Đáng chú ý, bức ảnh từng gây tranh cãi đã được chính tác giả yêu cầu chú thích "Đứa bé trai cố che đạn cho em gái", thay vì như yêu cầu ban đầu: "Trần Văn Đức 7 tuổi che đạn cho em là Trần Thị Hà 14 tháng tuổi" cũng đã được Nhà chứng tích Sơn Mỹ thực hiện đúng như thỏa thuận.
Bộ ảnh Mỹ Lai được phóng viên chiến trường Ronald Haeberle chụp lúc ông tác nghiệp cùng đơn vị lính Mỹ đi càn vào làng Mỹ Lai vào sáng ngày 18.3.1968, giết chết 504 người dân ở đây nhưng mãi hơn một năm sau, vào cuối năm 1969, Ronald mới công bố trên Tạp chí Life làm cả thế giới bàng hoàng về vụ thảm sát này. Suốt mấy chục năm qua, Nhà chứng tích Sơn Mỹ đã lấy lại toàn bộ số ảnh đã được công bố trên Tạp chí Life để treo tại phòng trưng bày, như một bằng chứng xác thực nhất của vụ thảm sát. Thế nhưng, vào năm 2020, ông Ronald yêu cầu Nhà chứng tích Sơn Mỹ gỡ ảnh của ông ra khỏi phòng trưng bày với lý do là có cuộc tranh cãi về chú thích "ai là nhân vật" trong một bức ảnh của loạt ảnh này.
Sau nhiều lần thư đi tin lại giữa tỉnh Quảng Ngãi và ông Ronald, tỉnh Quảng Ngãi đã có lời mời chính thức tác giả bộ ảnh Mỹ Lai để có cuộc thỏa thuận giữa hai bên ngay tại tỉnh Quảng Ngãi. Trong cuộc gặp nói trên, hai bên đã đạt được những yêu cầu và ông Ronald đã cho phép Nhà chứng tích Sơn Mỹ treo lại số ảnh của mình.
Như vậy, kỷ niệm 55 năm thảm sát Sơn Mỹ tới đây (16.3.2023), du khách sẽ được gặp lại những bức ảnh quen thuộc sau hai năm phải "xem chay" trong phòng trưng bày.
Bình luận (0)