Nguy cơ radar quân sự Trung Quốc ở Trường Sa

24/02/2016 09:12 GMT+7

Trung Quốc có thể đang lắp đặt phi pháp radar quân sự với khả năng theo dõi mọi hoạt động của tàu bè và máy bay ở phía nam Biển Đông.

Trung Quốc có thể đang lắp đặt phi pháp radar quân sự với khả năng theo dõi mọi hoạt động của tàu bè và máy bay ở phía nam Biển Đông.

Hình ảnh được cho là radar và nhiều cơ sở phi pháp khác của Trung Quốc trên đá Châu Viên - Ảnh: AMTIHình ảnh được cho là radar và nhiều cơ sở phi pháp khác của Trung Quốc trên đá Châu Viên - Ảnh: AMTI
Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) hôm qua 23.2 đưa ra nhiều hình ảnh mới chụp từ vệ tinh về những công trình phi pháp của Trung Quốc tại 4 bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Cụ thể, các bãi đá Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma và Châu Viên đã bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp và tại đó đang mọc lên những cơ sở đáng ngờ. Từ kết quả phân tích hình ảnh, AMTI cho rằng Bắc Kinh có thể đang lắp đặt radar, xây trạm quan sát, hải đăng, bãi đáp trực thăng, boong-ke, bến cảng, ụ súng... ở 4 bãi đá này.
Trong bài phân tích đăng trên website của mình, AMTI cảnh báo: “Việc Trung Quốc xây đường băng ở đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi cũng như triển khai tên lửa tới quần đảo Hoàng Sa mới đây đang bao trùm các cuộc bàn luận về Biển Đông. Tuy nhiên, những gì đang được phát triển tại những bãi đá nhỏ hơn - Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma và đặc biệt là Châu Viên - quan trọng không kém trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc”.
Theo AMTI, những cơ sở radar mới đang hình thành cùng 3 đường băng ở Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi nằm trong ý đồ của Trung Quốc thực hiện chiến lược chống tiếp cận Biển Đông, từ đó dẫn đến kiểm soát khu vực. Đặc biệt, hệ thống ở Châu Viên được cho là radar tần số cao, với tầm hoạt động lên tới 300 km. “Nếu đúng là radar tần số cao, nó sẽ đẩy mạnh đáng kể khả năng của Trung Quốc theo dõi tàu và máy bay ở Biển Đông. Đá Châu Viên là nơi thích hợp cho việc lắp đặt loại radar này vì nằm ở cực nam của Trường Sa. Có nghĩa đó là nơi tốt nhất nếu bạn muốn radar cảnh báo sớm theo dõi mọi tàu bè và phi cơ đến từ eo biển Malacca và những khu vực khác về phía nam, chẳng hạn như Singapore”, Giám đốc AMTI Gregory Poling nhận định với tờ The Washington Post.
Chuyên gia này còn dự đoán Trung Quốc sẽ ngụy biện rằng radar ở đá Châu Viên nhằm phục vụ mục đích dân sự. “Tuy nhiên, bạn không cần đến đường băng dài 3 km cho máy bay dân sự hạ cánh và cũng không cần radar tần số cao để quan sát lưu thông thương mại. Radar là thiết bị lưỡng dụng nhưng giá trị thật là phục vụ mục đích quân sự”, ông Poling nhấn mạnh.
Những radar trên 3 bãi đá còn lại tuy có tầm hoạt động khoảng 50 km, nhưng cũng sẽ góp phần đẩy mạnh khả năng của Trung Quốc theo dõi và có hành động ở phía nam Biển Đông, theo AMTI.
Khi được yêu cầu bình luận về thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh né tránh rằng “không biết cụ thể” nhưng vẫn ngang nhiên khẳng định đảo nhân tạo ở Trường Sa là “lãnh thổ không thể tranh cãi của Trung Quốc”, theo tờ The Wall Street Journal.
Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho hay Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình ở Biển Đông và kêu gọi tất cả các bên không tăng cường hiện diện quân sự tại các khu vực tranh chấp. Ông Earnest cũng phản bác những lời ngụy biện của bà Hoa Xuân Doanh rằng những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông “giống như Mỹ triển khai cơ sở phòng thủ ở Hawaii”.
Phát ngôn viên Mỹ nhấn mạnh không quốc gia nào khác tuyên bố chủ quyền đối với Hawaii trong khi đang có nhiều tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Trước tình hình này, giới quan sát dự đoán vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong đợt làm việc ở Washington D.C từ ngày 23 - 25.2 (giờ địa phương). Trước thềm cuộc gặp, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Kerry nói rằng việc quân sự hóa “không giúp gì cho việc giải quyết các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông”.
Trung Quốc “sẽ đưa tên lửa xuống Trường Sa”
Giới chuyên gia vừa cảnh báo sau khi lắp đặt trạm giám sát, triển khai chiến đấu cơ và tên lửa tới Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc sẽ thực hiện những bước đi tương tự ở Trường Sa, theo Reuters.
Trong đó, chuyên gia Bonnie Glaser thuộc CSIS nhận định việc tăng cường sức mạnh quân sự phi pháp ở Hoàng Sa là dấu hiệu báo trước Trung Quốc sẽ có những động thái quân sự tương tự trên những bãi đá Bắc Kinh bồi đắp phi pháp ở Trường Sa. Còn nhà quan sát Ian Storey tại Viện Nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak (Singapore) nhấn mạnh ông tin rằng những vũ khí như tên lửa sẽ được Trung Quốc triển khai tới Trường Sa trong vòng 1 hoặc 2 năm tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.