Nguy cơ đờn ca tài tử thiếu 'thầy đờn'

09/04/2022 06:28 GMT+7

Khi Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ 3 năm 2022 đang diễn ra, thông tin “theo kế hoạch sắp tới, khoa Kịch hát dân tộc - Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM không tuyển sinh ” làm dấy lên nỗi lo đối với di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận này.

Cả Trường đại học (ĐH) Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM đều có khoa Kịch hát dân tộc. Nhưng nếu Hà Nội đa dạng các loại hình: tuồng, chèo, rối, cải lương… thì khoa Kịch hát dân tộc ở TP.HCM tập trung đào tạo diễn viên sân khấu kịch hát - cải lương và nhạc công nhạc dân tộc (nhạc công đàn cho cải lương và nghệ sĩ diễn tấu âm nhạc tài tử).

Vậy mà… “3 năm nay, khoa chúng tôi đã không đào tạo trung cấp nhạc công rồi, do cơ chế… Khoa tôi bây giờ còn 2 lớp diễn viên cải lương (mười mấy người) chuẩn bị tốt nghiệp, xong là hết, khoa trống trải luôn, vì theo kế hoạch vừa nhận là khoa không tuyển sinh nữa, các thầy coi như đi ra đi vô chơi”, NSƯT Phạm Văn Môn, giảng viên khoa Kịch hát dân tộc, bùi ngùi cho biết.

Một tiết mục trong Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ 3 năm 2022 đang diễn ra tại Cần Thơ

ĐÌNH TUYỂN

NSƯT Phạm Văn Môn chia sẻ: “Khi còn là Trường cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, trường đào tạo diễn viên kịch hát và nhạc công nhạc dân tộc ở hệ trung cấp. Sau đó, trường nâng từ trung cấp lên cao đẳng đối với đào tạo diễn viên, còn nhạc công vẫn giữ hệ trung cấp. Tới lúc thành Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM (năm 2010), vẫn tiếp tục đào tạo trung cấp đối với nhạc và cao đẳng với diễn viên. Sau đó, hệ đào tạo trung cấp, cao đẳng chuyển về cho Bộ LĐ-TB-XH quản lý, trường không được đào tạo hệ trung cấp nữa”.

Vướng mắc vì cơ chế

Trao đổi với Thanh Niên về việc không tuyển sinh khoa Kịch hát dân tộc, PGS-TS Đinh Quang Trung, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi không được tuyển sinh, vì luật Giáo dục ĐH có quy định rõ các trường ĐH không được đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp; mà cao đẳng và trung cấp chuyển về Bộ LĐ-TB-XH”.

Ông Trung nói thêm: “Nếu nhà trường có hệ ĐH dành cho cải lương, sẽ được tuyển sinh và giảng dạy; nhưng trường chưa có mã ngành ĐH. Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề này, Bộ VH-TT-DL, Bộ GD-ĐT và kể cả Bộ Nội vụ cũng đã có những cuộc họp để dự thảo Nghị định của Chính phủ, nhằm cho phép các trường đào tạo chuyên sâu đặc thù được phép đào tạo các hệ từ trung cấp, cao đẳng đến ĐH; nhưng với điều kiện: vừa đào tạo văn hóa vừa đào tạo nghề. Trong khi trường chúng tôi không đào tạo văn hóa mà chỉ đào tạo nghề, nên không tuyển sinh được (khác với Nhạc Viện, Trường Xiếc, Trường Múa… vẫn có hệ trung cấp vì đào tạo cả văn hóa cùng với nghề)”. Tuy nhiên, theo ông Trung: “Dù các Bộ đã đề xuất lên Thủ tướng thì vẫn phải chờ Quốc hội thông qua… Là người đứng đầu đơn vị, tôi sốt ruột hơn ai hết, vì nếu không tuyển sinh thì đội ngũ giảng viên của chúng tôi sẽ làm công việc gì…”.

Vì vậy, TS Đinh Quang Trung cho rằng: “Giải pháp mở mã ngành ĐH, chúng tôi cũng đã và đang tiến hành rồi. Song song đó, chúng tôi tiếp tục nâng cấp đội ngũ cán bộ giảng viên. Dẫu vậy câu chuyện này cũng không dễ, vì với hệ đại học, e khó đảm bảo cho đầu vào. Do nghề đặc thù, nên đào tạo diễn viên và nhạc cho khoa Kịch hát dân tộc ở bậc trung cấp, cao đẳng thì tốt hơn, thời gian ngắn hơn, các bạn tập trung chuyên môn hơn. Nhưng khi vướng quy định về luật như vậy thì buộc phải mở mã ngành ĐH, chứ không phải trường không mở khoa Kịch hát nữa”.

Cũng theo NSƯT Phạm Văn Môn, chỉ có đào tạo trung cấp nhạc công nhạc dân tộc thì mới có nhiều người theo học, vì “đa phần các bạn thí sinh đến từ miền tây, chủ yếu mới học hết cấp 2, như thế đã đủ điều kiện xét tuyển”. Ông trầm ngâm: “Lâu nay, khoa chúng tôi được xem là cái nôi đào tạo chuyên về âm nhạc tài tử, cải lương phía Nam. Nếu cứ ách tắc vì cơ chế như vậy, nếu những người có trách nhiệm, người trong nghề không còn tâm huyết thì tương lai sẽ thế nào…”.

Hồi chuông cảnh báo

NSƯT Hải Phượng cho biết, Nhạc Viện TP.HCM (nơi chị đang giảng dạy) đào tạo vừa nhạc mới vừa nhạc cổ chứ không chuyên sâu về âm nhạc cho cải lương, đờn ca tài tử như Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Vậy nên khi hay tin khoa Kịch hát dân tộc của trường này không tuyển sinh nữa, chị “thấy hơi hụt hẫng, vì nếu ca mà thiếu đờn, sớm muộn sẽ dùng đến nhạc máy”. NSƯT Hải Phượng nói: “Nhưng xa hơn, thử nghĩ một vở cải lương làm sao mở nhạc có sẵn lên ca hoài được? Hay đờn ca tài tử mà thiếu thầy đờn thì sẽ ra sao?”. Theo chị, người ca cải lương không học bài bản có thể hát được nhưng người đờn thì rất khó, đây là nghề phải được đào tạo bài bản hàng năm trời.

Nhà sản xuất - NSƯT Vũ Thành Vinh cũng bày tỏ sự lo lắng: “Trong quá trình sản xuất chương trình Trăm năm ánh Việt (show thực tế dành cho cải lương đang phát trên THVL1), tôi cảm thấy lo, không chỉ ban nhạc cho cải lương mà các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc khác cũng thiếu. Nhạc công các ban nhạc tài tử đa số hơi lớn tuổi. Người được đào tạo sau này chủ yếu từ đam mê và được truyền nghề, chứ được đào tạo qua trường lớp thì không nhiều… Sẽ rất khó nếu chúng ta ca ngợi, tôn vinh âm nhạc truyền thống mà không tạo môi trường để đào tạo, nuôi dưỡng nghệ sĩ”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận, khó khăn của nghệ thuật truyền thống lâu nay vẫn có, vì nhiều lý do. “Nhưng lẽ ra ở phía Nam cần được quan tâm nhiều đối với việc làm sao để tuyển sinh cho cải lương (diễn viên lẫn nhạc công), bởi đã có sẵn sân khấu cải lương, cộng với sinh hoạt đờn ca tài tử. Không tuyển sinh, tức không có nguồn đào tạo kịch hát truyền thống. Việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo, nhất là với những nhà quản lý văn hóa ở các cấp. Cần nhìn nhận đúng giá trị của những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc ở mỗi vùng, miền để có cách ứng xử tương xứng”.

Cơ chế và đặc thù không thống nhất

Theo cơ chế hiện nay, các đoàn nghệ thuật chỉ nhận nghệ sĩ đã có bằng cấp. Vì thế thuận lợi ở chỗ các đơn vị sẽ gửi người đi học, người trẻ yêu nghệ thuật cũng muốn được đào tạo bài bản, nên không ngại thiếu đầu vào. Nhưng vấn đề ở đây là mình không có cơ chế phù hợp và thiếu quyết liệt.

Trong khi ở phía Nam, ngoài trường chúng tôi, không nơi nào đủ điều kiện tốt hơn đào tạo diễn viên và nhạc công nhạc dân tộc. Đây là vấn đề đòi hỏi trách nhiệm và cả sự hiểu biết về nghệ thuật dân tộc đặc thù. Chúng tôi hy vọng vướng mắc sẽ sớm được tháo gỡ.

NSƯT Lê Nguyên Đạt (Phó chủ nhiệm khoa Kịch hát dân tộc, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM)

Do nhà trường không chủ động

Liên quan vấn đề của khoa Kịch hát dân tộc, Bộ VH-TT-DL đã giải quyết, là cho trường vẫn tiếp tục tổ chức đào tạo trung cấp, cao đẳng. Bộ cũng đang xây dựng Nghị định chuyên sâu đặc thù. Nhưng trong quá trình xây dựng Nghị định, các trường vẫn được tổ chức tuyển sinh để đào tạo, trong đó có Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Nhưng trường phải làm hồ sơ gửi Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp mới được cấp lại giấy phép giáo dục nghề nghiệp, mà trường không làm thì chịu. Bộ cũng ra văn bản hướng dẫn cụ thể để yêu cầu các trường làm hồ sơ, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, nhiều trường cũng làm được rồi. Đây là vấn đề thuộc phía nhà trường, vì nếu nhà trường không chủ động làm thì chúng tôi cũng chịu thôi.

PGS-TS Lê Anh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT-DL)

Nguyên Vân (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.