Nguyên nhân bất ngờ đánh đắm tàu hải quân New Zealand

Văn Khoa
Văn Khoa
30/11/2024 10:19 GMT+7

Một tòa án quân sự ở New Zealand vừa công bố kết quả điều tra sơ bộ về vụ một tàu hải quân của nước này chở 75 người chìm trong tháng trước.

Theo kết quả điều tra nói trên, tàu hải quân HMNZS Manawanui đã được chuyển sang chế độ lái tự động trước khi bị lật và chìm ngoài khơi Samoa.

Các thành viên thủy thủ đoàn đã mất kiểm soát tàu Manawanui vào ngày 5.10 khi đang tiến hành hoạt động khảo sát thủy văn ngoài khơi đảo Upolu thuộc Samoa.

Video tàu hải quân New Zealand HMNZS Manawanui bị nghiêng sau khi mắc cạn

"Nguyên nhân trực tiếp khiến tàu mắc cạn đã được xác định là do một loạt lỗi của con người, điều này có nghĩa là chế độ lái tự động của tàu vẫn hoạt động trong khi đáng lẽ ra phải được ngắt", Tham mưu trưởng Hải quân New Zealand Garin Golding cho hay trong thông cáo báo chí hôm 29.11, theo báo Business Insider.

Ông Golding cho biết thêm các thành viên thủy thủ đoàn không nhận ra rằng con tàu vẫn đang ở chế độ lái tự động và cho rằng việc tàu không phản ứng với những thay đổi hướng đi là do trục trặc trong điều khiển động cơ đẩy.

Nguyên nhân bất ngờ đánh đắm tàu hải quân New Zealand- Ảnh 1.

Tàu HMNZS Manawanui mắc cạn gần Samoa

ẢNH: NZHERALD

Họ đã cố gắng thay đổi hướng đi nhiều lần, nhưng con tàu vẫn tiếp tục đi theo lộ trình của mình cho đến khi đâm vào một rạn san hô ngoài khơi Samoa với tốc độ 17,7 km/giờ và di chuyển thêm 635 m cho đến khi bị mắc cạn, theo thông cáo.

Toàn bộ 75 thành viên thủy thủ đoàn và hành khách đã được sơ tán 30 phút sau khi tàu mắc cạn và trước khi một loạt vụ cháy "thảm khốc" xảy ra rồi tàu bị chìm vào sáng hôm sau, theo thông cáo.

Giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra sẽ xem xét các yếu tố khác góp phần làm chìm tàu Manawanui.

Theo một loạt thông tin cập nhật trên trang web của mình, Lực lượng Phòng vệ New Zealand đã nỗ lực loại bỏ và xử lý an toàn nhiên liệu và chất gây ô nhiễm khỏi tàu Manawanui.

Tàu HMNZS Manawanui được chính phủ New Zealand đóng vào năm 2003 với kinh phí 103 triệu NZD (1.570 tỉ đồng), và được đưa vào hoạt động từ năm 2019. Tàu này được sử dụng cho nhiều hoạt động lặn, trục vớt và khảo sát quanh New Zealand và khu vực tây nam Thái Bình Dương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.