Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama vừa mặc thiết kế trong bộ sưu tập Pre - Fall 2020 của Nguyễn Công Trí khi tham dự sự kiện tại Singapore. Chỉ sau 2 tháng, lần thứ 2, bà tiếp tục lựa chọn mặc trang phục của nhà thiết kế này.
Hàng loạt những ngôi sao toàn cầu đã đại diện cho nhãn hiệu cao cấp của Nguyễn Công Trí như Beyoncé, Rihanna, Katy Perry, Rita Ora, Kate Bosworth, Naomi Campbell, Sophie Turner…
|
Tờ Independent (Anh) nhận định, Nguyễn Công Trí là nhà thiết kế tiên phong trong quá trình thay đổi diện mạo nền thời trang đương đại của Việt Nam.
Còn tờ Vogue (Mỹ) khẳng định Nguyễn Công Trí là nhà thiết kế Việt duy nhất chạm đến đường biên thật sự của thời trang cao cấp (haute couture), với những sáng tạo khơi gợi cảm xúc người xem.
Không quá lời khi nói, Nguyễn Công Trí đã đưa thời trang cao cấp của Việt Nam ra biển lớn, để thế giới nhìn nhận và đánh giá lại về một nền thời trang còn non trẻ.
|
Trò chuyện với Nguyễn Công Trí mới thấy anh không để ý đến những gì mà mọi người nhìn nhận về mình, bởi với anh, như vậy sẽ chẳng có thời gian tập trung cho công việc nữa. Nguyễn Công Trí mang đến cho người đối diện cảm giác về sự chân thành, giản dị và khiêm tốn, cũng như bao năm qua anh vẫn im lặng, điềm đạm làm những việc mình cần làm.
20 năm và 10 bài tập lớn
- Phóng viên: Anh tổng kết hành trình 20 năm với thời trang của mình bằng triển lãm nghệ thuật đương đại Cục im lặng khơi nguồn từ 10 bộ sưu tập Trắng, Cãi lại, Cảm, Cắt lớp, Trói, Nấm, Cảm ơn Sài Gòn, Tiếng vọng, Lúa, Em hoa. Vì sao anh lại có ý định này?
- Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí: Tôi muốn dẫn dắt khán giả vào bên trong đầu, suy nghĩ, cơ thể của mình. Tôi muốn “chụp cắt lớp” mình để mọi người thấy được chặng đường của tôi, cũng như tôi đang suy nghĩ điều gì, đang trăn trở điều gì.
|
Ngay từ khi làm bộ sưu tập số 1, tôi đã có ý định làm 10 bộ sưu tập trong hành trình hơn 10 năm. Tôi vốn tự học ngành thiết kế thời trang, nên tôi tự đặt ra đề bài cho mình là 10 bộ sưu tập với 10 phong cách, trường phái khác nhau, giống như những bài tập lớn tốt nghiệp, để sau đó tìm ra đâu là cái mà mình thích, muốn phát triển.
Trong suốt thời gian tôi làm, có thể nhiều người thắc mắc sao bộ sưu tập sau không liên quan đến bộ sưu tập trước, màu sắc, trường phái khác nhau và khá lộn xộn. Nhưng dù ai nói gì, tôi vẫn kiên định với những gì muốn làm.
Tôi có ý tưởng mời những nghệ sĩ nghệ thuật đương đại (múa, làm phim, làm nhạc, nhiếp ảnh, nghệ sĩ thị giác…) làm việc với những bộ sưu tập của mình. Họ nghe những ý tưởng, tâm sự của tôi, từ đó có cảm hứng, tìm được sự đồng điệu trong chính tâm hồn mình và làm ra tác phẩm của họ.
Bởi với tôi, thời trang không chỉ dừng lại ở cái áo cái quần mà còn bay xa hơn ở các lĩnh vực khác nhau. Tôi muốn tạo nên bước ngoặt từ sau triển lãm này, để mình sống ở bầu không khí của môi trường nghệ thuật rộng lớn hơn chứ không chỉ là thời trang…
|
“Tôi muốn nhảy vào nơi dầu sôi lửa bỏng”
Đến giờ, Nguyễn Công Trí gần như là nhà thiết kế Việt Nam duy nhất bước vào lãnh địa thời trang cao cấp thế giới với nhiều khách hàng là những ngôi sao quốc tế. Anh có thể chia sẻ về cơ duyên cũng như công việc thiết kế cho những người nổi tiếng thế giới?
Thành công của tôi có 70% là do may mắn. Tôi may mắn gặp được những người giúp đỡ mình như chuyên gia trang điểm Hung Vanngo, người chuyên trang điểm cho những ngôi sao quốc tế. Qua sự giới thiệu của Hung Vanngo, tôi được tiếp cận những stylist của những nghệ sĩ nhanh hơn.
Nhưng để được bạn ấy giới thiệu không phải chuyện dễ, nhất là với những người nổi tiếng thế giới là rất khó. Chúng tôi biết nhau 4 năm, bạn ấy hiểu khả năng của tôi, con người tôi, thái độ, cách làm việc của tôi, bởi vậy mới có sự tin tưởng vào tôi.
Khi gặp được những stylist đó thì mới chỉ là chặng đường nhỏ. Nếu mình làm việc không có bản lĩnh, không có tài năng, không có gì để chứng minh bộ đồ của mình đẹp, tôn lên vóc dáng của người mặc thì coi như chỉ là con số 0. Sang thị trường quốc tế, mong mình chỉ là nửa hạt cát cũng rất khó khăn.
Số đồ tôi gửi đi cho các celeb (nhân vật nổi tiếng - phóng viên) nhiều hơn nhiều lần số đồ mà mọi người thấy. Khi mẫu trang phục của tôi đến được tay stylist, sau đó là cả một hành trình phía trước. Họ sẽ hẹn ngày giờ để thử đồ. Nếu mình không đảm bảo điều trước tiên là đúng giờ là hỏng ngay.
Ngay cả khi các celeb đặt đồ, mình thiết kế, chỉnh sửa theo ý của họ, may đồ vừa vặn hết rồi, nhưng có khi trước khi ra thảm đỏ 1- 2 tiếng họ vẫn có thể thay đổi, vì thực tế có rất nhiều nhà thiết kế khác đang xếp hàng. Không có chuyện đặt câu hỏi với họ vì sao đặt tôi mà không mặc đồ tôi. Chuyện mặc hay không là quyền của những ngôi sao lớn. Phải hiểu điều đó mới làm việc được.
Vì sao anh không chọn châu Âu mà lại chọn Mỹ để tập trung phát triển thương hiệu của mình?
Tôi tập trung phát triển ở New York (Mỹ) nhiều hơn, bởi đây là nơi những tuần lễ thời trang diễn ra sớm nhất so với các sàn khác. Tại Pháp, thời trang cao cấp có chất thời trang rất mạnh, sự đòi hỏi về chuyên môn, học thuật nhiều. Trong khi ở Mỹ, thời trang cần sự thời thượng, cần bạn hiểu thế giới đang thở nhịp thở thế nào, đồng tiền xoay nhanh ra sao. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với áp lực ra sao. Khi bước ra thế giới, tôi muốn nhảy vào nơi dầu sôi lửa bỏng nhiều hơn là nơi dành cho sự thơ tha thơ thẩn. Tôi nghĩ từ Mỹ, sau này qua Pháp, hay Ý không khó.
"Khi mình vui, mình buồn ở đâu đó sẽ có người khác giống như vậy"
Với anh, đến giờ, thành công lớn nhất anh đạt được là gì?
Điều vui và thành công nhất của tôi không liên quan đến công việc, hay sự nghiệp. Dù cuộc sống của tôi luôn chìm trong công việc, thậm chí, tôi còn là người nghiện công việc. Với tôi, điều thành công nhất đến ngày hôm nay đầu tiên là mình vẫn khỏe mạnh, vẫn giữ được sự trẻ trung dù U50 rồi (cười).
Tiếp đến là tôi không hối tiếc về những ngày tháng qua khi mình đã sống và làm việc hết mình, cũng như hưởng thụ, trải nghiệm, có những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn như một con người bình thường.
Tôi nhận ra rằng khi mình vui, mình buồn ở đâu đó sẽ có người khác giống như vậy. Bởi vậy, khi có sự cố, mình cần phải bình tĩnh đón nhận, bởi lúc đó là lúc đến lượt của mình. Bây giờ, tôi có thể bình tĩnh đón nhận hết tất cả mọi điều. Bạn thấy đấy, bất cứ ai làm công việc, nghề nghiệp gì trong xã hội, cuối cùng họ đều cần phải cảm thấy hạnh phúc và thành công trong chính sự yên bình của mình.
Bình luận (0)