Ngày 21.5, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM đã tổ chức cuộc gặp gỡ thân mật để kết thúc dự án Nón lá của cặp vợ chồng trẻ Trần Nguyễn Khánh Nguyên và Thibault Clémenceau. Sau đám cưới, hai bạn quyết định sẽ thực hiện một kỳ trăng mật để đời, đạp xe từ “nhà anh” ở tỉnh Vendée, phía tây Pháp, về “nhà em” ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Khánh Nguyên và Thibault mong muốn sẽ quyên được 1 USD cho mỗi cây số của hành trình cho tổ chức “Poussières de Vie” (Bụi đời), góp phần xây dựng trường học mới, cơ sở vật chất cho
trẻ em nghèo ở quận 12, TP.HCM.
Khởi hành từ ngày 16.4.2019, sau hơn một năm, tổng cộng đôi vợ chồng trẻ đã đạp xe qua 18 quốc gia, vượt hơn 16.000 km và số tiền được đóng góp là 17.315 USD (hơn 403 triệu đồng).
Trò chuyện với
Thanh Niên, Thibault kể anh khá bất ngờ khi vợ đồng ý ngay kế hoạch “nhà anh về nhà em” vì trước đó, Khánh Nguyên chỉ từng đạp xe… vài cây số. Vậy là lên đường, phía sau hai chiếc xe đạp luôn là hai cái nón lá, để giới thiệu dự án và mang hình ảnh của Việt Nam đến với bạn bè khắp nơi. Rong ruổi từ tây sang đông trên xe đạp thì nhịp chậm và
không gian mở. Nhịp chậm để có thời gian đắm mình trong sự kỳ vĩ của núi đồi, tận hưởng vẻ bao la của hoang mạc, hòa mình vào cỏ cây của các công viên quốc gia… Không gian mở, tấm lòng cũng mở, cả khách đến trọ, lẫn chủ nhà nồng hậu. Với sự cởi mở, những khác biệt về
văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ… không còn là rào cản mà trở thành những trải nghiệm thú vị và là những vốn sống phong phú.
Con đường mòn dẫn lối đến làng cổ Abyaneh, Iran
|
Trước khi bắt đầu, nhiều người tỏ ra e ngại cho Khánh Nguyên và Thibault, dặn dò phải cẩn trọng khi đến những nơi xa lạ. Nhưng khi đã vượt qua hàng vạn cây số, ấn tượng của hai nhà du khảo là “99% những người chúng tôi gặp đều tử tế”. Những khi không cắm trại bên đường, họ tìm dân địa phương nhờ tá túc, với tờ giấy viết vài câu giới thiệu bằng tiếng bản xứ và thường là được giúp đỡ rất nhiệt tình.
Thibault nhớ hoài, khi đạp xe đến Serbia, tối đó chưa biết ngủ ở đâu, đôi vợ chồng trẻ gõ cửa căn nhà ở cạnh một nhà thờ. Hai người phụ nữ ra mở cửa, họ không biết tiếng Anh, nhưng khi hiểu ra hành trình “nhà anh về nhà em” thì lập tức niềm nở mời vào
nghỉ qua đêm và ăn tối. Và thật ngạc nhiên, đây là một bữa tiệc rất thịnh soạn vì ngày mà hai vợ chồng ghé thăm trùng với dịp lễ hội địa phương.
Cô Zara (mẹ Reza) rất cẩn thận chăm chút giúp Khánh Nguyên mặc bộ đồ truyền thống cô yêu thích
|
Dừng chân ở hồ Paravani, Georgia
|
Còn Iran, một quốc gia Hồi giáo lâu nay khá “căng thẳng” với các nước phương Tây thì đến mới biết, người dân hiếu khách không ngờ. Trên trang Facebook của dự án Nón lá, Khánh Nguyên nhắc về dịp được gia đình anh Reza, người thuộc bộ tộc du mục Qashqai tiếp đón như những người thân dù không hề quen biết, rồi kết luận: “Những ngày đi qua Iran, mình nhận ra người Iran tốt bụng lắm, họ sẽ tiếp đãi khách của họ bằng cả tấm lòng chân thật, cho bạn những thứ tốt nhất mà họ có, cho dù là bản thân họ không có gì nhiều”.
Chuyến trăng mật của Khánh Nguyên và Thibault mong muốn kết nối những tấm lòng cho trẻ em nghèo ở Việt Nam, và trên đường đi, một cách kỳ diệu, đã có nhiều tấm lòng đã mở rộng cửa để chào đón họ. Hai bạn đang hoàn tất sách bằng tiếng Pháp và tiếng Việt để kể lại những trải nghiệm của hành trình như một giấc mơ.
Đường đến Kashan, Iran, nhiệt độ lên đến gần 40 độ C
|
Giao lưu với học sinh tại Ấn Độ
|
Giới thiệu về dự án Nón lá với các học sinh Ấn Độ
|
Khám phá những miền quê hẻo lánh ít người lui tới ở Nepal
|
Núi đồi hùng vĩ ở Georgia
|
Người dân Azerbaijan rất thích nón lá
|
Những cây số đầu tiên đạp xe trên đất Việt
|
Phía sau xe đạp luôn là chiếc nón lá của Việt Nam
|
Thăm viếng Chùa Việt Nam ở đất Phật Lumbini, Nepal
|
Trang phục truyền thống của người Qashqai
|
Năm 2015, Thibault bắt đầu làm việc tại TP.HCM và qua sự giới thiệu của bạn bè, anh được biết đến tổ chức Poussières de Vie (PdV). Tổ chức này hoạt động ở Việt Nam đã gần 20 năm, với mục đích là mang trẻ em đường phố về “nhà” và thực hiện nhiều dự án giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp cho thanh thiếu niên.
|
Bình luận (0)