dương và mùi tinh dầu tỏa ra thoang thoảng.

Không gian ngủ trưa tại quán cà phê của anh Liêm

nvcc

Anh Trần Thanh Liêm (chủ quán) cho biết nơi này được mở hơn 3 năm trước, lấy ý tưởng từ những quán cà phê ngủ trưa cho khách ở Nhật Bản. Chủ quán giới thiệu thêm ở đây, quán cung cấp 3 gói dịch vụ ngủ trưa bao gồm: gói 100.000 đồng/người cho 2 giờ ngủ kèm nước; gói 130.000 đồng/2 người cho 2 giờ ngủ kèm nước; gói 250.000 đồng/người cho khách muốn ngủ và làm việc cả ngày.

Theo quan sát, quán có 1 trệt và 2 lầu. Tầng trệt là quầy pha chế và khu vực bàn mang đậm phong cách Nhật Bản để khách ngồi uống nước, làm việc, ăn uống. 2 tầng trên là những phòng ngủ được chia đều nhau, mỗi phòng dài chừng 1,8 mét, ngang 1,6 mét, tương đối rộng rãi. Giữa các phòng có rèm để giữ gìn không gian riêng tư.

Giá ngủ trưa ở đây dao động từ 100.000 đồng - 250.000 đồng tùy gói

nvcc

“Ở đây, khách làm việc một chút là sẽ nằm để ngủ trưa, nghỉ ngơi. Vì tính chất là một quán cà phê để nghỉ nên khách của chúng tôi rất yên lặng và giữ không gian cho nhau. Chúng tôi cũng cố gắng xây dựng một không gian để khách có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ và thư giãn", anh Liêm nói thêm.

Ở quán này, mỗi phòng có sức chứa tối đa khoảng 4 người. Anh chủ cho biết với 26 phòng ngủ nghỉ, quán có thể đón tối đa 52 lượt khách cùng thời điểm. “Nhiều người sẵn sàng chi hàng trăm ngàn để có một giấc ngủ trưa trọn vẹn, vì họ nhận thức được tầm quan trọng của giấc ngủ", anh chủ tiếp lời.

Là khách quen của quán, chị Thanh Thảo (20 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho biết hầu như ngày nào phải học 2 buổi tại trường, chị đều ghé đây để ngủ trưa giống như một thói quen.

Không gian phòng riêng tư

nvcc

“Tôi là người cỡ nào cũng phải ngủ trưa, dù trời sập cũng phải ráng ngủ vì không ngủ là thấy nhức đầu. Biết đến quán cũng gần 2 năm qua mạng xã hội, tôi ghé đây thường. Tôi thường rủ bạn qua ngủ chừng 2 tiếng, chia ra mỗi đứa cũng 70.000 đồng. Có những ngày chán chán muốn cách ly với mọi người, tôi cũng bỏ ra 250.000 đồng để ở một mình cả ngày, có máy lạnh cũng mát mẻ", chị cho biết.

Kế bên, chị Hồng Như (đi cùng chị Thảo) cũng nói giấc ngủ trưa là quan trọng, nhờ đó chị mới có tinh thần học tập vào buổi chiều. Sau khi ăn bên ngoài, hoặc mua đồ ăn vào quán ăn, chị sẽ lên phòng ngủ. Cô gái nhận xét với không gian mát mẻ và yên tĩnh, đây là nơi thích hợp cho giấc ngủ trưa của mình.

Anh Thanh Liêm cũng nói thêm, với mô hình cà phê ngủ trưa của quán dù hiếm khi xảy ra trường hợp khách “đi quá giới hạn”, nhưng không phải không có và quán cũng đã lường trước được việc này. Đó là lý do tại mỗi phòng ngủ, quán đều dán thông báo ghi rõ rằng cấm các hành vi 18+ diễn ra.

“Nhân viên cũng thường xuyên túc trực ở khu vực ngủ của khách để thêm tinh dầu hoặc hỏi thêm về nhu cầu sử dụng nước của khách nên cũng kiểm soát được nếu khách có những hành vi không chuẩn mực. Với những trường hợp như vậy, chúng tôi sẽ nhắc nhở, nếu khách vẫn không điều chỉnh hành vi thì chúng tôi sẽ mời họ đi để tránh ảnh hưởng tới những vị khách khác, vì chúng tôi xây dựng một mô hình ngủ trưa lành mạnh”, chủ quán thông tin.

"Người Việt nên dành thời gian ngủ trưa"

Nằm trên đường Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM, Tropia Cafe có không gian xanh mướt, thoáng đãng. Nơi đây có sự kết hợp giữa khuôn viên vườn xanh mát, cà phê phòng kín hội họp, cà phê nghỉ ngơi. Chủ quán là chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (37 tuổi).

Lầu dưới, chủ quán đặt nhiều bàn ghế để khách gặp mặt, nói chuyện tùy theo yêu cầu. Lầu trên rộng khoảng 32m2 được thiết kế theo kiểu cà phê “ghế lười”. Khách có thể thoải mái nghỉ trưa, nằm thư giãn khi ghé quán. Ở giữa chị đặt những vách ngăn tạo không gian riêng tư mỗi bàn.

Nhiều quán cà phê thiết kế không gian thích hợp cho khách ngủ

nvcc

“Vị trí quán có đặc thù xung quanh là nhiều bệnh viện. Những người đi khám bệnh chờ kết quả thường có nhu cầu tìm kiếm chỗ để nghỉ ngơi. Nếu thiết kế chỗ nghỉ ở tầng dưới mọi người nghĩ không được lịch sử và có mỹ quan nên tôi quyết định làm không gian nghỉ trưa ở trên cho thoải mái”, chị Ngọc chia sẻ.

Ngoài ra, công nhân, nhân viên văn phòng có thể ghé quán, tranh thủ ngả lưng để buổi chiều tiếp tục công việc. Chị Ngọc mở quán cà phê được 2 năm. Năm đầu tiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nên khách ghé nghỉ trưa không nhiều. Khi thành phố mở cửa, lượng khách ghé đến đông hơn. Diện tích trên tầng 2 cũng đủ phục vụ khoảng 20 – 30 người.

“Tôi nghĩ việc đầu tư vào không gian để khách có thể nghỉ ngơi khi vào quán cà phê rất tốt. Mọi người cũng hào hứng với việc này khi không phải vất vả thuê phòng, tìm chỗ nghỉ trưa. Cũng may, quán có đủ không gian để đáp ứng cả hai nhu cầu là ngồi uống cà phê và nghỉ ngơi. Tôi cũng có ý định tổ chức các buổi workshop, mọi người tham gia với tinh thần thoải mái, vui vẻ”, chị bộc bạch.

Theo chị Ngọc, người Việt nên dành thời gian ngủ trưa. Những người làm văn phòng có thể nghỉ trưa trong khoảng 1 tiếng lấy lại tinh thần, năng lượng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.