Từ tháng 7.2023, khách hàng mua ô tô lắp ráp trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ theo chính sách mới được Chính phủ ban hành thông qua Nghị định 41/2023/NĐ-CP. Trong khi đó, tương tự những năm trước đây, xe nhập khẩu nguyên chiếc vẫn không thuộc diện được hưởng ưu đãi phí trước bạ từ Chính phủ.
Ô tô năm 2022: Doanh số kỷ lục, Toyota và Hyundai lại "đua song mã"
Thực tế này mở ra cơ hội cũng như triển vọng hồi phục cho nhiều mẫu mã cũng như các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, đồng thời tạo không ít áp lực cạnh tranh đối với các mẫu mã ô tô nhập khẩu. Bởi, cùng một phân khúc, tầm giá…việc ô tô lắp ráp trong nước được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ tạo ra mức chênh lệch từ vài chục đến cả trăm triệu đồng so với xe nhập khẩu.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức ô tô trong tháng đầu tiên áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ theo Nghị định 41/2023/NĐ-CP lại mang đến khá nhiều bất ngờ. Người Việt tăng mua sắm các mẫu xe nhập khẩu, trong khi ô tô lắp ráp trong nước được giảm lệ phí trước bạ nhưng doanh số bán vẫn không được cải thiện
Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tổng số gần 24.700 xe ô tô các loại của các thành viên VAMA tiêu thụ trong tháng 7.2023, ô tô lắp ráp trong nước vẫn chiếm số lượng lớn hơn xe nhập khẩu, tuy nhiên doanh số xe lắp ráp trong nước đã sụt giảm so với tháng trước. Ngược lại, lượng tiêu thụ xe nhập khẩu nguyên chiếc lại gia tăng.
Cụ thể, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước trong tháng 7.2023 đạt 13.575 xe, giảm 12% trong khi doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 11.112 xe, tăng 34% so với tháng 6.2023.
Một số phân khúc ô tô như xe cỡ nhỏ hạng A, sedan hạng B, bán tải hay sedan hạng C… doanh số bán nhiều mẫu mã xe lắp ráp trong nước sụt giảm, trong khi xe nhập khẩu lại gia tăng. Đơn cử như ở phân khúc ô tô cỡ nhỏ hạng A, lượng tiêu thụ Hyundai Grand i10, Kia Morning đều sụt giảm, chỉ có Toyota Wigo duy trì được đà tăng trưởng. Điều tương tự cũng diễn ra ở phân khúc sedan hạng B khi doanh số những mẫu xe hút khách như Toyota Vios, Hyundai Accent, Honda City đều giảm.
Thị trường ô tô Việt Nam có gì nổi bật trong năm 2022?
Ở phân khúc xe bán tải, Ford Ranger là mẫu xe duy nhất lắp ráp trong nước đã có bước sụt giảm doanh số trong tháng 7, trong khi các mẫu mã còn lại như Toyota Hilux, Mitsubishi Triton hay Mazda BT-50 nhập khẩu từ Thái Lan đều có lượng xe bán ra tăng cao hơn tháng 6.2023. Trong danh sách 10 ô tô bán chạy nhất Việt Nam, Mitsubishi Xpander vẫn dẫn đầu, phần lớn xe Xpander tiêu thụ trong tháng 7 tại Việt Nam là các phiên bản số tự động được nhập khẩu.
Thực tế, dù không được hưởng ưu đãi từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ như ô tô lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, với việc được nhà nhập khẩu, phân phối áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá. Thậm chí, nhiều mẫu mã xe nhập khẩu được phía đại lý hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách mua xe... giúp xe nhập khẩu tạo sức hút, lấy lại lợi thế cạnh tranh.
Cũng theo số liệu VAMA công bố, tính đến hết tháng 7.2023, doanh số bán xe lắp ráp trong nước giảm 34% trong khi xe nhập khẩu giảm 25% so với cùng kì năm ngoái.
Bình luận (0)