“Viên gạch” đầu tiên anh đặt cho sự nghiệp kinh doanh tại quê hương là chuỗi khách sạn- nhà hàng mang đậm phong cách ẩm thực Nhật- Việt tại thủ đô. Trò chuyện với anh trong ngày cuối năm, dù còn nhiều trăn trở về môi trường kinh doanh nội địa nhưng trong anh vẫn bừng lên hy vọng về những thay đổi đang dần khởi sắc trong nền kinh tế nước nhà, từ các thủ tục hành chính đến các thói quen tiêu dùng, văn hoá kinh doanh...
PV Thời Trang Trẻ: Chào anh, được biết anh mới mở nhà hàng cháo đầu tiên cho chuỗi nhà hàng mang tên An Nam Cháo. Anh có thể chia sẻ với độc giả tạp chí?
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Xuân: Cháo từ nhiều đời nay là một món ăn truyền thống của dân tộc Việt Nam mình. Khi người ta đói khổ nhất chỉ có bát cháo qua bữa, khi người ta ốm yếu nhất cũng chỉ có thể ăn cháo cầm lòng hay ngay cả khi cao lương mỹ vị, sang trọng nhất thì cũng có bát cháo để khai vị, ăn kèm bổ dưỡng… Tôi muốn đi từ những thứ bình dị nhất, đời thường nhất. Chuỗi nhà hàng “chuyên” cháo với địa điểm đầu tiên tại 18 Đào Tấn, Hà Nội mang tên An Nam Cháo là một ước mong như thế… Tôi kỳ công mang những món cháo từ vùng núi về như cháo chân giò Ấu tẩu hay các món cháo gà tinh tế, bổ dưỡng quen thuộc để khách hàng thưởng thức. Đầu bếp của chúng tôi tính toán dinh dưỡng, khẩu vị sao cho khách hàng dùng một bát cháo là đủ sức làm việc một buổi ( cười)… Tôi tin người ta rồi sẽ dần nhớ và yêu các món cháo của nhà hàng… ( cười)
Pv Thời Trang Trẻ: Anh nhắm vào đối tượng khách hàng nào?
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Xuân: Tôi nhắm vào khách Việt. Quan điểm của không ít vị tỷ phú trên thế giới là phải làm giàu từ số lượng khách hàng bản địa chứ không phải khách hàng vãng lai dù họ có chi tiêu mạnh tới mấy.
Pv Thời Trang Trẻ: Nhưng anh lại đang kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn đấy- một lĩnh vực làm giàu từ khách “vãng lai”?
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Xuân: Đó lại là một câu chuyện khác. Khi tôi về Việt Nam, tôi chọn kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng- khách sạn. Bởi tôi quan niệm, đây là “mặt tiền” của người Việt đối với những người đến từ phương xa- các du khách. Họ đến, mang văn hoá cả thế giới đến Việt Nam đồng thời họ cũng là những người tiếp xúc trực diện với nền văn hoá Việt mình. Sau nhiều năm bôn ba trên thế giới, tôi có một tham vọng là muốn truyền bá nét đẹp văn hoá Việt mình, từ ẩm thực đến tập quán, lối sống… Cũng gần ngót thập kỷ rồi, tôi làm kinh doanh khách sạn, tại phố cổ, nơi thu hút rất nhiều du khách và tôi thấy rất hài lòng với quyết định của mình. Hàng ngày được tiếp xúc với rất nhiều con người đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau những người như chúng tôi như luôn được nuôi dưỡng cảm hứng làm việc. Tôi quan điểm làm việc đương nhiên vì mục tiêu lợi nhuận nhưng song song với đó là góp phần tạo dựng, quảng bá các giá trị văn hoá, xã hội thì mới thật sự là thành công…
Pv Thời Trang Trẻ: Tại sao anh lại chọn lĩnh vực kinh doanh này- một lĩnh vực rất dễ bị phán xét và thậm chí là… bỏ rơi nếu xảy ra sơ suất, dù nhỏ? Đó là, thật lòng mà nói, môi trường, điều kiện kinh doanh ở Việt Nam mình không hề dễ?
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Xuân: Đúng là kinh doanh ở Việt Nam không dễ. Hệ thống hành chính của mình cồng kềnh, đâu đó còn gây khó dễ cho doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến các khó khăn trong nhân sự. Tư duy nhảy việc, tư duy thích làm chủ, không vì cái chung khiến những người đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ như chúng tôi vô cùng khó khăn. Nhưng biết làm thế nào, quan điểm của tôi là tiên quyết xây dựng được một văn hoá doanh nghiệp, để bất cứ nhân viên nào bước vào đội ngũ sẽ thấm nhuần, từ đó họ cũng sẽ vận động, hoàn thiện để nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm bán ra. Nhiều năm nay, bên cạnh việc đầu tư, kinh doanh tôi luôn chú trọng xây dựng văn hoá thứ văn hoá mang tên “Chân thành” trong công ty. Chân thành trong cách ứng xử giữa các đồng nghiệp sẽ không xảy ra cự cãi, sẽ tạo được sự hỗ trợ tối đa. Chân thành với khách hàng để thuyết phục họ yêu quý, trung thành với mình. Và đặc biệt, chân thành trong thái độ làm việc để luôn hoàn thành công việc thật chất lượng. Đành phải bắt đầu từ những sự việc nhỏ như vậy để tìm những cái đích lớn hơn.
Pv Thời Trang Trẻ: Vậy theo anh, cái khó nhất của kinh doanh ẩm thực là gì?
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Xuân: Là nhân sự. Kinh doanh ẩm thực là kinh doanh… sức khoẻ con người. Kinh doanh du lịch là kinh doanh niềm vui và sự thoải mái của con người. Những thứ rất “trừu tượng” như thế rất cần cái tâm của người làm nghề. Khách hàng cần cái tâm thể hiện trong sự tận tuỵ cung cấp dịch vụ, cần cái tâm thể hiện trong sự chăm sóc chu đáo và đặc biệt là cái tâm để tâm đến cảm xúc của các khách hàng. Với góc độ là một nhà đầu tư, tôi có thể đầu tư tiền để xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, đào tạo nhân viên, xây dựng hình ảnh, thương hiệu từ hệ thống nhận diện đến trang phục của các nhân viên phục vụ. Không chỉ thế, tôi còn toàn tâm toàn ý được trong hoạt động chọn lựa các đơn vị cung cấp thực phẩm, nguyên vật liệu, vật dụng xanh, sạch, an toàn, chất lượng. Nhưng để truyền tải trọn vẹn sự chi tiết, tâm huyết của tôi đến các khách hàng và giúp họ tận hưởng thì phải thông qua đội ngũ nhân viên . Đây là một vấn đề hết sức mệt mỏi. Bạn biết đấy, người Việt mình có rất nhiều người làm việc không có tâm. Bớt xén nguyên liệu, “đánh cắp” giờ làm, lãng phí của chung và cả vô trách nhiệm với tài sản chung… và họ rất thích thú với điều đó nếu chúng tôi không biết…
Pv Thời Trang Trẻ: Ngót một thập kỷ ở thị trường Việt, anh đã thấy chuyển biến?
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Xuân: Có chứ, chuyển biến khá nhiều. Chính phủ mới của chúng ta đã dành chỗ đứng ( đúng nghĩa) cho đội ngũ doanh nhân như chúng tôi. Đội ngũ doanh nhân là những người làm ra của cải cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho xã hội đã được tạo điều kiện bằng cách đơn giản hoá các thủ tục hành chính, lắng nghe các ý kiến, tâm tư và được hỗ trợ khi hoạt động tại xã hội. Chưa đủ nhưng có chuyển biến là rất tốt. Và với bản lĩnh của những người làm kinh doanh, chúng tôi vẫn nỗ lực thích hợp đón chờ sự thay đổi tích cực, đổi mới hơn nữa. Để những cống hiến của chúng tôi có ích thực sự cho xã hội, cho sự phát triển chung…
Vâng, xin cảm ơn anh, chúc anh thành công !