Ngưỡng chịu đựng của ngành y tế TP.HCM là 120.000 ca Covid-19

18/11/2021 18:48 GMT+7

Ngưỡng chịu đựng của hệ thống y tế TP.HCM là hơn 120.000 ca nhiễm Covid-19 , cao gần gấp đôi số ca nhiễm hiện nay là hơn 64.000 F0, bao gồm cả những trường hợp chăm sóc, điều trị tại nhà.

Chiều 18.11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác đã làm việc với Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM; cùng dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết từ ngày 1.10, thành phố triển khai các biện pháp thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, xã hội trên nguyên tắc an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải đảm bảo an toàn.

Ngưỡng chịu đựng của ngành y tế TP.HCM là 120.000 ca Covid-19

"Rón rén" mở cửa

Ông Đức nhìn nhận nếu nơi nào tổ chức tốt thì không ghi nhận trường hợp lây nhiễm liên quan đến việc mở quán ăn hay không mở quán ăn. “Thành phố cũng “rón rén” khi chỉ cho mở đến 21 giờ thôi. Trên tinh thần đó, thành phố tiếp tục thêm 2 tuần thí điểm nữa, với quy mô rộng hơn trên toàn thành phố ở những nơi đảm bảo an toàn, đủ điều kiện, đóng cửa trước 22 giờ”, ông Đức thông tin.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

ttbc tp.hcm

Riêng hoạt động massage, karaoke, spa... thì thành phố thống nhất tạm ngưng đến cuối tháng 11.2021 vì còn một số vấn đề cần cân nhắc kỹ, rà soát bộ tiêu chí để hướng dẫn kỹ hơn cho doanh nghiệp.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thông tin số ca cách ly tại nhà những ngày gần đây tăng dần, hiện khoảng gần 50.000 F0 tại nhà. Thành phố cũng rất lo khi quản lý số lượng lớn cách ly tại nhà, số trường hợp chuyển nặng có dấu hiệu tăng. Tương tự, về tổng thể chung, số ca tử vong từ ngày 1.10 đến nay giảm dần nhưng 2 tuần nay có dấu hiệu tăng, dao động 30 - 40 ca/ngày, trong đó có cả các bệnh nhân nặng từ các tỉnh, thành khác chuyển đến.

Về các biện pháp đã triển khai, ông Tăng Chí Thượng cho biết ngành y tế đã ban hành các quy trình xử lý F0 trong tình hình mới ở trong cộng đồng, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở y tế; thành lập các đội đặc nhiệm kiểm dịch để phát hiện và can thiệp sớm các ổ dịch trong cộng đồng.

Tìm cách cân đối khả năng chịu đựng

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cũng cho biết ngành y tế đã xác định ngưỡng chịu đựng và các kịch bản thu dung, điều trị khi không còn lực lượng chi viện. Trong điều kiện vừa điều trị bệnh khác, vừa điều trị bệnh Covid-19 thì ngưỡng chịu đựng của thành phố là 120.000 F0. Hiện nay số ca F0 của toàn thành phố, bao gồm cả cách ly tại nhà là hơn 64.000 F0. Thành phố đang duy trì 86 trạm y tế lưu động do bệnh viện quân y phụ trách, hơn 100 trạm do ngành y tế thành phố triển khai.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi tại buổi làm việc

sỹ đông

Ngoài ra, TP.HCM còn hình thành 8 cụm điều trị phân bổ theo địa bàn quận, huyện; xây dựng bệnh viện dã chiến 3 tầng, kích hoạt hệ thống tư vấn từ xa qua Tổng đài 1022 - phím 4, xây dựng đề án nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận số ca F0 những ngày gần đây có xu hướng tăng, từ nguồn lây tại chỗ và từ nơi khác về. Hiện số ca F0 ở thành phố hơn 64.000 người và chắc chắn thấp hơn con số thực tế. "Nói như thế để thấy rằng sức chịu đựng của ngành y tế là 120.000 ca thì với mức độ tăng 1.000 - 2.000 ca/ngày, khoảng 30 ngày nữa sẽ quá sức. Vậy sau đó làm gì, có quay lại giãn cách nữa không ?”, ông Nên đặt vấn đề.

Dù vậy, ông Nên nhìn nhận số ca F0 khỏi bệnh có thể cân đối được, cụ thể mỗi ngày có khoảng 1.300 ca mắc mới nhưng có 700 - 800 ca F0 khỏi bệnh. Cụ thể, có thể cân đối bằng việc giảm lây chùm, lây ổ qua lực lượng phản ứng nhanh. Các ca nhiễm tăng rải rác hiện chưa chủ động được nên điều quan trọng nhất là ý thức người dân, thứ 2 là cấp thuốc ngay cho F0 mới phát hiện, qua đó rút ngắn thời gian điều trị. Đồng thời, hệ thống bệnh viện công tư, quân dân y, đông tây y cần được kích hoạt để người dân có bệnh thì tiếp cận y tế nhanh nhất.

Giám sát chặt chẽ những người có nguy cơ

Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra yêu cầu trong tình hình mới đó là ngành y tế phải giám sát được hoạt động của người dân, trong đó vai trò của công an rất quan trọng, kết hợp với lực lượng y tế, mạng lưới thầy thuốc đồng hành. Tất cả người có nguy cơ như: người chưa tiêm vắc xin, người có bệnh nền, người già, trẻ em chưa tiêm vắc xin… cần được giám sát chặt chẽ, phân công từng tổ đặc nhiệm, kết nối vào mạng lưới thầy thuốc đồng hành.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ ủng hộ việc TP.HCM mở cửa du lịch quốc tế, đón kiều bào về nước

sỹ đông

“Làm sao để cho người dân thấy có nguy cơ là xét nghiệm. Tinh thần là cả người dân, doanh nghiệp, người lao động không ai có động cơ, không ai muốn giấu việc mình bị nhiễm Covid-19. Phải làm sao để người dân mong muốn được xét nghiệm trước và điều trị sớm chứ không phải lo sợ cách ly, điều trị, dừng sản xuất… đến mức phải giấu”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá đây là việc rất quan trọng. Chừng nào các quyết định còn làm cho người dân, doanh nghiệp sợ thì sẽ còn tình trạng giấu F0 và càng khiến cho ngành y tế vất vả hơn.

Phó thủ tướng đề nghị thành phố tiếp tục cảnh giác, không được phép lơi lỏng, trong điều kiện tỷ lệ tiêm vắc xin bao phủ rộng thì bình tĩnh hơn. Thời gian qua, thành phố là đơn vị đi đầu, đúc kết, rút nhiều kinh nghiệm giúp các địa phương khác bình tĩnh xử lý. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần thường xuyên lấy mẫu bệnh nhân để xét nghiệm xem có chủng mới hay không.

Hơn 88% dân số Việt Nam trưởng thành đã tiêm vắc xin Covid-19

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị TP.HCM mạnh dạn mở cửa du lịch quốc tế đón kiều bào về nước thông qua các quy định về tiêm vắc xin Covid-19, xét nghiệm, nhất là trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang đến gần. “Nhu cầu về nước của bà con Việt kiều là nhu cầu rất chính đáng, cả về mặt tình cảm với quê hương và đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội đất nước”, Phó thủ tướng chia sẻ và cho biết quan điểm là tạo điều kiện cho bà con về nước đón tết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.