Nhà chụp hình Ngọc Chương 70 năm đường Trần Quang Khải

11/02/2024 15:05 GMT+7

Đầu thập niên 1950 tại Sài Gòn, đoạn đường dưới hàng cây cao lớn đường Paul Bert (nay là Trần Quang Khải) gần phía cầu Bông vẫn còn vắng vẻ người qua lại.

Đến năm 1955, tại dãy nhà ngói 5 căn liền nhau gần đối diện ngôi đình Nam Chơn có một hiệu ảnh Ngọc Chương được khai trương, lấy tên theo tên chủ tiệm là Phạm Ngọc Chương. Ông bà chủ tiệm chụp hình có dáng vẻ là người gốc Bắc. Ông cao gầy, bà nhỏ nhắn và răng còn nhuộm đen rưng rức.

Từ đó đến nay, trải qua gần 70 năm, tiệm ảnh Ngọc Chương vẫn còn hoạt động chưa bao giờ ngưng nghỉ dù đã có bao nhiêu biến động trên đất Sài Gòn. Trong tiệm vẫn còn treo những tấm ảnh đen trắng của các nghệ sĩ mà tiệm đã chụp như Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương lúc còn là nữ sinh trung học; và ảnh màu của nhiều nghệ sĩ sau này như ca sĩ Như Quỳnh, Lam Trường, Dị Thảo... Nơi đây là một trong hai tiệm ảnh đang tồn tại (cùng với tiệm ảnh Mỹ Lai), sót lại từ thời hoàng kim trong nghề ảnh ở Sài Gòn - Gia Định với mấy chục tiệm ảnh của người gốc làng Lai Xá, Hà Nội kể từ thập niên 1920 - 1930.

Nhà chụp hình Ngọc Chương 70 năm đường Trần Quang Khải- Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Chương năm 1939 tại Sài Gòn

Gia đình ông Phạm Ngọc Chương cung cấp

Trước khi ông Ngọc Chương chào đời năm 1918, ở làng Lai Xá (xưa thuộc tỉnh Hà Đông, nay thuộc H.Hoài Đức, Hà Nội) có cụ Nguyễn Đình Khánh ra Hà Nội làm phụ bếp cho tiệm ảnh của một người Hoa. Nhờ đó, cụ học được nghề làm ảnh và mở hiệu ảnh cho riêng mình lấy tên Khánh Ký ở phố Hàng Da vào năm 1892. Sau, hiệu Khánh Ký phát triển khắp Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Lúc đó, nghề ảnh là nghề thời thượng ở Đông Dương, thu hút trai làng theo rất nhiều. Ở gia đình bên nội của ông Ngọc Chương, bố và anh chị của ông được đặt tên là Hân, Hoan, Chụp, Ảnh cũng đủ chứng minh cho niềm đam mê nghề ảnh của gia đình như thế nào.

Năm 13 tuổi (1931), chú bé Phạm Ngọc Chương được bố mẹ gửi tới tiệm ảnh Minh Tân của người dượng cùng làng Lai Xá ở Nam Định để theo học nghề ảnh. Ông dượng tên là Nguyễn Hữu Lập, bố của ông Viên Đoàn là người sáng lập tiệm ảnh Mỹ Lai ở góc ngã tư Phú Nhuận hiện nay.

Đang sống trong một gia đình khá giả ở quê, chú bé Chương phải xa gia đình và các trò chơi tuổi thơ, phải làm tất cả công việc của một người học nghề từ dọn dẹp nhà cửa, pha cà phê và mua thức ăn sáng cho thợ.

Trải qua 7 năm học đến tinh thông nghề ảnh, chàng trai Ngọc Chương lên Việt Trì mở một tiệm hình nho nhỏ. Nhưng do còn trẻ chưa có kinh nghiệm nên chỉ sau một năm (1939), tiệm đóng cửa. Lần thất bại này khiến anh quyết định đi một nước cờ táo bạo hơn: vào Sài Gòn kiếm cơ hội lập nghiệp. Trước đó, ở tuổi 20, anh đã kịp làm lễ cưới với cô Nguyễn Thị Chữ, kém anh 2 tuổi. Khi anh lên tàu vào Sài Gòn, vợ anh ở lại làng sống cùng bố mẹ chồng.

Ban đầu chàng trai 21 tuổi Ngọc Chương chấp nhận làm thuê trong labo một tiệm ảnh khá nổi tiếng, tiệm Sipeo Photographie do một người Pháp làm chủ. Ổn định công việc rồi, mỗi năm anh đều cố gắng thu xếp ra Bắc thăm gia đình, nơi có bố mẹ và người vợ trẻ. Đó là việc cần làm vì bố mẹ anh, ông bà Phạm Gia Hân tuy cho con trai đi xa học nghề ảnh nhưng vẫn muốn con lấy vợ làng, lập nghiệp ở ngoài Bắc để gần gũi bố mẹ và quê hương. Ở Sài Gòn, lãnh được bao nhiêu tiền lương, sau khi trừ chi phí ăn ở anh đều tích cóp tới cuối năm mang về đưa cho bố mẹ giữ hết.

Nhà chụp hình Ngọc Chương 70 năm đường Trần Quang Khải- Ảnh 2.

Ông Phạm Ngọc Chương làm nghề ảnh ở Sài Gòn, năm 1939

Gia đình ông Phạm Ngọc Chương cung cấp

Đến năm Tân Tỵ 1941, con gái đầu lòng của anh là Phạm Thị Kim Vang chào đời. Năm 1942, bà Chữ rời làng một mình bế bé Vang vào Sài Gòn, quyết đoàn tụ với chồng theo bàn bạc của cả hai. Do cả hai bên gia đình đều không ủng hộ nên cuộc ra đi này gặp muôn vàn khó khăn. Bà Chữ phải bán chiếc cối đá và một số bát đĩa bố mẹ chồng chia cho để làm lộ phí đi đường mà vẫn không đủ nên phải vay người cùng làng thêm 20 đồng tiền Đông Dương. Bà ẵm con ra ga Hàng Cỏ cùng chiếc rương đựng quần áo bằng gỗ sơn và một chiếc xanh bằng đồng là những vật dụng giá trị nhất lúc đó. Bước trên sân ga, bên tai bà còn nghe lời đe của người anh trai: "Cô vào Sài Gòn thì chỉ có đi ăn mày mà về làng thôi!".

Những năm đầu cơ cực xứ xa

Tàu vào ga Sài Gòn sau hơn một tuần. Xuống sân ga, bà Chữ gặp bất ngờ đầu tiên khi nhờ phu bốc vác khiêng giúp chiếc "hòm" từ toa hành lý xuống sân ga mà không biết trong Nam người ta gọi "hòm" nghĩa là quan tài. Từ đó, bắt đầu quá trình thích nghi đời sống và ngôn ngữ miền Nam đối với bà.

Cuộc sống ở Sài Gòn có nhiều thuận lợi để làm ăn nhưng do không có vốn liếng nên ông Ngọc Chương vẫn phải tiếp tục đi làm thuê cho tiệm ảnh. Vợ ông mỗi ngày đi mua rau ở các nơi, đem bán ở chợ Đất Hộ (nay là chợ Đa Kao, Q.1) để phụ thêm. Đoàn tụ được một năm, đôi vợ chồng trẻ sinh thêm con trai thứ hai là Phạm Ngọc Chú.

Năm anh Chú mới biết ngồi (1945), Sài Gòn bị máy bay đồng minh ném bom khi Nhật đảo chính Pháp. Gia đình ông Ngọc Chương di tản lên đồn điền cao su trên Thủ Đức. Đó là khoảng thời gian rất cực khổ, nhà cửa ở đó bị mối xông hư hết quần áo khiến ông Ngọc Chương chỉ còn độc nhất một bộ để mặc đi làm. Vợ ông phải đi xin bao đựng bột về cắt may thành quần áo cho hai con Vang và Chú mặc, tước xơ cây dứa dại làm chỉ may.

Ông bà mỗi ngày đi bộ hơn chục cây số từ đó xuống Sài Gòn, bà đi chợ Đất Hộ bán rau, ông tới tiệm chụp hình ở trung tâm thành phố làm việc. Bà gánh một bên là rổ rau, một bên là đứa con trai mới biết ngồi, còn bé Vang 4 - 5 tuổi được bố cõng trên lưng. Lúc về có tiền bán rau, cả nhà mới dám thuê xe thổ mộ đưa về nơi tản cư. Nhớ có một hôm trên đường về Sài Gòn, cả nhà vô cùng hốt hoảng khi vừa ra bìa rừng thì có người lính da đen ở chốt gác vẫy lại. Trong túi ông Chương lại không có thẻ căn cước vì vừa cho người làng mượn nên vô cùng lo lắng. Tới gần, anh lính da đen lấy trong ba lô ra phong bánh biscuit đưa cho bé Vang và nở nụ cười thân thiện. Hai vợ chồng thở phào nhẹ nhõm tiếp tục hành trình.

Chiến tranh tạm ngưng, cả nhà về Sài Gòn thuê nhà trong xóm lao động nghèo ven bờ kênh Nhiêu Lộc. Tuy nhiên, chiến tranh Đông Dương lại nổ ra. Căn nhà lá đang thuê bị Tây bố ráp tìm Việt Minh và đốt trụi. Không còn tiền thuê nơi khác, ông bà tìm người quen xin ở nhờ cũng không được vì lúc đó người ta cho rằng người từng bị cháy nhà sẽ đem xui xẻo tới gia chủ. May mắn lúc đó có ông bà Bốn De (chủ tiệm hình Thịnh Ký) là chị em chú bác với bà Chữ cho cả nhà tá túc một thời gian đến khi thuê được nhà mới. Những năm tháng cơ cực đó dẫn đến cái chết vì bệnh của người con trai thứ ba khi mới 14 tháng tuổi.

Nhà chụp hình Ngọc Chương 70 năm đường Trần Quang Khải- Ảnh 3.

Gia đình ông Phạm Ngọc Chương tại căn nhà cũng là tiệm ảnh trên đường Trần Quang Khải, năm 1957

Gia đình ông Phạm Ngọc Chương cung cấp

Vượt lên

Năm 1954, chiến tranh chấm dứt. Ông Ngọc Chương tính chuyện hùn vốn với người quen là ông Thọ ra Nha Trang mở tiệm ảnh lấy tên tiệm là Thọ Chương. Tuy nhiên, cũng như ở Việt Trì năm xưa, tiệm này làm ăn không hiệu quả phải đóng cửa. Một năm sau, bà Ngọc Chương lại được bà Bốn De cho vay tiền để thuê căn nhà ngói trệt giáp mặt đường ở 20B Trần Quang Khải, Q.1 để vừa ở vừa làm tiệm hình. Từ đó, mở ra giai đoạn làm ăn khá giả, ổn định lâu dài của tiệm Ngọc Chương.

Do vốn liếng có hạn, tiệm Ngọc Chương tuy ở mặt tiền nhưng chiều ngang chỉ được hơn 3 m, sâu hơn 20 m. Lúc mới mở, vỉa hè còn chưa lát gạch toàn bộ như sau này, lại có bến xe ngựa thồ án ngữ phía trước lề đường. Ban đầu, do chỉ là nhà trệt nên cả nhà phải ngủ trong phòng chụp ảnh. Sau này làm ăn có tiền mới làm gác lửng, thời gian sau nữa mới có gác suốt. Khi đó, tầng dưới nhà ngăn làm 3, phía ngoài là phòng treo ảnh mẫu và tiếp khách, kế tiếp phòng chụp, bên trong là phòng ăn, buồng tối, bếp và công trình phụ. Tầng trên có ban thờ gia tiên, phòng ngủ của gia đình. Ông Ngọc Chương vừa là chủ vừa là thợ tráng rửa ảnh. Vợ ông phụ việc vỗ ảnh, làm bóng ảnh và trả ảnh cho khách. Sau này khi làm ăn khá lên mới thuê thêm thợ phụ và một thợ khác từ tiệm Mỹ Lai đến nhận ảnh về chấm sửa gia công tại nhà.

Tiệm Ngọc Chương tuy "sinh sau đẻ muộn", cơ ngơi không rộng lớn bề thế so với các tiệm của những người làng Lai Xá khác ở Sài Gòn lúc ấy, nhưng hầu hết khách tới chụp hoặc làm ảnh đều hài lòng về chất lượng ảnh, đẹp, bền mà giá cả phải chăng. Lần lượt một số nghệ sĩ bảo nhau đến chụp ảnh và sau năm 1975, số nghệ sĩ đến chụp càng đông hơn.

Chị Phạm Kim Oanh, con út của ông bà Ngọc Chương, sinh năm 1966, cho biết: "Nhờ nghề ảnh, gia đình tôi có thể sắm được nhiều máy ảnh, máy rọi tân tiến cùng các đồ gia dụng hiện đại". Ông Ngọc Chương tổ chức cả nhà làm ảnh nên chi phí cho nhân công không nhiều. Đến khi chiến sự ở miền Nam bùng nổ dần từ thập niên 1960, hai người con trai lớn là Phạm Ngọc Chú và Phạm Ngọc Trứ giỏi nghề ảnh đều phải vào lính. Ông Ngọc Chương không thuê thợ mà chuyển hướng dạy nghề cho các cô con gái để làm ảnh thay cho các anh. Lúc đó, chị Phạm Thị Kim Vinh (1949) đang học Đại học Văn khoa Sài Gòn phải nghỉ học để lo toan cho tiệm hình của gia đình. Chị giỏi nghề, tinh thông mọi việc từ chụp ảnh, buồng sáng đến buồng tối. Một tay chị chèo chống tiệm ảnh qua được cơn khủng hoảng đó.

Tuy xa gia đình từ khi đất nước chia cắt, ông Ngọc Chương vẫn đau đáu hướng về quê hương và tìm mọi cách để thông tin cho nhau. Ông Phạm Cường, một người trong họ đang sống ở Đức, kể: Năm 1969, lúc ông 15 tuổi đang ở làng quê miền Bắc, trong đám giỗ cụ Tổ bản chi, lần đầu tiên ông và bà con được anh trai ông Ngọc Chương cho xem tấm hình cỡ 9 x 12 rất đẹp chụp cả nhà ông Ngọc Chương đủ cả 11 người, ông bà và 9 người con - 3 gái 6 trai. Bức hình gửi từ Sài Gòn được ghi thời gian chụp là năm 1968 nhưng phải gửi vòng qua Paris nên gần một năm sau mới về tới Lai Xá trước ngày giỗ có vài hôm.

Sau năm 1975, khi đi học tập cải tạo về, anh Phạm Ngọc Chú, con trai trưởng của ông bà Ngọc Chương, tiếp tục quản lý tiệm chụp hình của gia đình khi chị Vinh chuyển sang làm việc ở Công ty Nhiếp ảnh Đống Đa. Những năm thập niên 1980 còn đầy khó khăn, thành phố bị cúp điện thường xuyên trong khi nghề ảnh cần có điện để chạy đèn và máy móc, nên tiệm phải chụp bằng đèn nguồn điện accu. Tới nửa đêm, khi cả nhà ngủ cả và điện đóm mạnh hơn, cụ lặng lẽ trở dậy tráng phim, rọi hình. Cụ còn nghĩ cách tự chế các dụng cụ điện như máy sạc accu, các tấm parasoleil (che ống kính), che đèn để tạo ra các hiệu ứng ánh sáng khác nhau trong phòng chụp. Khách đến nhà lúc đó thấy khắp nơi treo toòng teng các máy sạc accu tự chế để dùng của ông.

Ở tiệm, vai trò của bà Ngọc Chương trở nên quan trọng khi giúp chồng quản lý tiệm, học nghề ảnh để giúp chồng ngâm vỗ, làm bóng ảnh, không việc gì trong tiệm mà không đụng tới với sự tảo tần và quyết đoán.

Sự cần mẫn của cả nhà giúp ông bà mua lại được ngôi nhà gác hai tầng thuê bấy lâu nay đang mở tiệm Ngọc Chương ở số 20B Trần Quang Khải và còn mua thêm được một căn nhà lầu ba tầng ở cách tiệm không xa, trên đường Trần Khắc Chân, khu Tân Định.

Ông Ngọc Chương mất năm 2001. Tính từ năm 1931 bắt đầu học nghề ảnh, ông theo nghề và xây dựng thương hiệu ảnh Ngọc Chương tồn tại đến năm 2024 là 93 năm. Các con ông và đến đời cháu nội hiện nay đã duy trì được nghề đến giờ.

Năm 2011, bà Chữ đi theo ông sau một thời gian ngắn lâm bệnh. Trước khi mất, bà căn dặn các con phải nhớ cho tiền người giúp việc đã chăm sóc bà. Các con trong nhà nghĩ lại, có lẽ lúc sinh tiền bà vẫn luôn ám ảnh câu nói của người anh trước khi bà bỏ quê hương vào Sài Gòn ngày xưa: "Cô vào Sài Gòn thì chỉ có đi ăn mày mà về!". Bà đã chứng minh rằng, đó là một chuyến đi kiếm tìm hạnh phúc thành công đối với cuộc đời của bà và gia đình.

(Theo lời kể của chị Phạm Kim Oanh, con gái út ông Phạm Ngọc Chương, và ghi chép của ông Phạm Cường, người trong họ đang sống tại Đức)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.