Nguy kịch sau khi uống 'nước chữa bách bệnh'

Liên Châu
Liên Châu
17/10/2024 05:06 GMT+7

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa qua liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc, bất tỉnh… sau khi uống loại nước được truyền bá có khả năng 'chữa bệnh'.

UỐNG 5 LÍT/NGÀY VÀ NHỊN ĂN 15 NGÀY

Theo Bệnh viện (BV) Bạch Mai, trong số các ca nhập viện, có bệnh nhân (BN) P.T.M (nữ, 60 tuổi, ở H.Sóc Sơn, Hà Nội) được chuyển đến Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai, trong tình trạng mệt lả, chân tay bủn rủn… Trước nhập viện, BN nôn mửa nhiều ngày không dứt, nôn ra dịch dạ dày, dịch mật. Kết quả xét nghiệm máu của BN cho thấy các chỉ số bất thường: kali hạ dưới mức cho phép, máu nhiễm kiềm chuyển hóa.

BN M. cho biết do có nhiều bệnh (dạ dày, tá tràng, đại tràng, u tuyến giáp, tê bì tay chân) nên khi nghe truyền miệng về địa chỉ "uống nước chữa bách bệnh", BN đã tìm đến và xin được chữa trị.

"Chủ nhà không khám mà chỉ hỏi về tình trạng bệnh của tôi rồi bảo hằng ngày uống nước được lấy từ máy lọc. Nước có thể pha thêm 1 chút muối cho dễ uống và không ăn gì. Ngày uống tối thiểu khoảng 5 - 6 lít nước, trong khoảng 10 - 15 ngày", BN M. kể. Thời điểm BN tham gia "uống nước chữa bách bệnh", tại đó còn có khoảng 10 người khác.

Trước BN M., các bác sĩ đã tiếp nhận chùm 3 ca bệnh nhập viện sau khi cùng uống một loại nước được giới thiệu là "nước kiềm" để chữa bệnh. 3 BN này vốn bị suy thận và đang chạy thận nhân tạo chu kỳ ở BV đa khoa Lai Châu. Sau khi được giới thiệu về nước "trị bệnh", 3 BN tự ngừng chạy thận, đến một địa chỉ tại H.Thanh Oai (Hà Nội) uống nước với cách thức tương tự trường hợp BN M.

Nguy kịch sau khi uống 'nước chữa bách bệnh'- Ảnh 1.

Một trong những bệnh nhân bị ngộ độc sau khi dùng liệu pháp “chữa bệnh” bằng uống nước kiềm

ẢNH: NG.HÀ

Các BN này được hướng dẫn uống 6 lít nước/ngày, nhịn ăn hoàn toàn trong 15 - 20 ngày. Tuy nhiên, sau khoảng 2 - 3 ngày uống nước, các BN xuất hiện khó thở, hôn mê, phải đưa đi cấp cứu và nhập viện trong tình trạng bị rối loạn ý thức, suy hô hấp, tổn thương cơ tim nặng, phù phổi cấp do biến chứng quá tải dịch trên bệnh nền suy thận mạn.

Tại BV Bạch Mai, các BN được điều trị tích cực: đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số urê gấp 3 lần bình thường, creatinin gấp 10 - 15 lần bình thường. Được lọc máu kịp thời, các BN hiện đã qua tình trạng nguy kịch, ổn định và trở lại lịch trình chạy thận nhân tạo chu kỳ, duy trì sức khỏe.

CƠ THỂ SẼ RA SAO KHI UỐNG NHIỀU NƯỚC KIỀM ?

Theo TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai, việc uống quá nhiều nước bình thường như nước lọc hay nước đun sôi để nguội trong ngày, kể cả ở người khỏe mạnh đã rất nguy hiểm, vì có thể gây nguy hại cho cơ thể như: phù phổi, loãng máu, hạ natri máu, phù não, hôn mê, co giật và tử vong…, chứ chưa nói đến sử dụng lượng lớn nước kiềm.

Với BN M., loại nước BN này uống có độ pH 7,5 và 5 - 6 lít/ngày. Uống nhiều nước kiềm ngoài việc gây thừa nước như trên, còn gây thay đổi pH của máu, gây nhiễm kiềm chuyển hóa. Khi có thay đổi về pH của máu, cơ thể sẽ bị rối loạn và nhiều bệnh tật phát sinh theo. Khi uống nhiều nước kiềm, pH cơ thể bị tăng lên, gây rối loạn cảm giác, hôn mê; tình trạng này khiến kali máu bị hạ dẫn tới có thể bị loạn nhịp tim, liệt, thậm chí tử vong.

"Việc nghe và thực hiện theo những lời tuyên truyền thiếu cơ sở khoa học rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí dễ mất mạng", TS-BS Nguyễn Trung Nguyên nói đồng thời nhấn mạnh: Khi nghi ngờ có bệnh, cần đến thăm khám ở cơ sở y tế có đăng ký. Việc ăn uống cần đảm bảo đa dạng về thể loại, số lượng, thể tích phù hợp theo nhu cầu và tình trạng sức khỏe. Đặc biệt, không tùy tiện uống quá nhiều bất kỳ một loại nước nào đó để tránh gây nguy hiểm cho cơ thể.

"Các cơ quan chức năng nên tăng cường thông tin, cảnh báo, thậm chí điều tra và xử lý nghiêm theo pháp luật nếu cần, để tránh đằng sau sự việc có hiện tượng làm ăn phi pháp gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân", TS Nguyễn Trung Nguyên đề nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.