Nguyễn Hồng Hải : Từ Trung vệ thép đến giám sát công trình xây dựng

Lưu Ngọc Hùng
Lưu Ngọc Hùng
02/04/2020 08:30 GMT+7

Cựu tuyển thủ Nguyễn Hồng Hải là 1 cái tên khi mà nhắc đến người ta chỉ nhớ đó là một trung vệ lì lợm, lăn xả, máu lửa, không ngại phạm lỗi, đúng chất "thép" của bóng đá Việt Nam .

Những năm 90 thế kỷ trước, bóng đá Việt Nam khi tái hội nhập với khu vực và thế giới, với những thành tích không phải là cao nhất so với toàn bộ chiều dài lịch sử của nền bóng đá nhưng được coi là bước đi đầu tiên trong công cuộc tái thiết. Với chiến thuật 5-3-2 được coi là tiêu biểu cho lối chơi lúc ấy của bóng đá thế giới thì các câu lạc bộ, các huấn luyện viện quốc nội đều áp dụng. Khi đó 1 libero (trung vệ thòng) cùng 2 trung vệ dập và 2 hậu vệ cánh luôn thường xuyên khép vào tạo nên 1 bộ 5 ken dày trước mặt khung thành. Điều đó giúp hàng thủ trở nên 1 bức tường vững trãi, nền tảng và là bệ phóng cho các đội bóng triển khai nhanh lối chơi. 

Trong đội hình 5 hậu vệ đó có 1 chàng trai tuy không quá nổi bật nhưng chính lối đá cần cù, khỏe khoắn của anh được nhiều HLV yêu thích. Từ quê nhà Bến Tre, chàng trai 19 tuổi khi ấy khăn gói lên Sài Thành, gia nhập câu lạc bộ nổi tiếng và truyền thống lúc bấy giờ là Cảng Sài Gòn. Được 1 năm thì ngược lên Tây Nguyên kết duyên cùng đội bóng Lâm Đồng . Cái tên Nguyễn Hồng Hải bắt đầu được định hình và thành danh khi ấy .

Hồng Hải (thứ 4 từ phải sang, hàng trên, đứng cạnh Huỳnh Đức) trong màu áo Công an TP.HCM

Tinh thần máu lửa, chịu đeo bám, không ngại va chạm và luôn thể hiện lối chơi quyết liệt có phần đá rát, đá ác của các trung vệ dập ngày trước là điều mà đa số các cầu thủ thi đấu vị trí này nằm lòng. Cách chơi đó khác với cách chơi phòng ngự khu vực như bây giờ bởi các cầu thủ đá trung vệ dập ngày trước có nhiệm vụ phải “dọn dẹp” để trung vệ thòng còn lại bọc lót.

 

“Đội hình trong mơ” của bóng đá Việt Nam, có đến 2 Hồng Sơn

Cách chơi bóng 1 bắt 1, đeo “Balô” gần như được áp đặt cho họ. Phải làm sao cho các tiền đạo không nhận được bóng, phải đá sao cho họ chùn chân, giải quyết được họ là đã hoàn thành nhiệm vụ. Những người chơi ở vị trí này thường phải cao to, khỏe, luôn áp sát và đặc biệt tinh thần chiến đấu luôn hết mình. Chính cách chơi đó biến Hồng Hải thành 1 trong những trung vệ dập điển hình khi đó.

Hồng Hải khoác áo số 19 của tuyển Việt Nam

tư liệu

Đã có lúc khi nhắc đến tên Hồng Hải khiến nhiều người ái ngại vì các pha bóng nhiều lúc quá quyết liệt của anh, các tiền đạo của bóng đá quốc nội khi đối đầu cùng anh đều ngán ngại. Chính cách chơi “hăng máu” nhiều lúc dễ phạm lỗi đó khiến anh ít trụ lâu một chỗ. Gia nhập đội Công An TP.HCM sau khi cùng đội tuyển Việt Nam đạt huy chương đồng Tiger Cup năm 1996, tiếp tục gắn bó với các câu lạc bộ ở các hạng đấu thấp hơn như Đồng Nai và Kiên Giang, sau đó giải nghệ khép lại hơn 14 năm sự nghiệp quần đùi áo số của mình .

Trái ngược với hình ảnh có phần bặm trợn trên sân cỏ là 1 hình ảnh hiền lành, gần gũi và phảng phất chút nghệ sĩ của người giám sát công trình của công ty xây dựng nội thất Khá Việt. Hải cho biết sau khi rời sân cỏ, có lúc anh bế tắc khi không có nghề nghiệp gì khác để tự nuôi mình và gia đình ngoài bóng đá. Có thời gian người ta thấy anh làm bảo vệ, điều xe ở một chi nhánh xe Toyota trên đường Lý Thường Kiệt. Hải đã phải vật lộn với cuộc sống suốt thời gian dài.

Hồng Hải (thứ 3 hàng đúng từ trái sang) trong đội hình tuyển Việt Nam tại Tiger Cup 1996

tư liệu

Giờ đây Hải đã tìm cho mình sự ổn định phần nào. Hàng ngày đi làm tại công ty xây dựng nội thất, cuối tuần thì dạy bóng đá cộng đồng tại các trung tâm, Hồng Hải đang có 1 cuộc sống khá êm đềm bên vợ và 2 con của mình. Khi nhìn những đồng nghiệp, người đồng đội ngày trước vẫn theo nghiệp bóng đá như Huỳnh Đức, Minh Chiến ,Hữu Đang, Liêm Thanh ...có nhiều khi anh cũng chạnh lòng, cứ khắc khoải, cũng mong lắm được ra sân nhưng cái nghiệp cho mình đến vậy, mình phải biết hài lòng với những gì cuộc sống đã đem đến cho mình . 

Gia đình nhỏ của Hồng Hải

Ai mà chẳng muốn sau khi kết thúc sự nghiệp quần đùi áo số sẽ bắt đầu 1 hành trình mới với những lớp học, sau đó là đào tạo trẻ, trợ lý và thành huấn luyện viên trưởng nhưng đâu phải ai cũng may mắn có được chữ duyên với nghề . Đam mê và tiếp tục sống bằng những lớp dạy bóng đá cộng đồng cũng là cách hoài niệm lại những ngày tháng tuổi trẻ trong quá khứ giúp các cựu cầu thủ cảm thấy hạnh phúc với cuộc đời .

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.