Nguồn nước kỳ lạ dưới chân tòa tháp nghìn tuổi

28/10/2017 18:52 GMT+7

Ít ai biết rằng ở Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng) có một khu rừng kỳ lạ với các cây thị cổ thụ, những mạch nước ngọt lành, dưới chân một tòa tháp có tuổi gần nghìn năm.

Đến tháp Tường Long trên đỉnh núi Rồng, thuộc phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị. Đây là tòa tháp được xây vào thời nhà Lý (được cho là xây vào năm 1057). Trải qua nhiều thăng trầm, tháp Tường Long đổ nát nhưng gần đây đã được khởi công xây lại và sắp hoàn thành. Điều ngạc nhiên là ở đây có một rừng cổ thụ rất hoành tráng và điều lạ là cây trồng ở cùng trên đất núi Rồng, nhưng loại quả ở nửa núi bên này lại ngon hơn bên kia.
Rừng thị hàng trăm tuổi
Theo ông Đinh Đình Phú, 83 tuổi, nhà ở ngay sau đình Ngọc Xuyên, thì không ở đâu trên miền Bắc lại có một rừng thị hoành tráng như ở Đồ Sơn. Từ ngày còn bé, ông Phú đã nghe ông bà, cha mẹ nói không biết những cây thị được trồng từ khi nào. Năm 2014, 17 cây thị, nằm trong khuôn viên của 15 gia đình đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là cây di sản. Đó là các cây thị Bảy chồi (có 7 gốc), cây thị Hồng (ruột quả màu hồng), cây thị Bã trầu (trong quả có cặn như bã trầu)… Nhưng theo ông Phú thì còn 8 cây thị khác cũng là hàng cổ thụ, xứng đáng được vinh danh. Các cây thị di sản có khoảng 600 - 700 năm tuổi trở lên, những cây nhỏ tuổi hơn thì nhiều không đếm được.
Những cây thị cổ thụ trong khu rừng Ảnh Lưu Quang
Đến khu vực này vào đầu thu, có thể thấy trên những tán cây um tùm là những trái thị tròn căng ẩn trong vòm lá. Cây thị ra hoa vào tháng 3 âm lịch, khi ve bắt đầu kêu báo hiệu mùa hè, tháng 8 thì thị chín. Cuộc sống đã phát triển, quả thị không còn là thứ trái cây để làm đồ chơi mỗi dịp Trung thu trước khi trở thành món ăn ngon lành như ngày xưa, nhưng điều này lại mang đến cảm giác hoài cổ, xa vắng cho khách đến nơi này, khi không gian thơm ngát mùi thị chín và những trái thị rụng vàng trên các lối đi quanh co bên sườn núi.
Tại Ngọc Xuyên một ngày cuối thu, người viết bài gặp anh Lê Hoàng Vũ (43 tuổi, ở tổ 6 phường Ngọc Xuyên), khi anh đang chuẩn bị trèo cây hái thị. Cầm một cây sào dài có cái rọ ở đầu, gọi là “vợt”, anh lấy từng quả và chuyền xuống dưới. Thị mùa này vẫn có thể bán được với giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, nhà anh Vũ có đến 3 cây thị di sản, năm 2015 bán quả thu được tới 20 triệu đồng.
Theo ông Lê Viết Hạnh, 67 tuổi, nguyên kỹ sư Đại học Bách khoa (ở tổ 6, phường Ngọc Xuyên), ngoài rừng thị hiếm hoi, khu vực này còn có nhiều cây bứa và chay cho quả rất ngon. Mít, ổi, chè xanh cũng là một trong những đặc sản. Tất cả đều mọc thành rừng trên núi. Đáng chú ý, cũng là đất núi Rồng, nhưng các loài cây trồng ở nửa núi bên này thì ngon hơn nửa còn lại, “là do chất đất chứ không có gì bí ẩn cả”, ông Hạnh lý giải.
Nước suối không bao giờ cạn
Khu rừng kỳ lạ mà chúng tôi vừa kể còn được tô điểm bởi suối Rồng, một mạch nước chảy từ núi Rồng và không bao giờ cạn, lại trong mát, ngon ngọt có tiếng. Suối ở ngay sau đình Ngọc Xuyên, cạnh cây thị Bảy chồi. Ở đây đã xây thành bể, có vòi như nước máy và được người dân từ nhiều phường trong quận Đồ Sơn đến lấy về uống. Cách đây ít năm, còn có người làm dịch vụ chở nước suối Rồng tới các gia đình, các cơ quan trong quận với giá 5.000 đồng/can 20 lít. Nay thì cạnh suối Rồng có một cơ sở sản xuất nước đóng chai. Nhà ông Đinh Đình Phú nêu trên ở cạnh suối, có một cái bể 50 m3 để tích nước suối Rồng dùng quanh năm, không dùng nước mưa, nước máy.
Còn ông Lê Viết Hạnh thì nói, nước suối Rồng ngon là do thổ nhưỡng khiến trong nước có đầy đủ các loại khoáng chất. Ông Hạnh còn cho biết, không chỉ suối Rồng mà nhiều mạch nước khác chảy ra từ núi Rồng đều rất ngon, đặc biệt không bao giờ cạn. “Cái giếng nhà tôi đào trước cổng được 8 gia đình lắp 5 máy bơm, cùng hút về dùng mà quanh năm không cạn. Nước này khi uống thì có vị ngọt nhè nhẹ mà không phải đường, hãm chè xanh trồng trên núi thì cực ngon. Riêng cái phích nhà tôi dùng đến 20 năm mà không đóng cặn”, ông Hạnh kể.

tin liên quan

Ngôi nhà kỳ dị ở Đà Lạt
Biệt thự Hằng Nga hay còn gọi là "Crazy house" (Ngôi nhà điên) - một công trình kiến trúc đặc biệt tại Đà Lạt - vừa được People’s Daily bình chọn là một trong 10 ngôi nhà kỳ dị nhất thế giới.
Theo ông Hoàng Trung Hiếu, Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, rặng thị cổ, suối Rồng và tháp Tường Long là một quần thể cảnh quan, có thể khai thác du lịch sinh thái và tâm linh, nhất là khi tháp Tường Long hoàn thành trong một ngày gần đây. “UBND quận Đồ Sơn đã làm hồ sơ đề nghị rừng thị được công nhận là cây di sản, đồng thời vận động người dân bảo tồn thị để giữ được sinh thái, phong cảnh và bản sắc. Hiện giờ, chúng tôi chưa khai thác du lịch, nhưng đã có rất nhiều người đến đấy thăm thú vì cảnh quan và môi trường phải nói là rất tuyệt vời”, ông Hiếu nói.
Để lên tháp Tường Long, có 2 đường và đều là những con đường thú vị. Lối thứ nhất có thể đi bằng ô tô và xe máy, theo một phố nhỏ cạnh chợ Cầu Vồng ngay trung tâm quận Đồ Sơn. Lượn theo các sườn núi trồng thông, xe lên đỉnh núi Rồng, hai bên là những vườn chè xanh lâu năm. Lối thứ 2 là theo một ngõ nhỏ qua các khu dân cư của 2 tổ dân phố số 5 và số 6 của phường Ngọc Xuyên, rồi theo một đường mòn để lên đỉnh núi. Đường này đi hơi vất vả vì phải đi bộ, đường dốc nhưng lại được thấy nhiều cây thị cổ thụ mọc bên khe suối nước trong và ngọt, cạnh những cây bứa trĩu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.