"Con thuyền phiêu bạt"
Có ai biết được chuyện ngày xưa, cậu bé Nguyễn Quý Sửu (sinh 18.10.1986) rất yêu bóng đá và đó là niềm say mê như biết bao nhiêu bạn nhỏ khác ở Phú Thuận B (Hồng Ngự, Đồng Tháp)- một địa phương là vùng đất Cù lao, nổi lên giữa đầu nguồn sông Tiền thuộc nhánh sông Mê Kông. Từ nơi cách xa đô thị gần 20 km và phải đi qua chuyến phà, nhưng Quý Sửu không vắng ở buổi tập nào vào ngày cuối tuần ở huyện Hồng Ngự (nay là thị xã Hồng Ngự). Quý Sửu đã thi đấu ấn tượng từ khi còn ngồi ghế nhà trường cấp tiểu học. Được chọn vào đội U.11 tỉnh Đồng Tháp tham dự giải toàn quốc và cùng đội có mặt ở VCK diễn ra tại Đà Nẵng- 1997.
Tiếp theo đó, năm lên 14 tuổi (2000), Quý Sửu tiếp tục được chọn vào đội bóng THCS huyện này, được tham dự Hội khỏe Phù Đổng tỉnh nhưng không thành công. Cũng năm đó, Quý Sửu rớt tuyển sinh vào Trường Năng khiếu TDTT tỉnh vì chiều cao chưa đạt chuẩn.
Trở lại Hồng Ngự, Quý Sửu không bận tâm đến việc thi tuyển, mà vẫn tích cực tập luyện và không lâu sau anh thi đấu thành công cho đội học sinh THPT Hồng Ngự và được chọn bổ sung với lực lượng của đội bóng tỉnh nhà. Chính năm này, Đồng Tháp đăng quang ngôi vô địch giải U.17 toàn quốc 2002. Anh đã lọt vào mắt xanh của Ban huấn luyện đội tuyển U.17 QG tham gia vòng loại giải U.17 châu Á (2002).
|
|
Chiều cao khiêm tốn, chỉ 1m69, vị trí mà Quý Sửu ra sân là tiền vệ phòng ngự. Lối đá càn quét, thu hồi và phân phối bóng cho tuyến trên một cách âm thầm nên ít khi anh được nhắc tên mình với việc đồng đội ghi bàn vào lưới đối phương. Năm mở đầu thi đấu quốc tế rất bỡ ngỡ, trước những đối thủ rất mạnh của: Hàn Quốc, Pakistan, Yemen- đội Việt Nam đã không đạt được kết quả như mong đợi. Bản thân Qúy Sửu cũng có cơ hội xem xét lại mình.
Cuộc đời của tiền vệ Nguyễn Quý Sửu được ví như “con thuyền phiêu bạc”! Khi mới 17 tuổi- được lên đội tuyển Đồng Tháp từ năm 2003 và thi đấu cho đội bóng đất Sen Hồng này đến năm 2010 thì bắt đầu có những chuyến phiêu bạc, chuyển ra Hoàng Anh Gia Lai thi đấu đến năm 2014.
|
Vào thời điểm chia tay đội bóng đất Sen Hồng này- không riêng đối với Quý Sửu, mà một số trụ cột khác như Phan Thanh Bình, Châu Phong Hòa, Dương Văn Pho, Hồ Phước Thạnh, Đoàn Việt Cường, Nguyễn Minh Hưng.. cũng đòi ra đi. Khi đó do tiền lương, tiền thưởng chưa tương xứng, nên Quý Sửu và đồng đội dù rất muốn lại cống hiến cho quê nhà nhưng cũng đành phải dứt áo tìm bến đổ mới. Sau vài mùa chơi cho Gia Lai, hai mùa bóng tiếp theo, anh thi đấu trong thành phần của đội Thanh Hóa. Năm 2017 anh về Đồng Tâm Long An với hợp đồng 1 năm, tưởng chừng như sự nghiệp bóng đá sẽ “kết thúc” do anh bị chấn thương và được lãnh đạo nơi đây hỗ trợ nên Quý Sửu đã dần bình phục.
Bàn thắng để đời
Năm 2003, dưới sự dẫn dắt của HLV Trần Công Minh, Quý Sửu được xem là vị trí quan trọng trong đội hình thi đấu. Mùa Giải U.21 Báo Thanh Niên tại An Giang- đội bóng Đồng Tháp của anh đã giành HC đồng. Thành tích đạt được chính là việc anh tích lũy những kinh nghiệm trận mạc khi được Đồng Tháp cho Bình Thuận mượn nhiều gương mặt trẻ thi đấu tại giải hạng Nhì QG.
|
Do chơi ổn định và càn lướt khỏe nên Quý Sửu nhanh chóng có tên tham dự Giải U.20 Đông Nam Á dưới sự dẫn dắt của HLV Đoàn Minh Xương- giành HC bạc sau Thái Lan. Cũng trong năm này, anh cùng Lê Quang Trãi, Phan Thanh Bình được HLV người Brazil Edson Tavares gọi lên tập trung cùng đội tuyển Việt Nam chuẩn bị giải VĐ Đông Nam Á- Tiger Cup 2004.
Năm sau (2005), đến lượt HLV người Áo Alfred Riedl gọi tập trung đội tuyển Olympic QG chuẩn bị ở Agribank Cup, Cúp Bách Việt, ASIAD 15- Doha rồi SEA Games 23- Phillippines. Năm 2007, Quý Sửu tham dự vòng loại Olympic, năm 2009 cùng đội tuyển Việt Nam giành HC bạc tại SEA Games 25 Lào, dưới sự dẫn dắt của HLV người Bồ Đào Nha- Henrique Calisto.
|
Vào thời điểm đó, bóng đá Việt Nam nổi lên hàng loạt những gương mặt trẻ tên tuổi: Phạm Văn Quyến, Phan Thanh Bình, Minh Phương, Vũ Phong, Như Thành, Đoàn Việt Cường, Phan Văn Tài Em, Lê Tấn Tài, Huỳnh Quang Thanh, Mai Tiến Thành,... nên giành 1 suất thi đấu chính không phải là dễ chút nào! Nhưng Quý Sửu vẫn là 1 chọn lựa đầy an tâm của bất cứ HLV nào khi anh nhiều lần được xuất hiện trong đội hình chính.
Câu chuyện mà người dân Đồng Tháp nhớ hoài đến Nguyễn Quý Sửu vào năm 2008, trong trận đấu “play off” ngày 28.8 tranh vé vớt trụ hạng với Bình Định, anh đã ghi được bàn thắng “vàng” duy nhất ở trận đấu giúp Cao su Đồng Tháp “ở lại mái nhà xưa”. Anh nhớ lại: “Gia đình tôi ai cũng vui khi tôi đã ghi được bàn thắng quan trọng. Em gái tôi kể lại, khi xem qua truyền hình thấy Đồng Tháp có bàn thắng đã ngất ngây, nghẹt thở rồi. Đến lúc biết bàn thắng của anh mình thì mừng đến suýt ngất! Khi đó tôi nhận được rất nhiều lời khen tặng cứ như sắp bay lên mây”.Đó chính là bàn thắng “để đời” của Quý Sửu!
|
“Đại gia đất" và trồng lúa
Vào thời điểm hơn 4 năm khoác áo đội bóng Phố Núi, tiền vệ Quý Sửu đã tích lũy được chút vốn liếng, quay về quê giờ đây vợ chồng anh đã tậu được 30.000m2 (3 ha, còn gọi là 3 mẫu) ruộng lúa nước và chịu khó làm lúa để có thêm thu nhập.
Quý Sửu cho biết: “Trước khi mua đất trồng lúa, tôi cũng đã suy nghĩ đắn đo tìm nhiều việc để đầu tư. Nhưng thương trường như chiến trường, sợ không chắc ăn tôi quyết định về quê mua đất trồng lúa. Trồng lúa là đầu tư bền vững, lỡ có mất mùa sẽ được nhà nước trợ cấp. Con người ngày càng sinh sôi nảy nở đông lên nhưng đất thì không thể đẻ thêm được. Mặt khác, từ nhỏ tôi đã thường xuyên làm ruộng nên kiến thức về lĩnh vực này không thiếu”.
|
Có lần biết cầu thủ “con cưng” ở quê mình muốn về làm lúa, một lão nông vốn mê bóng đá đã bớt cho cầu thủ này khá khá, khi anh mua thêm 2 mẫu đất (trong số 1 mẫu đất trước đó). Được biết, chỉ tính riêng tiền đất ruộng, nếu mua đi bán lại, trong vòng 2 năm đã kiếm được nửa tỉ đồng. Con số này đối với một số người dân phố xá thì chẳng thấm vào đâu, nhưng đối với người nông dân xứ lúa quê Tháp Mười, đó là con số khổng lồ”. Theo tính toán, nếu được mùa ở 3 mẫu ruộng, mỗi vụ sẽ thu khoảng 60- 70 triệu đồng/vụ. Mỗi năm làm 2 vụ, tổng tiền lãi khoảng 130 triệu đồng...
Theo tiết lộ của vợ chồng Quý Sửu, số tiền thu về mỗi mùa thu hoạch lúa chỉ vài chục triệu sau khi trừ tiền giống, chăm sóc, nhưng cả hai đều rất hài lòng. Quý Sửu một mặt muốn giữ nghề truyền thống gia đình bao năm qua, cũng như có cái gốc “ăn chắc, mặc bền” chứ không phụ thuộc hẳn từ những đồng tiền có ở bóng đá. Số tiền thu về tuy không nhiều nhưng đó chính là tiền- tươi, thóc- thật đúng nghĩa.
|
Không chỉ sở hữu trong tay vựa lúa ở xứ lúa, để tăng độ an toàn về khoản thu nhập cho gia đình, Quý Sửu còn mua thêm vài nền đất ở tại quê nhà, với diện tích vài trăm mét vuông. Mặc dù bất động sản đang gặp khó, nhưng nếu bán đi cũng thu lại khoản tiền kha khá cho cầu thủ này.
Có câu “mất mùa lúa, được mùa ngô”, bản thân Quý Sửu hiện nay cùng lúc canh tác trên 3 lĩnh vực: đá bóng, làm ruộng và bất động sản. Cầu thủ Quý Sửu chia sẻ hai vợ chồng anh rất tâm đầu ý hợp. Đến độ, khi Quý Sửu quyết định dồn tiền mua 3 mẫu đất ở quê nhà Hồng Ngự để làm ruộng, chị Bích Liên (vợ Quý Sữu hiện là kế toán Trường THPT Phú Thuận B) “gật đầu” đồng ý liền.
Đến lúc này, anh không hề tiếc việc mua đất làm ruộng, thay vì mở sân bóng đá, xây nhà trọ... như nhiều cầu thủ khác thường làm. Như Quý Sửu nói: “Dù đã thành danh từ bóng đá anh vẫn giữ chất chân quê trong mình”!
|
Bình luận (0)