Nguy cơ rối loạn thị trường thịt heo cuối năm

19/11/2019 06:35 GMT+7

Sức tiêu thụ tăng mạnh vào 2 tháng cuối năm và tháng đầu năm mới khi nguồn cung sụt giảm do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi khiến thị trường thịt heo có thể "loạn giá" dịp Tết Nguyên đán.

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị bàn giải pháp đánh giá cung cầu thịt heo với các doanh nghiệp (DN) địa phương, DN ngành chăn nuôi do Bộ NN-PTNT tổ chức vào chiều muộn 18.11 tại Hà Nội.

Khâu trung gian đẩy giá thịt heo tăng cao ?

Có thể thiếu 200.000 tấn thịt heo những tháng cuối năm

Cũng trong chiều 18.11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về tình hình liên quan đến giá thịt heo và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019. Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho hay, dự kiến quý 4/2019, tổng nhu cầu heo hơi khoảng hơn 600.000 tấn, trong khi tổng cung khoảng hơn 400.000 tấn, tức còn thiếu hơn 200.000 tấn. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ NN-PTNT nhanh chóng công bố tình trạng và đưa ra các giải pháp đáp ứng cung - cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp lễ, tết khi nhu cầu thịt heo tăng 25 - 30%. Bộ NN-PTNT phải dự đoán nhu cầu và nguồn cung của từng tháng từ nay tới Tết Nguyên đán và báo cáo Chính phủ kế hoạch để bù đắp nguồn cung. Phần thiếu hụt, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương tính toán từng tháng, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ nước ngoài, bảo đảm nhu cầu của người dân.    
Chí Hiếu
Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Phước Trung, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, cho biết thị trường thịt heo tại TP.HCM đang biến động khi trước đây mỗi ngày tiêu thụ khoảng 9.500 - 10.000 con, nay giảm trên 1.500 con/ngày, do khoảng 2 tháng trước hộ chăn nuôi bán heo ồ ạt, nay hết hàng. Nhưng ông Trung cho rằng giá thịt heo ngoài chợ tăng là do trung gian, khi heo hơi giá 70.000 đồng/kg nhưng thịt ba rọi lên tới 200.000 đồng/kg. “Các khâu trung gian đẩy giá bán cao lên để bù đắp chi phí vận hành, quản lý”, ông Trung nói.
Ông Vũ Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP VN, cho hay DN không muốn thịt heo tăng giá quá cao, khiến thịt nhập về phá vỡ thị trường, nguy cơ mang theo mầm bệnh. Thực tế nguồn cung của hệ thống CP ra thị trường không giảm, ở mức 16.000 - 17.000 con/ngày, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, có thời điểm lên đến 25.000 con/ngày. Theo ông Tuấn, để “giảm nhiệt” thị trường, Bộ NN-PTNT cần khuyến khích tái đàn có kiểm soát dịch bệnh, nâng tỷ lệ tái đàn từ 10% như hướng dẫn hiện nay lên đến 30 - 40% để bù đắp thiếu hụt nguồn cung.

“Tháo” lưu thông, cân đối nguồn cung tại chỗ

Ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin, cho rằng thị trường heo hơi hiện mỗi nơi một giá, nơi thì 75.000 đồng/kg, nơi thì 78.000 đồng/kg, nhưng có nơi giá chỉ 73.000 đồng/kg là do thừa thiếu cục bộ ở các khu vực, vùng miền. “Cần tháo khâu lưu thông và ổn định tâm lý thì giá thịt heo sẽ không tăng đột biến. DN cũng mong muốn bằng mọi cách để sớm ổn định giá heo”, ông Lương nói.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng giá heo tăng chỉ là cục bộ, do thiếu hụt nguồn cung, có chỗ thì chỉ mất 8% tổng số đàn nhưng cũng có chỗ mất 50% tổng đàn heo. Ông Cường yêu cầu Cục Thú y bằng mọi biện pháp kiểm soát an toàn dịch bệnh nhưng phải sớm tháo gỡ khó khăn trong lưu thông thịt heo giữa các vùng miền. Ông Cường cũng kêu gọi các DN cùng chung tay thực hiện các biện pháp để sớm cân đối lại nguồn cung heo vào thời điểm 2 tháng cuối năm và tháng đầu năm khi nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng ở mức cao. Nếu không thì nguy cơ thị trường sẽ rơi vào trạng thái rối loạn giá.
Đặc biệt là giải pháp tăng nguồn cung tại chỗ bằng cách tăng trọng lượng heo hiện có để cung cấp ra thị trường dịp cuối năm. Các DN có chuỗi trang trại chăn nuôi, có điều kiện kiểm soát an toàn dịch bệnh thì khuyến khích tái đàn, tăng sản lượng chăn nuôi. Ông Cường cũng đề nghị, cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc xuất và nhập khẩu thịt heo để đảm bảo ở mức ổn định cho thị trường trong nước, an toàn dịch bệnh cũng như đảm bảo lợi ích cho người chăn nuôi trong nước phải có lãi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.