Phái đoàn thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định quyết tâm phải đến được nhà máy hiện do Nga kiểm soát ở miền nam Ukraine, bất chấp bom đạn tiếp tục dội vào thị trấn Energodar kế bên nhà máy. “Vài phút trước lại diễn ra hoạt động quân sự. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không lùi bước”, AFP dẫn lời ông Rafael Grossi, Tổng giám đốc IAEA.
Phái đoàn IAEA lên đường đến nhà máy điện hạt nhân ngày 1.9 |
Reuters |
Vùng xám nguy hiểm
“Chúng tôi biết được đây là vùng xám, nơi chấm dứt chiến tuyến phòng thủ cuối cùng của Ukraine và là điểm khởi đầu cho khu vực mà Nga đang kiểm soát”, ông Grossi nói trước khi dẫn đầu phái đoàn vượt qua ranh giới đi vào khu vực của Nga. Phái đoàn IAEA đặt mục tiêu ngăn chặn sự cố hạt nhân và bảo toàn nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu trong bối cảnh chiến sự vẫn tiếp diễn.
Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 190, Ukraine tính bất ngờ đột kích nhà máy điện hạt nhân? |
Ngay trước đó, Thị trưởng Dmytro Orlov của Energodar cho biết khu đô thị đã trúng đòn tấn công vào rạng sáng 1.9 (giờ địa phương). Theo vị thị trưởng, quân đội Nga đã bắn pháo cối vào thị trấn và sử dụng rốc két lẫn súng máy. Tuy nhiên, Moscow lại cáo buộc Kyiv vào thời điểm đó đang tìm cách đưa 60 binh sĩ đến khu vực gần nhà máy để thực hiện âm mưu phá hoại, nên các lực lượng Nga phải ngăn chặn. Bộ Quốc phòng Nga cho rằng tình hình xung quanh nhà máy đang khó khăn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, theo Reuters.
Khu vực xung quanh nhà máy, vốn nằm trên bờ nam của sông Dnipro, liên tục bị trúng pháo kích. Cả Nga và Ukraine đều đổ lỗi lẫn nhau phải chịu trách nhiệm về các đợt tấn công ở đây. Hôm qua, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) yêu cầu ngừng toàn bộ các hoạt động quân sự xung quanh nhà máy trong bối cảnh những hậu quả thảm khốc đang chực chờ nơi này. Tại Kyiv, Tổng giám đốc ICRC Robert Mardini cảnh báo chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng đủ sức gây ra sự tàn phá khiến con người phải hối tiếc trong nhiều thập niên.
Lãnh đạo IAEA khẳng định chuyên gia quốc tế sẽ ở lại nhà máy điện hạt nhân Ukraine |
Nhà máy Zaporizhzhia có tổng cộng 6 lò phản ứng, nhưng trước đó chỉ còn lò phản ứng thứ 5 và thứ 6 hoạt động. Hiện phía quản lý nhà máy đã tắt luôn lò phản ứng thứ 5 sau đợt pháo kích mới nhất.
Phản công ở miền nam
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Anh cập nhật thông tin tình báo cho thấy Ukraine tiếp tục triển khai các chiến dịch phản công ở miền nam. Bộ Quốc phòng Ukraine cũng công bố video clip cho thấy một máy bay chiến đấu của nước này phóng tên lửa tốc độ cao chống bức xạ (HARM). Đây là dòng vũ khí nhằm định vị và phá hủy radar.
Đài CNN dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ trước khi chính quyền Kyiv tiến hành cuộc phản công ở miền nam, các lực lượng Ukraine đã diễn tập chung với Mỹ. Washington đã kêu gọi Kyiv hãy tránh sa lầy trên nhiều mặt trận bằng cách hạn chế số lượng mục tiêu lẫn địa lý. Cách tiếp cận này cũng tránh cho Ukraine rơi vào tình thế bị quá sức trước đối thủ mạnh hơn.
Mỹ giúp Ukraine phát triển kế hoạch phản công Nga |
Theo một nguồn tin của Đài CNN, những tháng gần đây, Ukraine đề nghị Mỹ cung cấp các loại vũ khí đặc biệt phù hợp với kế hoạch phản công ở miền nam. Bên cạnh đó, hoạt động tập trận chung cho phép Mỹ nắm rõ hơn các loại vũ khí, phương tiện lẫn thông tin tình báo mà Ukraine cần đến. Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết sẽ sớm đưa ra tuyên bố mới liên quan đến gói viện trợ quân sự kế tiếp cho Kyiv.
Bình luận (0)