Năm 2020, tác giả bộ ảnh "thảm sát Mỹ Lai"- ông Ronald Haeberle - phóng viên chiến trường thuộc quân đội Mỹ, vào năm 1968, đã yêu cầu không được tiếp tục treo ảnh của ông tại Nhà chứng tích Sơn Mỹ nữa cho đến khi thực hiện đúng theo yêu cầu của ông. Ông cũng đã gửi đơn khiếu nại lên Đại sứ quán VN tại Mỹ để nói về câu chuyện bản quyền và những lùm xùm xung quanh một bức ảnh của ông có tên Anh che đạn cho em được trưng bày tại Nhà chứng tích Sơn Mỹ lâu nay.
Bắt đầu từ "nhân vật trong một bức ảnh"
Xin được nhắc lại đôi dòng về những bức ảnh Mỹ Lai của Ronald Haeberle. Trong cuộc hành quân của quân đội Mỹ vào ngôi làng Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) sáng 16.3.1968 có phóng viên Ronald Haeberle. Ông mang theo 2 máy ảnh, một của quân đội Mỹ cung cấp, một của riêng ông với 18 kiểu phim màu còn lại trong máy. Chính 18 bức ảnh màu này là bằng chứng "không thể chối cãi" về việc sát hại 504 dân thường tại làng Sơn Mỹ hôm đó của quân đội Mỹ.
Để 18 bức ảnh màu này xuất hiện trên Tạp chí Life năm 1969, Ronald Haeberle đã phải cân nhắc rất kỹ suốt một năm trời. Cuối cùng ông quyết định công bố toàn bộ những bức ảnh "rùng rợn" đó dù ông phải chịu tiếng là "kẻ phản bội quân đội Mỹ". Nhắc lại điều này để thấy rằng, lương tri của một nhà báo tử tế đã thức tỉnh phóng viên Ronald Haeberle để ông đưa câu chuyện thảm sát ra ánh sáng chứ không phải để cầu danh lợi gì khi phải chịu tiếng là kẻ phản bội. Những bức ảnh này đã làm lung lay nền chính trị Mỹ, như tiếp thêm lửa vào cuộc phản chiến của người Mỹ vào thời điểm đó.
Năm 1978, kỷ niệm 10 năm vụ thảm sát, lần đầu tiên Nhà chứng tích Sơn Mỹ đã trưng bày nhiều bức ảnh của Ronald Haeberle được họ lấy lại từ Tạp chí Life. Trong loạt ảnh đó, có một tấm ảnh Anh che đạn cho em, cả hai sau đó đã bị sát hại, như chú thích của Tạp chí Life. Thay vì trung thành với chú thích trên, Nhà chứng tích Sơn Mỹ lại ghi Trương Bốn che đạn cho Trương Năm - là tên của hai người đã bị giết tại một địa điểm khác với vị trí tấm ảnh mà Ronald chụp. Ông Trần Văn Đức 62 tuổi - một nạn nhân trong vụ thảm sát có người mẹ bị giết hại mà Ronald Haeberle có chụp trong một bức ảnh, cho rằng hai đứa trẻ trong ảnh chính là hai anh em của ông gồm ông và Trần Thị Hà!
Ông Đức đã mời Ronald Haeberle trở lại Sơn Mỹ vào năm 2011 để "xác định lại vị trí đã chụp bức ảnh". Theo thuật lại của ông Trần Văn Đức vào buổi sáng cách đó… 43 năm (1968 - 2011), lúc ông "che đạn cho em" thì thấy trên bầu trời có chiếc máy bay có vẽ hình cá mập bay về hướng hai anh em ông. Ông Đức (7 tuổi) sợ quá bèn đè em xuống và "che chở cho em" như trong bức ảnh. Ông Ronald Haeberle cũng thừa nhận là hôm đó, lúc ông chụp bức ảnh này thì trên trời về hướng nhìn của hai đứa trẻ cũng có chiếc "máy bay vẽ hình cá mập".
Bức ảnh Anh che đạn cho em rắc rối từ đây. Ông Đức thì kiên quyết khẳng định hai anh em ông chính là "nhân vật trong ảnh", còn Nhà chứng tích Sơn Mỹ, mà đại diện là ông Phạm Thành Công - nguyên Giám đốc Nhà chứng tích thì bảo "ông Đức nhận vơ!".
Sau 10 năm gõ cửa khắp nơi để được công nhận mình là "nhân vật trong bức ảnh", cuối cùng thì năm 2019, Hội đồng khoa học Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP.HCM đã công nhận người trong bức ảnh là Trần Văn Đức, che đạn cho em là Trần Thị Hà!
Tác giả yêu cầu gỡ ảnh!
Sau lần "công nhận" nói trên, ông Ronald Haeberle bị hàng loạt Facebooker ẩn danh tấn công ồ ạt bằng những lời lẽ rất nặng nề. Việc đến tai ông Ronald Haeberle, một mặt ông gửi đơn lên Đại sứ quán VN tại Mỹ để phản đối, một mặt yêu cầu gỡ toàn bộ ảnh của ông ra khỏi Nhà chứng tích Sơn Mỹ trước khi có sự thỏa thuận giữa tác giả ảnh và cơ quan chủ quản của Nhà chứng tích.
Trong những lời tấn công ông Ronald Haeberle, có một chi tiết làm ông bị tổn thương rất lớn, đó là người ta nói rằng ông đề cập tới bản quyền toàn bộ ảnh tại Nhà chứng tích Sơn Mỹ tức là ông "đòi tiền". Tôi đã từng hỏi ông ý này thì được ông trả lời rằng, hơn 40 năm qua (tức 1978 - 2020), ông đã nhiều lần trở lại Sơn Mỹ, lúc thì trong vai khách du lịch, khi thì trong vai một nhân chứng vụ thảm sát, ông đã thấy những bức ảnh của mình trưng bày tại đây nhưng ông chưa một lần ý kiến về việc bản quyền, ngược lại, ông cảm thấy rất vui khi chính ông đã góp phần đưa ra ánh sáng vụ thảm sát thông qua những bức ảnh ấy. Vậy thì hà cớ gì ông đòi tiền bản quyền lúc này? Ông chỉ yêu cầu là, phải chú thích "Trần Văn Đức che đạn cho Trần Thị Hà" trong bức ảnh Anh che đạn cho em kia thôi!
Cần gạt qua những bất đồng nhỏ
Cách đây mấy hôm, ông Ronald Haeberle có thông báo với tôi là ông đang ở VN, trước là để kiểm tra việc cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt năm 2020 do ông và những người bạn Mỹ quyên góp bên Mỹ nhưng vì dịch Covid-19 nên ông không qua VN năm đó được. Tiếp theo là, nếu thuận lợi, ông sẽ có buổi làm việc với những người lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi chung quanh những bức ảnh của ông bị gỡ ra khỏi Nhà chứng tích tại Sơn Mỹ.
Khúc mắc hiện tại nằm ở chỗ, chú thích bức ảnh Anh che đạn cho em sẽ như thế nào? Ông Ronald Haeberle thì yêu cầu nhân vật trong ảnh phải là Trần Văn Đức và Trần Thị Hà, còn bên Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi - cơ quan chủ quản của Nhà chứng tích Sơn Mỹ thì không chấp nhận.
Trả lời câu hỏi: "Vậy kỷ niệm 55 năm thảm sát Sơn Mỹ mà Nhà chứng tích lại không có chứng tích thì treo thứ gì?", bà Phan Thị Vân Kiều, Giám đốc Nhà chứng tích Sơn Mỹ, nói: "Việc tháo gỡ hay treo lại số ảnh của Ronald, chúng tôi cũng chỉ biết thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên chứ không tự quyết được. Nhà chứng tích chỉ hằng ngày mở cửa đón khách theo chức phận đã được phân công mà thôi".
Bình luận (0)