Nhà đất công bỏ trống gây lãng phí, TP.HCM tìm cách khắc phục

23/02/2024 22:28 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung giải quyết các vướng mắc pháp lý của nhà đất công, đưa việc quản lý tài sản công vào nề nếp, tránh sai sót, tiêu cực.

Chiều 23.2, Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề về thực trạng, kinh nghiệm và cách làm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 24 năm 2019 của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn.

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM, cho biết quỹ nhà đất công thuộc phạm vi điều chỉnh theo Nghị định 167 của Chính phủ có 9.295 địa chỉ, trong đó cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp quản lý 7.297 địa chỉ, khối doanh nghiệp quản lý 1.998 địa chỉ.

Đối với quỹ nhà, đất thuộc vi phạm điều chỉnh Nghị định 99 và Nghị định 30 của Chính phủ, TPHCM có nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước gồm 7.921 căn nhà và 9.683 hộ. Ngoài ra, TP.HCM còn có 2.380 nhà, đất với tổng diện tích khoảng hơn 530 ha thuộc diện nhà nước trực tiếp quản lý nhưng chưa kê khai, xác lập.

Nhà đất công bỏ trống gây lãng phí, TP.HCM tìm cách khắc phục- Ảnh 1.

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM báo cáo kết quả 4 năm thực hiện Chỉ thị 24

TRỌNG NGHĨA

Bà Thuận cho biết, sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 24, công tác quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng nhà đất, công trình và các tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố đạt được một số kết quả và khắc phục những tồn tại, hạn chế trước đây.

TP.HCM từng bước đưa việc quản lý, sử dụng nhà đất công vào nề nếp, tách biệt được giữa nhà ở, đất ở với công sở, nhiều cơ sở nhà đất chuyển giao cho ngành nhà đất địa phương quản lý để xử lý theo quy định.

Dù vậy, công tác quản lý vận hành của một số đơn vị thiếu chặt chẽ, sử dụng không đúng mục đích, để nợ đọng tiền cho thuê nhà, đất kéo dài, khó thu hồi… gây lãng phí nhà, đất công. Công tác quản lý còn chồng chéo, chưa thống nhất và đồng bộ, hiệu quả quản lý, sử dụng chưa cao.

Giám sát chặt chẽ việc sử dụng tài sản công

Một số ý kiến tại hội nghị cũng nêu thực trạng lãng phí nhà đất công một phần vì thiếu cơ chế cho thuê vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM viện dẫn quy định luật Quản lý, sử dụng tài sản công không có quy định về việc UBND cấp tỉnh ban hành mức giá cho thuê tối thiểu đối với nhà, đất công phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.

Do vậy, UBND TP.HCM không có cơ sở ban hành biểu giá cho thuê nhà, đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh.

Hiện Chính phủ đang xây dựng dự thảo nghị định về quy định việc quản lý sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho các tổ chức quản lý kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.

Trong thời gian chờ Chính phủ ban hành nghị định, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP.HCM phê duyệt đề án thực hiện thí điểm đấu giá cho thuê các cơ sở nhà, đất thuộc đối tượng sắp xếp lại xử lý theo Nghị định 167 để quản lý nhà, đất công có hiệu quả, đảm bảo tính công khai minh bạch và giá cho thuê phù hợp với giá thị trường, tránh lãng phí nguồn lực tài sản công.

Nhà đất công bỏ trống gây lãng phí, TP.HCM tìm cách khắc phục- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công

TRỌNG NGHĨA

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá nhà đất, tài sản công trên địa bàn rất lớn, nếu quản lý khai thác tốt thì đây sẽ là nguồn lực phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, thực tế quản lý thời gian trước đây có sự phức tạp dẫn đến thất thoát tài sản, sai phạm của tổ chức, cá nhân.

Ông Mãi cho hay, đến nay đã rà soát, thống kê được nguồn tài sản công nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra, nhất là số hóa các địa chỉ nhà đất, còn tình trạng không đồng bộ giữa quản lý trên giấy tờ với thực tế, chưa phân nhóm tài sản nào bán ngay, đầu tư khai thác và phát triển mới.

Do đó, ông Mãi yêu cầu tập trung giải quyết các vướng mắc về pháp lý rồi phân nhóm giải quyết, đồng thời hoàn thiện các hướng dẫn, quy trình tiếp nhận, chuyển giao, đấu giá tài sản cũng như đầu tư phát triển mới. Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra, giám sát để đưa công việc quản lý tài sản công vào nề nếp, bài bản, hiệu quả và tránh những sai sót, tiêu cực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.