Nguy cơ tàu cá Trung Quốc làm cạn kiệt hải sản ở Biển Đông

16/09/2020 11:02 GMT+7

Theo một chuyên gia sinh học biển Mỹ, hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp và đánh bắt quá mức của Trung Quốc có nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái và làm cạn kiệt nguồn hải sản ở Biển Đông.

Trong buổi trao đổi trực tuyến do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức ngày 16.9, chuyên gia John McManus tại Đại học Miami (Mỹ) dẫn lại các dữ liệu cho thấy ước tính có khoảng 3,7 triệu người tham gia vào hoạt động đánh bắt ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc chiếm 649.000 người.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sở hữu đội tàu cá với hơn 4 triệu thuyền viên thuộc hàng lớn nhất thế giới. Mới đây, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đăng tải đoạn video trên Twitter hôm 16.8 cho rằng hơn 16.000 tàu cá từ đảo Hải Nam đã ra khơi cùng ngày sau khi lệnh cấm đánh bắt do Bắc Kinh đơn phương áp đặt ở Biển Đông kết thúc. Tổ chức Global Fishing Watch (Theo dõi Đánh bắt Toàn cầu) đã sử dụng ảnh chụp vệ tinh xác nhận đội tàu cá xa bờ của Trung Quốc có đến 16.966 chiếc.
Các tàu cá Trung Quốc nổi tiếng mạnh tay khai thác và thường được tàu cảnh sát biển hộ tống khi đánh bắt xa bờ. Chuyên gia McManus cho biết chính quyền và quân đội Trung Quốc tài trợ đáng kể cho các đội tàu cá tiến hành hoạt động đánh bắt ở Biển Đông. “Điều này dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên sinh vật biển”, ông McManus cảnh báo.
Cụ thể, các nghiên cứu gần đây cho thấy chính phủ Trung Quốc hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động đánh bắt, chẳng hạn miễn thuế, hỗ trợ tiền mua nhiên liệu, tổng cộng khoảng 16,6 tỉ USD/năm. Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Trung Quốc chiếm khoảng 15% sản lượng đánh bắt trên toàn thế giới vào năm 2018.
Chuyên gia McManus cho biết Bắc Kinh không cung cấp thông tin minh bạch nên khó có thể xác định chính xác số lượng hải sản các tàu cá Trung Quốc đánh bắt giữa lúc nguồn sinh vật biển suy giảm đáng báo động trong vòng nửa thế kỷ qua. Bên cạnh đó, ông McManus cũng thừa nhận giới khoa học khó có thể dự đoán khi nào nguồn hải sản ở Biển Đông sẽ cạn kiệt do không có đủ dữ liệu.
Mặt khác, kể từ năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã điều nhiều tàu nạo vét và phá hủy hầu hết các rạn san hô để bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại 7 thực thể bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông.
Ông McManus cho biết hoạt động nạo vét của Trung Quốc cơ bản giết chết mọi thứ sống xung quanh các rạn san hô ở Biển Đông.
Mới đây, chính phủ Mỹ hôm 26.8 công bố lệnh cấm vận đối với 24 công ty nhà nước cùng những quan chức của Trung Quốc có liên quan đến hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bị liệt vào danh sách cấm vận đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trong tuyên bố liên quan đến lệnh cấm vận, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ: "Kể từ năm 2013, Trung Quốc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để bồi đắp hơn 1.200 hecta tại các thực thể có tranh chấp ở Biển Đông, gây mất ổn định khu vực, chà đạp quyền chủ quyền của các nước láng giềng và tàn phá môi trường".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.