Nhà bán tự niêm yết tiền ảo Pi trên sàn thương mại điện tử

21/03/2023 16:42 GMT+7

Gian hàng niêm yết giá sản phẩm bằng tiền ảo Pi trái phép, song song với tiền pháp định của Việt Nam trên sàn thương mại điện tử.

Một nhà bán thuộc ngành hàng mỹ phẩm và đồ chăm sóc sắc đẹp trên sàn thương mại điện tử Shopee mới đây bị phát hiện niêm yết trái phép giá sản phẩm bằng đồng tiền ảo Pi. Để vượt qua sự kiểm duyệt của sàn, cá nhân bán lẻ này vẫn để giá trị sản phẩm bằng tiền pháp định (Việt Nam Đồng) theo đúng quy định. Tuy nhiên, người mua sẽ có quyền lựa chọn thanh toán bằng Pi phía sau giao dịch ở sàn.

Cụ thể, theo nhân viên của nhà bán hàng, người mua vẫn cần thanh toán bằng tiền pháp định theo đúng giá trị đã niêm yết. Sau khi nhận hàng, họ cần liên hệ với shop để lấy thông tin địa chỉ ví tiền ảo Pi và thanh toán tiếp vào đây số Pi tương đương với tiền đã thanh toán. Sau đó, cửa hàng sẽ hoàn lại tiền pháp định cho người mua.

Nhà bán tự niêm yết tiền ảo Pi trên sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Giao dịch bằng tiền ảo tại Việt Nam vẫn bất hợp pháp

Chụp màn hình

Ngoài giao dịch thực hiện trên sàn thương mại điện tử, người này còn cho biết khách hàng có thể đến trực tiếp cửa hàng tại TP.HCM để giao dịch, đồng thời khẳng định đã kinh doanh nhiều năm và không có chuyện lừa đảo.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Shopee khẳng định đơn vị đang chấp nhận tới 7 hình thức thanh toán khác nhau cho người dùng tại lãnh thổ Việt Nam nhưng tiền Pi không có trong số đó. "Pi không phải là phương thức thanh toán được chấp nhận trên Shopee. Đối với hành vi vi phạm pháp luật cũng như chính sách đăng bán của sàn, chúng tôi có chế tài xử phạt theo quy định", vị đại diện khẳng định.

Phát ngôn của hãng sau đó cho biết thêm đơn vị đã tiến hành rà soát toàn sàn sau khi nhận phản ánh và xóa toàn bộ sản phẩm có trên cửa hàng đã nêu, đồng thời khóa luôn tài khoản đăng bán.

Hiện tại, các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam vẫn phải niêm yết bằng tiền Việt Nam Đồng, việc mua bán bằng tiền ảo (trong đó có Pi) là vi phạm pháp luật. Dù vậy, vẫn có những đơn vị tư nhân lách luật, chấp nhận cho khách hàng thanh toán bằng tiền ngoài pháp định khi mua sản phẩm, dịch vụ của họ. Thực tế đã có nhiều giao dịch đồng thuận giữa hai bên giao dịch có sử dụng các loại tiền ảo khác nhau để mua, bán vật phẩm, dịch vụ.

Tiền ảo Pi xuất hiện từ 2019 và rộ lên ở Việt Nam từ đầu 2021. Bất chấp cảnh báo về tính thiếu minh bạch của loại tiền mã hóa này, cộng đồng người "chơi" Pi trong nước vẫn hoạt động náo nhiệt. Hiện nay, Pi vẫn là một đồng tiền ảo chưa có giá trị và cũng không thể giao dịch với các loại tiền điện tử khác đang có mặt trên thị trường quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.