Cúm lạc đà đang là quan ngại đối với một số nước |
Lần đầu tiên được phát hiện ở Ả Rập Xê Út năm 2012, “cúm lạc đà”, tên chính thức Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), là một bệnh hô hấp cấp tính ở mức độ nghiêm trọng do coronavirus MERS (MERS-CoV) gây ra. MERS được cho nguy hiểm hơn cả Covid-19.
Website Bộ Y tế Úc đăng thông tin khuyến cáo công dân nước này khi quay về từ Qatar nên cẩn trọng với MERS, và đề nghị người dân thực hiện những biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh, như tránh tiếp xúc gần lạc đà, không ăn thịt chưa nấu chín hoặc không uống sữa chưa tiệt trùng.
Còn Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cũng đề nghị các bác sĩ lưu tâm những trường hợp dân Anh bị sốt hoặc khó thở vào thời điểm quay về nước sau mùa World Cup năm nay.
“Nguy cơ lây nhiễm cho dân Anh là rất thấp, nhưng có lẽ sẽ cao hơn đối với những người bị phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ tại khu vực, như tiếp xúc với lạc đà”, báo Metro dẫn thông tin từ UKHSA.
Những khuyến cáo trên được đưa ra vào thời điểm số ca MERS gia tăng trên toàn cầu. Theo dữ liệu của UKHSA, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tiếp nhận thông tin cho thấy đã có 2.600 ca mắc MERS-CoV được xác nhận bằng kết quả từ phòng thí nghiệm từ tháng 4.2012 đến tháng 10.2022. Trong số này, 935 ca tử vong.
MERS-CoV là gì?
MERS-CoV là dòng virus có nguồn gốc động vật và có thể lây cho người. Theo thông tin từ website WHO, virus được tìm thấy trong các cá thể lạc đà một bướu ở Trung Đông, châu Phi và Nam Á trước khi lây sang người.
WHO cũng cảnh báo nguy cơ lây từ người sang người, chủ yếu thông qua tiếp xúc gần và bên trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ lây nhiễm ngoài môi trường này khá hạn chế.
Ước tính 35% số ca MERS dẫn đến tử vong, theo thống kê của WHO.
"Pele, sớm khỏe lại nhé": Người hâm mộ ở World Cup gửi lời chúc đến "Vua bóng đá" |
Bình luận (0)