Vụ việc kéo dài phát sinh nhiều hệ lụy về an ninh trật tự, thậm chí xung đột dẫn đến đổ máu...
Người thuê chây ì, chiếm dụng
Bỏ ra gần 20 tỉ đồng mua căn nhà 4 tầng trên đường Phó Đức Chính, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, nhưng gần 2 năm nay ông Nguyễn Thanh Yên (43 tuổi, ngụ Q.2) không được vào nhà. Hằng tháng ông Yên phải trả nợ ngân hàng gần 200 triệu đồng cho khoản vay để mua căn nhà nói trên.
Lý do không được vào nhà ở, ông Yên cho biết hiện đang “vướng” bà L.T.M.H, được cho là đang thuê tầng trệt căn nhà trên kinh doanh vật liệu xây dựng, dù hợp đồng thuê với chủ cũ kết thúc từ năm 2014. Ông Yên bức xúc: “Tôi bỏ tiền ra mua toàn bộ căn nhà, trong khi bà H. đang thuê (nếu có) chỉ là tầng trệt. Thế nhưng khi tôi yêu cầu quyền sử dụng các tầng còn lại thì bà H. ngăn cản, khóa cửa không cho vào và la hét để gây áp lực. Như vậy có khác gì chiếm giữ tài sản”.
Bà Nguyễn Thị Thanh (72 tuổi, nhà ở đường Đề Thám, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) cũng vừa có đơn phản ánh gửi Báo Thanh Niên, nêu bà là chủ căn nhà mặt tiền đường Đề Thám. Từ 1.5.2009 - 1.5.2019, bà Thanh cho ông T.D (62 tuổi, ngụ Q.3) thuê căn nhà trên để kinh doanh bar. Đến nay, dù hết hạn hợp đồng thuê nhưng ông D. không chịu bàn giao nhà. Gia đình bà Thanh nhiều lần liên lạc với ông D. giải quyết vụ việc nhưng không thành, nên ngày 16.9.2019 yêu cầu điện lực ngưng cung cấp điện tại địa chỉ căn nhà. Thế nhưng, phía ông D. vẫn không trả nhà mà dùng máy phát điện để tiếp tục kinh doanh quán bar.
Một trường hợp khác, theo đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Thấm (ngụ Q.Gò Vấp), năm 2010 bà mua căn nhà hơn 800 m2 trên đường Nguyễn Xí (P.26, Q.Bình Thạnh). Ngày 16.11.2011, bà Thấm ký hợp đồng cho chủ cũ là bà L.T.A.Ng (51 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) thuê lại toàn bộ căn nhà với giá 75 triệu đồng/tháng. Từ tháng 3.2013, dù thời hạn thuê đã hết, bà Ng. không những không trả lại nhà mà còn ngăn nhà của bà Thấm thành nhiều phòng để cho thuê lại...
Địa phương đùn đẩy
Theo tìm hiều của PV Thanh Niên, ngày 6.8.2018, sau khi nhận đơn khởi kiện và đơn tố giác tội phạm của ông Nguyễn Thanh Yên gửi, TAND Q.1 có phiếu chuyển toàn bộ hồ sơ của ông Yên sang Công an Q.1 để giải quyết theo thẩm quyền.
|
Sau đó, Công an Q.1 có phiếu hướng dẫn, nêu vụ việc của ông Yên và bà H. chỉ là tranh chấp dân sự giữa các bên, không có dấu hiệu tội phạm nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan điều tra, đồng thời hướng dẫn ông Yên… gửi đơn khởi kiện tại TAND. Tương tự, Viện KSND Q.1 cũng bác đơn khiếu nại của ông Yên với nhận định vụ việc chỉ là tranh chấp dân sự, muốn đòi lại nhà ông Yên phải khởi kiện ra tòa.
Do các cơ quan chức năng đùn đẩy qua lại, ngày 7.9.2018, ông Yên gửi văn bản thông báo đến bà H. cùng chính quyền Q.1, nội dung yêu cầu bà H. trả lại mặt bằng tầng trệt và toàn bộ diện tích căn nhà. Song văn bản thông báo đòi nhà của ông Yên dường như không ai thèm quan tâm. Không bỏ cuộc, ông Yên tiếp tục gửi đơn kêu cứu tới cơ quan trung ương, báo đài. Ngày 7.9.2019, Văn phòng Chính phủ gửi công văn yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm tra, giải quyết sự việc theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30.11.2019. Ngày 25.9.2019, UBND TP.HCM gửi văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng TP khẩn trương tổng hợp toàn bộ hồ sơ, nghiên cứu kỹ nội dung khiếu nại của ông Yên, báo cáo đề xuất trình UBND TP...
|
Còn trường hợp của bà Thấm, ngày 13.6.2019, gia đình bà đến căn nhà trên đường Nguyễn Xí thương lượng, bồi thường, hỗ trợ cho 20 hộ đang thuê trọ để họ tự nguyện di dời đi nơi khác, trả lại nhà. Ngày 16.6.2019, trước sự chứng kiến của đại diện UBND P.26, Công an P.26 (Q.Bình Thạnh), gia đình bà Thấm đã chi trả tiền bồi thường hỗ trợ 20 hộ và những người này viết giấy trả nhà đất cho bà Thấm. Tuy nhiên, còn hàng chục nhân khẩu là người thân, con cháu trong gia đình bà Ng. vẫn tiếp tục ở lại căn nhà trên, không chịu di dời. Trả lời PV Thanh Niên mới đây, ông Phan Quang Khánh, Chủ tịch UBND P.26, nhìn nhận căn nhà về giấy tờ pháp lý thuộc quyền sở hữu của bà Thấm, nhưng “còn việc tranh chấp là tranh chấp dân sự và cái này phải đợi tòa án giải quyết”.
Bóng dáng “giang hồ”
Không chỉ chây ì, chiếm dụng nhà không trả, bà Thấm còn tố cáo khi gia đình bà ngăn phía mặt tiền căn nhà trên đường Nguyễn Xí thành ki ốt cho thuê thì bị bà Ng. cùng người thân ngăn cản, đe dọa không cho thu tiền thuê ki-ốt. Đáng lưu ý, trong vụ tranh chấp này có sự xuất hiện của H. (33 tuổi, quê Đồng Nai) đứng ra ngăn cản, buộc người của bà Thấm phải nộp lại tiền cho thuê ki ốt đã thu. Qua tìm hiểu, PV Thanh Niên xác định H. chính là "trùm" xe ôm “giang hồ” mà gần đây Báo Thanh Niên đã phản ánh qua loạt bài điều tra Xe ôm "giang hồ" ở Bến xe Miền Đông từ 8 - 11.8.2019. Do không thể kinh doanh vì bị nhóm giang hồ hoành hành, ngày 27.8.2019, gia đình bà Thấm buộc phải đền bù hợp đồng và hỗ trợ bên thuê để chấm dứt hợp đồng.
Trong diễn biến khác, ngày 18.6.2019, gia đình bà Thấm thuê thợ đến căn nhà nói trên sửa chữa, làm lại cổng rào, khóa cửa, niêm phong trước sự chứng kiến của đại diện UBND, Công an P.26 (Bình Thạnh). Nhưng ngay trong đêm đó, các ổ khóa vừa được lắp đã bị cắt, nhà bị tháo vách... Chưa hết, ngày 3.9.2019, gia đình bà Thấm đến các ki ốt dọn dẹp thì bị bà Ng. và người thân cùng H. với nhiều đàn em trong nhóm ngăn cản.
H. sau đó cho đàn em bao vây, dọa ném bom xăng, a xít, ôm bình gas cố thủ và đe dọa sẽ “giết tất cả mọi người trong gia đình của bà Thấm”... Về vụ việc này, ngày 11.10, trung tá Đoàn Văn Khựng, Trưởng công an P.26, cho biết: “Công an Q.Bình Thạnh đã chuyển hồ sơ vụ việc lên Công an TP.HCM xác minh điều tra xử lý. Căn nhà có giá trị lớn nên có nhiều nhóm người bên ngoài nhảy vào nhằm mục đích mua lại với giá rẻ hoặc kiếm chác tiền bạc”. (còn tiếp)
Hỗn chiến vì tranh chấp nhàNgày 29.8, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM bắt giữ nhóm côn đồ ngang nhiên đập phá nhà hàng trên đường Nguyễn Công Trứ (P.Nguyễn Thái Bình, Q.1) vào chiều tối 8.8 (ảnh). Sau đó, công an khởi tố 10 bị can tham gia vụ đập phá, trong đó vợ chồng Nguyễn Văn Phước và Hàn Hoàng Thùy Trang (cùng 29 tuổi) được xác định là chủ mưu. Theo điều tra ban đầu, Phước và Trang chi 500 triệu đồng thuê nhóm côn đồ do Nguyễn Trung Hậu cầm đầu đến đập phá nhà hàng, nhằm gây áp lực để lấy lại nhà đang cho thuê mở nhà hàng.
Trước đó, chiều 4.6 trên đường Lê Văn Sỹ (P.13, Q.Phú Nhuận) xảy ra vụ đánh nhau gây náo loạn cả khu vực, khiến 2 người bị thương. Theo cơ quan công an, vụ việc liên quan đến tranh chấp hợp đồng cho thuê nhà.
Theo luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM, khi bên thuê không giao lại nhà theo hợp đồng, họ sẽ nại ra nhiều lý do để tạo tranh chấp và tâm lý chính quyền địa phương lo ngại nếu giải quyết sẽ bị cho rằng đang lấn sân sang tòa án, sợ bị khiếu kiện, bồi thường... Vì vậy, đa số UBND phường sẽ hướng dẫn các bên khởi kiện ra tòa để đòi lại nhà. Trong khi đó, chủ sở hữu sốt ruột vì tài sản bị chiếm dụng, thất thoát dễ “tức nước vỡ bờ”, dẫn đến sử dụng các biện pháp có thể vi phạm pháp luật để lấy được nhà.
|
Bình luận (0)