>> Người xưa làm đẹp - Kỳ 2: Bí quyết dưỡng da chốn hoàng cung
>> Người xưa làm đẹp - Kỳ 1: Tìm người cà răng căng tai
|
Chuẩn đến từng sợi tóc
Cụ bà Tôn Nữ Trí Huệ, cháu nội của Hoài Đức Quận vương Miên Lâm (con trai vua Minh Mạng) đang sống tại làng Hương Cần, xã Hương Toàn (H.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế), tuy ngày không sống trong cung nhưng hoàng cung là chốn quen thuộc với bà. Một thời gian dài bà theo hầu Từ Cung hoàng thái hậu. Những chuyện về thời xa vắng nơi lầu son gác vàng được bà kể lại một cách mạch lạc. Câu chuyện về lọn tóc hoàng cung thu hút chúng tôi bởi sự kỳ công và đặc biệt của nó.
Bà nói: “Ngày xưa chỉ có tóc dài đen, già đi thì tóc bạc. Tóc luôn được chải chuốt gọn gàng. Tóc của hoàng thái hậu hay công chúa đều được cung nữ làm đẹp mỗi sáng sớm với nhiều kiểu tóc khác nhau tùy hôm đó là ngày gì...”.
Theo bà, mỗi sáng, sau khi các ngài (thái hậu, hoàng hậu, công chúa, cung tần mỹ nữ...) thức dậy, vệ sinh xong là ngồi vào bàn trang điểm để các cung nữ làm đẹp. Tất cả các thao tác phải nhanh, nhẹ nhàng và thuần thục.
Hồi đó trong cung có ba kiểu tóc chính, gồm: chít, bao và bối. Trong các kiểu tóc đó thì chít là kiểu tóc thái hậu, hoàng hậu, cung tần mỹ nữ hay làm. Công chúa thì thường bao. Bối là kiểu đơn giản, bình thường.
Cầu kỳ nhất là kiểu chít. Tóc được bọc trong một miếng vải dài chừng ba gang rồi quấn quanh đầu, từ tai trái sang tai phải xuống ót, vòng cho đến khi hết tóc thì chắt một cách gọn gàng dưới tóc. Vải dùng để chít thường là loại vải nhám để tóc không trơn trượt, khi chít sẽ cứng không bị rớt ra.
|
Bao là kiểu tóc nhìn rất đơn giản nhưng thể hiện rõ sự khéo léo của cung nữ. Tóc được chải sang một bên rồi quấn quanh đầu, chừa đoạn cuối để làm cái đuôi. Không có keo tóc, không có kẹp nhưng tóc vẫn chắc chắn bám trên đầu dưới bàn tay tài tình của người cung nữ. Kiểu này trẻ trung nên được công chúa, cung tần trẻ tuổi ưa chuộng.
Để lọn tóc thêm phần đẹp, cung nữ sẽ chọn một ít trâm cài lược dắt để tô điểm thêm. “Ngày xưa, trong tủ đựng đồ nữ trang của ngài có đến chục cây trâm làm từ vàng từ ngọc được các thợ giỏi gia công với nhiều mẫu mã khác nhau. Mỗi ngày mỗi kiểu. Đường rẽ tóc phải chính giữa. Lọn tóc phải cân đối và cứng cáp dù không có keo hay kẹp...”, bà nói.
Những điều kiêng kỵ
Hoàng cung có trăm ngàn luật lệ, lễ nghi, cấm kỵ. Trong đó, tóc tai cũng có những quy định riêng không kém phần nghiêm ngặt.
Vào những ngày vui có mở đại tiệc, sinh nhật, tết hay làm đại lễ thì các ngài đều bao tóc và đội khăn vành. Khi mang khăn vành thì phải mang áo rộng (áo khoác ngoài có đường viền từ trên xuống ở hai bên, dài xuống bắp chân).
Những ngày buồn như cúng kỵ, ma chay... tóc các ngài thường được chít. Nếu như những ngày vui, màu vải được chít là những màu tươi, sáng thì những ngày mang tính chất buồn, nghiêm trang thì phải chít bằng miếng vải màu sẫm, màu tối, thường là màu tím. Nếu ai có cài trâm dắt lược thì phải đơn giản, không sáng chói.
Tóc các ngài dù bao, chít hay bối thì đều có đường rẽ ở chính giữa. Chỉ các ngài mới được rẽ chính giữa còn cung nữ dù bối, chít hay bao đều phải rẽ một bên hoặc vuốt lui và không được đội khăn vành.
“Hồi xưa, mỗi lần vào cung tôi cũng phải ăn mặc cho phù hợp. Tóc tôi ngắn, ít nên tôi thường kẹp như những cô gái ngoài dân gian. Không bao giờ được xả tóc như bây giờ, ai cũng phải buộc tóc thật gọn gàng. Xả tóc không tốt, đặc biệt vào ban đêm càng cấm kỵ vì sợ yêu tinh ma quái nhập vào tóc”, bà Trí Huệ cho biết.
Bà nói thêm tóc thường được chăm cho dài mượt, hiếm ai để tóc ngắn, người trong cung cấm càng không. Những ai tóc ít, tóc không được dài thì phải dùng thêm lọn tóc để bao, chít, bối.
Lọn tóc thường do cung nữ làm, được mua tóc rụng từ những nơi có uy tín hoặc vuốt lấy tóc rụng của mình để tránh bệnh tật và không vệ sinh. Tóc được vuốt đầu đuôi thứ tự rồi buộc chặt một đầu và vệ sinh thật sạch sẽ rồi phơi khô. Sau khi dùng để chít, bao hay bối cho các ngài cũng phải gội, phơi sạch sẽ. Những ai tóc ít, ngắn thường có nhiều lọn tóc khác nhau để thay đổi.
Đối với mấy ngài đã lớn tuổi, nếu đầu bị sói thì khi chít hay bao xong phải dùng bút kẻ lông mày chuốt lên để che lấp chỗ bị sói và thưa tóc.
Tuyết Khoa
Bình luận (0)