Theo AFP, các băng nhóm tội phạm ngày càng lộng hành tại quốc gia Caribe, đặc biệt từ sau khi Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát vào năm 2021. Các nhóm này kiểm soát khoảng 80% thủ đô Port au Prince và theo thống kê hồi tháng 8 của LHQ, hơn 2.400 người thiệt mạng tại Haiti từ đầu năm 2023 vì bạo lực và gần 200.000 người khác mất nhà cửa.
Hôm 19.9, thủ lĩnh Jimmy Cherizier của liên minh các băng nhóm quyền lực nhất ở Port au Prince dẫn đầu cuộc biểu dương lực lượng giữa thủ đô và tuyên bố khởi động chiến dịch nhằm lật đổ chính quyền Thủ tướng Henry. Vị thủ lĩnh có biệt danh Barbecue này tuyên bố các cuộc biểu tình của "toàn bộ các khu lao động" sẽ diễn ra mỗi ngày. Ông Henry đang điều hành đất nước với tư cách tạm quyền và cam kết sẽ tổ chức bầu cử khi an ninh được thiết lập lại. Trong nhiều tháng qua, nhà chức trách Haiti đã kêu gọi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bật đèn xanh cho một sứ mệnh an ninh tại nước này. Kenya, nước chỉ mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Haiti cách đây 2 ngày, hồi tháng 7 tình nguyện dẫn đầu lực lượng cảnh sát đa quốc gia tại Haiti nhưng theo AFP, sứ mệnh này cần được HĐBA LHQ thông qua. Bahamas và Jamaica cũng đã cam kết bổ sung lực lượng.
Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho hay HĐBA có thể bỏ phiếu sớm nhất là vào tuần sau cho nghị quyết do Mỹ soạn thảo để ủng hộ sứ mệnh nói trên. Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 21.9, Tổng thống Kenya William Ruto nói Haiti là bài kiểm tra khó khăn nhất cho sự đoàn kết quốc tế và hành động tập thể, nhấn mạnh rằng các nước không được bỏ rơi Haiti. "Haiti xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn từ thế giới", ông Ruto nói. Mỹ đã ca ngợi Kenya vì tinh thần xung phong này và hứa sẽ hỗ trợ tài chính trực tiếp, đồng thời huấn luyện và cung cấp thiết bị, hậu cần. Theo Tổng thống Ruto, sứ mệnh an ninh nên là một phần của chiến lược rộng hơn, gồm viện trợ nhân đạo và những cải cách nhằm tạo điều kiện cho bầu cử công bằng và tự do tại Haiti trong khung thời gian hợp lý. LHQ duy trì sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Haiti từ năm 2004 - 2017.
Bình luận (0)