Ngày 20.4, tại TP.HCM, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức "Hội nghị phổ biến quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu". Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Hiện nay, có 53/63 địa phương được cấp 6.439 mã số vùng trồng. Bên cạnh đó có 1.618 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu. Có 25 sản phẩm được cấp mã số như: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, khoai lang… xuất khẩu đi 11 thị trường là Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE, Malaysia và Singapore.
Hiện nhiều nước nhập khẩu yêu cầu sản phẩm phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nên buộc chúng ta phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Các rào cản kỹ thuật thường xuyên được nâng cao ttrong khi tại nhiều địa phương, tổ chức và cá nhân chỉ mới tập trung vào công tác mở rộng số lượng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Có tình trạng một số hồ sơ ở các địa phương khác nhau, trên các đối tượng cây trồng khác nhau lại giống nhau đến 99%, thậm chí giống từng dấu chấm, dấu phẩy. Nhiều trường hợp hồ sơ làm rất bài bản nhưng hoàn toàn lại không đúng theo yêu cầu của sản phẩm hoặc thị trường xuất khẩu. Ngoài ra còn có tình trạng khi được cấp mã số rồi lại không quản lý tốt để xảy ra tình trạng mạo danh, đánh cắp mã số...
"Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với việc xuất khẩu sản phẩm trồng trọt của Việt Nam, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ bị dừng xuất khẩu toàn ngành hàng. Chính vì vậy, để đảm bảo tuân thủ đúng yêu cầu xuất khẩu, tất cả các bên liên quan trong chuỗi cần hiểu rõ quy định và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết; và quản lý chặt chẽ hơn nữa vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói", ông Trung cảnh báo.
Việc quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói không chỉ để đáp ứng yêu cầu đảm bảo tuân thủ đúng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc của nông sản xuất khẩu mà còn giúp thay đổi tập quán canh tác, nâng cao nhận thức sản xuất của nông dân theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch và trách nhiệm, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bình luận (0)