Người Việt từ Ukraine kể về cuộc di tản giữa bom đạn: Nhắm mắt bỏ lại gia tài

13/03/2022 13:40 GMT+7

Dù không muốn nhưng khi chứng kiến tình hình chiến sự ở Ukraine diễn ra căng thẳng, nhiều người Việt đã quyết định để lại tất cả tài sản và trải qua một cuộc hành trình vất vả để đến được biên giới các nước khác để hi vọng an toàn.

Chuyến đi đầy mệt mỏi

Chiều 9.3, đang ngồi trên chuyến xe buýt để di tản sang Đức, chị Đ.H (38 tuổi, ngụ Odessa, Ukraine) vẫn chưa hết bàng hoàng vì những gì diễn ra trong thời gian qua. 1 tuần trước, gia đình chị H. cùng một gia đình người Việt khác đi nhờ xe hơi của người quen để xuống bến tàu Odessa.

Chị Đ.H (ngụ Odessa, Ukraine) đi mua lương thực, thực phẩm dự trữ trước khi xung đột tại Ukraine xảy ra

Đ.H

Cảnh chen lấn và giành giật nhau để lên tàu ngày hôm đó với chị là một kỉ niệm không thể nào quên. Chị chưa bao giờ chứng kiến khung cảnh đám đông hỗn loạn, phải tranh giành từng chút để lên được tàu như thế.

Gia đình chị Trần Dung được cấp cho một căn phòng nhỏ với đầy đủ vật dụng cá nhân cần thiết

TRẦN DUNG

Chị H. chia sẻ: “Dù có vé nhưng chúng tôi phải nhờ đến sự trợ giúp thì mãi mới có thể lên tàu được. Tôi sinh sống ở Ukraine được 10 năm nay, coi nơi ấy như quê hương thứ hai của mình. Tuy nhiên, để cho những người thân ở Việt Nam an tâm, tôi buộc lòng phải rời Ukraine giữa tình hình chiến sự căng thẳng như thế”.

Gia đình chị Trần Dung được cấp cho một căn phòng nhỏ với đầy đủ vật dụng cá nhân cần thiết

TRẦN DUNG

Bình thường, một khoang chỉ dành cho 4 người nhưng nay đến 14 người (7 người lớn, 7 trẻ em) phải ngồi co rúm cho đủ chỗ. Do phải đợi tàu quá lâu trong tiết trời lạnh, có 3 em bé đã bị ốm. Mẹ của ba em phải vừa ngồi, vừa bế và chăm sóc cho các em. Không gian trong phòng im ắng, tất cả mọi người đều trăn trở “không biết đến khi nào mới có thể quay lại Ukraine”.

Từ Odessa, cả nhóm của chị H. đến Lviv và sau đó thuê xe để di tản đến biên giới Ba Lan. Quyết định di tản diễn ra đầy vội vã nên chị chỉ mang theo được một chiếc vali nhỏ đựng ít quần áo và một chiếc balo đựng chút đồ ăn, thức uống và thuốc men. Giữa tiết trời lạnh thấu xương, chị H. phải chờ đợi 9-10 tiếng đồng hồ để làm thủ tục qua cửa khẩu.

Bên trong nhà ăn của một trại tị nạn ở thành phố Munich, nước Đức

TRẦN DUNG

Chị nhớ lại: “Thức ăn đem theo ít nên cũng cạn dần. Gần đến cửa khẩu mới có nhóm thiện nguyện tiếp tế đồ ăn. Cầm bát mì tôm nóng hổi mà tay chân tôi run rẩy, không bê lên được để mà ăn. Có nhiều người già và trẻ con, họ choáng váng, gần như muốn xỉu trong ngày hôm ấy. Tôi nhìn mà thương lắm”.

Theo lời chị H., đi đến đâu chị cũng được cộng đồng người Việt giúp đỡ chỗ ăn uống và nghỉ ngơi rất chu đáo. Đó chính là niềm an ủi và tiếp thêm động lực cho chị và những người đang đi di tản khác.

Nhắc đến dự định trong tương lai, chị thở dài: “Hiện tại, tôi cũng muốn sang Đức tìm một công việc phù hợp với sức khỏe của mình để làm tạm thời. Điều tôi mong nhất bây giờ là chiến sự ở Ukraine nhanh chóng kết thúc để tôi có thể quay trở về. Hi vọng những người không di tản ở lại Ukraine được bình an”.

Mong chuyến bay về Việt Nam

Ngày 2.3, chị Trần Dung (45 tuổi, ngụ Odessa, Ukraine) cùng gia đình vượt hơn 800km để di tản sang Ba Lan. Chồng chị Dung cùng những người đàn ông khác phải trở thành “tấm lá chắn”, rất chật vật để đưa những người phụ nữ và trẻ con lên tàu. Với chị, không có một lời nào đủ để diễn tả hết khung cảnh hỗn loạn ngày hôm ấy.

Mỗi ngày, trại tị nạn đều lo cho người dân di tản đầy đủ ba bữa ăn

TRẦN DUNG

Xuống tàu, gia đình chị Dung tiếp tục đi xe buýt và đi bộ ròng rã suốt 12 tiếng đồng hồ để đến được biên giới Ba Lan. Giống như chị H., chị Dung chỉ kịp mang theo bộ quần áo, một ít tiền mặt cùng mấy gói mì tôm để ăn lót dạ trong suốt chuyến đi.

“Quãng đường đi bộ chỉ có 5km thôi nhưng vì dòng người di tản đông quá, hơn 100 người lận nên phải đi suốt 1 đêm mới tới. Có khoảng 20 trẻ em có mặt ở đó, đứa nhỏ nhất tầm 6-8 tháng tuổi. Bố mẹ phải thay phiên bế các em trên tay trong trời tuyết. Không ai kịp chuẩn bị cho mình bộ quần áo dày, may nhờ có chăn của các bạn tình nguyện viên cho thì mới có cái ủ ấm các em”, chị Dung chia sẻ.

Chị Dung cùng chồng và con trai sang Ukraine lập nghiệp từ năm 2012. Công việc chính của chị là buôn bán quần áo. Trước khi chiến sự xảy ra, chị cũng như bao người Việt mưu sinh ở đây dồn hết vốn liếng để nhập hàng về bán.

“Giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm là mùa thu nhập chính của người Việt tại Ukraine.Vì vậy từ cuối tháng 2, mọi người sẽ nhập hàng về để bán. Ở bên Ukraine, chúng tôi chỉ nhập hàng một lần và bán cho cả mùa hè chứ không phải bán đến đâu, nhập đến đó như ở Việt Nam. Do đó, nhiều người Việt đi di tản mà trên người không còn chút tiền nong…”, giọng chị Dung nghẹn ngào.

Hiện tại, chị Dung đang ở trong một trại tị nạn ở thành phố Muchen (nước Đức). Chị cho biết, cả gia đình được ở trong một căn phòng nhỏ đầy đủ tiện nghi. Mỗi ngày, trại tị nạn lo cho mọi người đầy đủ ba bữa ăn và các vật dụng cá nhân cần thiết. Tuy nhiên, tâm trạng của ai cũng buồn bã vì phải rời Ukraine – quê hương thứ hai gắn bó nhiều năm nay với “hai bàn tay trắng”.

Trong khoảng 15-20 ngày tới, nếu tình hình ở Ukraine vẫn chưa ổn, gia đình chị Dung quyết định sẽ trở về Việt Nam một thời gian. “Tôi đã đăng kí chuyến bay từ thiện về Việt Nam. Bố mẹ tôi ở Bắc Giang cũng rất trông chúng tôi. Mưu sinh ở Ukraine được 10 năm, tôi chưa gửi được đồng tiền nào về để lo cho bố mẹ mà giờ lại trở về tay trắng. Cuộc sống vừa mới ổn định được một chút thì xung đột xảy ra. Rời Ukraine, tôi rất buồn, cảm giác giống hệt như cách đây 10 năm, tôi rời Việt Nam vậy…”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.