Ngày 11.9, khoảng 1,5 triệu người, tương đương 20% dân số vùng Catalonia, rầm rộ biểu tình tại thủ phủ Barcelona để đòi tự chủ, theo tờ Le Monde. Hàng ngàn xe buýt và 2 chuyến tàu hỏa đã được huy động để đưa người dân đến dự biểu tình.
Như nhiều cuộc biểu tình lớn trước đây, phần lớn biểu ngữ đều để dòng chữ: “Catalonia, quốc gia độc lập kế tiếp của châu Âu”. Lẫn trong số đó còn có những thông điệp như “Madrid đã đánh cắp của chúng tôi”, “Tây Ban Nha không tôn trọng Catalonia”… Ngoài truyền thống luôn muốn khẳng định bản sắc riêng, nay người Catalonia đòi hỏi tự chủ còn vì ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, mà Tây Ban Nha là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất.
|
Thăm dò hồi tháng 7 tại Catalonia cho thấy 51,1% người được hỏi cho biết ủng hộ vùng này độc lập khỏi Tây Ban Nha, tăng 8% so với năm ngoái. Tình trạng kinh tế u ám cùng các chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc đã khiến cả chính quyền lẫn người dân Catalonia quay lưng lại với Madrid.
“Như một quốc gia riêng biệt”
Theo tờ Le Figaro, cuối tháng 8, chính quyền Catalonia do liên minh của đảng cánh hữu CiU đứng đầu đã đề nghị Madrid viện trợ 5 tỉ euro. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia CiU cho rằng đây không phải “nhờ vả” mà Catalonia chỉ đòi lại những gì thuộc về mình. Chính quyền một trong những vùng tự trị có quyền tự chủ lớn nhất Tây Ban Nha này cho rằng các khoản thuế phải đóng góp cho chính phủ trung ương cao hơn những gói tài chính được hỗ trợ từ Madrid. Đến ngày 20.9, Chủ tịch Catalonia Artur Mas đã thảo luận khá căng thẳng với Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy về việc để vùng này được tự chủ về chính sách thuế.
Ngay sau khi bị Madrid bác bỏ đề nghị, ông Mas đã đưa ra những phát biểu và quyết định vô cùng cứng rắn. Trả lời giới truyền thông sau cuộc thảo luận, ông kêu gọi xây dựng cho Catalonia các cấu trúc hành chính “như một quốc gia riêng biệt”. Ngày 25.9, Chủ tịch Catalonia thông báo sẽ tổ chức tổng tuyển cử trước hạn vào ngày 25.11, sớm 2 năm so với thời hạn chính thức. Một ngày sau, ông khẳng định nghị viện Catalonia đã thông qua việc tổ chức trưng cầu dân ý về quyền “tự quyết” và sẽ tổ chức bỏ phiếu ngay sau tổng tuyển cử “dù chính quyền trung ương có cho phép hay không”.
Khủng hoảng chồng khủng hoảng
Việc tổ chức tổng tuyển cử trước hạn là nước cờ chiến lược của Chủ tịch Mas. Ông lên nắm quyền sau khi đảng CiU giành chiến thắng trong kỳ bầu cử vào cuối năm 2010. Tuy nhiên, chiến thắng sít sao khiến đảng này phải liên minh với đảng PP, vốn là đảng cầm quyền tại Tây Ban Nha. Trong tình thế người dân Catalonia đang ủng hộ quan điểm tăng tối đa quyền tự chủ của CiU, việc tổ chức tổng tuyển cử trước hạn hứa hẹn sẽ giúp đảng này chiếm thế đa số tuyệt đối và chấm dứt liên kết không mấy nồng thắm với PP. Khi đó, các dự luật nhằm đẩy mạnh quyền tự chủ của Catalonia sẽ rộng đường thực hiện hơn.
Tuy tỏ ra cứng rắn, nhưng Chủ tịch Artur Mas phần nào vẫn tránh không để tình hình diễn biến vượt quá kiểm soát. Đến nay, thay vì tuyên bố thẳng thừng đòi độc lập cho Catalonia, ông chỉ dừng ở “quyền tự quyết” hoặc nói gần nói xa về… Puerto Rico khi trả lời tờ El Mundo. Hòn đảo này thuộc Mỹ nhưng có quyền tự chủ về nhiều mặt, chẳng hạn quan hệ ngoại giao. Thái độ thận trọng này là vì trên thực tế, còn gần một nửa dân số Catalonia chưa ủng hộ ly khai. Và chưa ai, kể cả đảng CiU có thể đưa ra kế hoạch cụ thể cho trường hợp vùng này độc lập khỏi Tây Ban Nha: nợ công, hệ thống hành pháp, lập pháp, kinh tế, quân sự và cả giải… vô địch bóng đá La Liga sẽ được phân chia như thế nào?
Đáp lại, Le Monde dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria khẳng định Madrid sẵn sàng ngăn cản mọi cuộc trưng cầu dân ý về ly khai tại Catalonia. Chính quyền trung ương cáo buộc vùng này đang tạo nên bất ổn lớn và “đem khủng hoảng chồng khủng hoảng” cho đất nước.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Biểu tình nổ ra khắp Hy Lạp và Tây Ban Nha
>> Nhật biểu tình phản đối Trung Quốc
>> Dân Nhật biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc
>> “Con dao hai lưỡi” của biểu tình tại Trung Quốc
Bình luận (0)