Theo Bộ Y tế, trong các ngày nghỉ tết vừa qua, hệ thống giám sát dịch bệnh ghi nhận ca mắc bệnh dại tử vong tại xã Tân Phú (H.Thới Bình, Cà Mau). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau đã tổ chức điều tra, giám sát và tham gia xử lý theo quy định.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, bệnh nhân là nam giới, tử vong do bệnh dại sau 5 tháng bị chó cắn nhưng không tiêm ngừa.
Nhiễm virus nhưng chưa biểu hiện bệnh
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ở Việt Nam, chó là ổ chứa virus dại chủ yếu (thường chiếm 96 - 97%), sau đó là mèo (3 - 4%). Các động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện có chứa virus dại.
Giám sát mới nhất trong năm 2023 cho thấy, trong số các ca bệnh dại có kết quả xét nghiệm, khoảng 10% có nguyên nhân do mèo cắn.
Bệnh dại lây truyền sang qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách (hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn) vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh T.Ư.
Ở động vật, khi đến thần kinh T.Ư, virus sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Tại thời điểm này, thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể, vì thế nhìn bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng nước bọt đã có virus dại. Sau đó, virus dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại.
Ở người, sau nhiễm virus dại (hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại), thời gian ủ bệnh dại từ 2 - 8 tuần, có thể chỉ khoảng 10 ngày nhưng cũng có thể kéo dài trên 1 năm hoặc 2 năm.
Thời gian ủ bệnh ở người phụ thuộc vào số lượng virus dại xâm nhập vào cơ thể, mức độ nặng, nhẹ của vết thương; khoảng cách xa, gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh T.Ư (vùng mặt, đầu) thì thời gian ủ bệnh ngắn.
Chủ quan khi thú cưng, vật nuôi "khỏe mạnh"
Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, năm 2023, trong số 271 trường hợp phải tiêm huyết thanh kháng dại, có trên 70% trường hợp ở Hà Nội và gần 68% là trẻ dưới 15 tuổi. Riêng 9 tháng năm 2023, số mũi tiêm vắc xin phòng dại đã tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Một chuyên gia y tế dự phòng lưu ý, khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Đa số các trường hợp tử vong do bệnh dại đều chưa được tiêm phòng bởi tâm lý chủ quan cho rằng "chó nhà cắn và tại thời điểm cắn chó bình thường nên không mắc dại".
Bác sĩ Đinh Thị Vân Anh, Phó trưởng khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi T.Ư), lưu ý bệnh dại ảnh hưởng đến hệ thần kinh T.Ư, có thể phòng ngừa được bằng vắc xin.
Do đó, khi bị chó hoặc động vật cắn, cào, liếm vào vết xước, cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt trong 15 phút. Rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn y tế 70 độ hoặc rượu mạnh, xà phòng... và khẩn trương đến các cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vắc xin và huyết thanh theo từng trường hợp cụ thể.
Theo Cục Y tế dự phòng, các địa phương cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh dại và cách phòng, chống, nhất là việc phát hiện súc vật bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc; sự cần thiết đến các cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời.
Việc đi khám sau khi bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc để có chỉ định điều trị dự phòng bằng vắc xin dại hoặc vắc xin huyết thanh kháng dại phải thực hiện càng sớm càng tốt.
Những người bị chó, mèo cắn phải thực hiện nghiêm ngặt xử lý vết thương bằng cách rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn y tế, cồn i ốt để làm giảm lượng virus tại vết cắn.
Y tế địa phương cần phối hợp với lực lượng thú y thực hiện giám sát nơi có ổ dịch chó dại cũ, nơi thường xảy ra bệnh dại ở súc vật, những nơi mua bán súc vật, nhất là chó, mèo...
Bình luận (0)