Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), đêm 3.11, rạng sáng 4.11 là thời điểm hành tinh khổng lồ - sao Mộc sẽ ở vị trí gần trái đất nhất trong năm 2023 và bề mặt của nó sẽ được mặt trời chiếu sáng hoàn toàn. Nó sẽ sáng hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm và sẽ được quan sát suốt đêm.
Vốn là người đam mê chụp ảnh các hành tinh trên bầu trời, anh Nguyễn Trần Huy (28 tuổi, ngụ Hà Nội) đã không bỏ qua "thời điểm vàng" này để chụp ảnh sao Mộc cùng các mặt trăng của nó, đặc biệt là mặt trăng Ganymede, được xem là mặt trăng lớn nhất trong hệ mặt trời.
Anh Huy cho biết với "đồ nghề" là dòng kính thiên văn Maksutov 127 phối hợp cùng Celestron Barlow Lens 2x và máy ảnh Canon 60D, anh quan sát cũng như "săn" ảnh sao Mộc. Chàng trai yêu thiên văn nói thêm anh quan sát hành tinh này từ 21 - 22 giờ, khi nó đã lên cao trên bầu trời.
"Mình hay chụp ảnh sao Mộc, tháng trước cũng có chụp nên nhận rõ sự khác biệt trong lần chụp này, khi hành tinh sáng hơn và to hơn trước đó. Điều này cũng khiến mình thấy thú vị. May mắn thời tiết ủng hộ để đêm quan sát trọn vẹn hơn. Thú vị hơn cả trong bức ảnh mình chụp lại, là thấy được mặt trăng Ganymede đổ bóng lên sao Mộc", anh Huy nói.
Chia sẻ bức ảnh lên một hội nhóm yêu thiên văn, bức ảnh của anh Huy nhận được sự quan tâm của nhiều người có cùng đam mê. Anh cho biết đó là động lực để anh tiếp tục đam mê bầu trời, niềm đam mê đã gắn bó với anh từ những ngày còn nhỏ.
Trong khi đó em Võ Đức Quân, một học sinh cấp 2, ở H.Phước Ninh (Ninh Thuận) cũng dùng kính thiên văn quan sát sao Mộc đêm 3.11, rạng sáng 4.11. Quân cho biết đêm quan sát, hành tinh sáng hơn so với những ngày thường.
"Em có chụp lại ảnh cũng như chia sẻ với mọi người. Sao Mộc không dễ chụp lại, nên khi quan sát và ghi lại khoảnh khắc sao Mộc vào ngày nó ở gần trái đất nhất trong năm cũng là một điều thú vị", Quân nói.
Bình luận (0)