|
Tháng 8 vừa qua, công ty chuyên về tiếp thị, kinh doanh bất động sản do ông H. làm giám đốc đón một đối tác từ Thái Lan sang Việt Nam xem dự án bất động sản của công ty.
Tất nhiên, theo đúng "luật chơi", ai mời thì bên đó phải bao trọn gói chi phí tiếp đối tác trong những ngày ở Việt Nam. Chi phí dự kiến để tiếp đãi đối tác Thái Lan trong vòng một tuần tốn khoảng 100 triệu đồng.
Chia sẻ gánh nặng
Ông H. kể khi tình hình làm ăn thuận lợi thì chi phí 100 triệu đồng "không là cái gì" nhưng lúc khó khăn như thế này, số tiền đó sẽ là gánh nặng dù rằng việc mời đối tác sang xem dự án rất quan trọng.
Trước tình hình đó, công ty của ông H. đã tìm một vài công ty bất động sản đang có nhu cầu chào mời một số dự án nhằm chia sẻ gánh nặng chi phí mời đối tác.
“Sau một thời gian tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng tìm được một công ty chào bán dự án tương đồng. Hai bên thỏa thuận mỗi bên sẽ chịu 50% chi phí tiếp đón nhà đầu tư từ Thái Lan sang. Công ty tôi sẽ được 1% hoa hồng nếu công ty kia chào bán thành công dự án cho đối tác Thái Lan”, ông H. nói thêm.
|
Cũng là "chung lưng đấu cật" nhằm tiết giảm chi phí nhưng việc hùn tiền của công ty do ông Q. làm giám đốc lại nhằm mục đích khác.
Công ty của ông Q. đang có một dự án nhà đất ở Bình Chánh (TP.HCM). Và để tiết kiệm, các doanh nghiệp bất động sản đang triển khai dự án ở đây hùn tiền lại để đãi đối tác, nhà thầu, tư vấn, thiết kế...
Ông Q. kể trước đây việc mời tiệc đối tác hay cơ quan quản lý thì mạnh ai nấy mời. Nhưng tình hình khó khăn, dự án không bán được buộc doanh nghiệp phải hùn tiền lại với nhau để tiết kiệm chi phí.
“Đã làm dự án thì không thể thiếu những bữa tiệc xã giao như thế này. Cái lợi của những cuộc nhậu chung này là doanh nghiệp vừa đỡ tốn tiền và thời gian đón tiếp. Thậm chí đại diện doanh nghiệp này không nhậu được thì có doanh nghiệp kia gánh. Anh chỉ cần hùn đủ tiền và đến dự thôi. Tất nhiên phải những doanh nghiệp thân quen, thực hiện những dự án tương tự nhau mới có thể hùn với nhau được”, ông Q. nói.
Khách có thêm lựa chọn
Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Goldentour cho hay tình hình nhà đất trầm lắng thì việc doanh nghiệp liên kết với nhau trong tìm kiếm đối tác là điều cần phải làm. Thậm chí xu hướng liên kết còn xảy ra với những doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư ở nước ngoài.
“Trước đây khi ra nước ngoài tham gia hội chợ hay tìm đối tác, doanh nghiệp thường đi riêng nhưng dạo này có tour năm bảy doanh nghiệp đi chung với nhau. Công ty vẫn thường nhận được yêu cầu thiết kế tour hội chợ cho doanh nghiệp đến một số nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore, thậm chí là ở châu Phi. Tất nhiên đi chung thì giá tour rẻ hơn nhiều so với đi tour riêng”, ông Dũng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay việc doanh nghiệp liên kết với nhau để tiếp khách hay vận động cho một chính sách, thủ tục là điều nên làm.
“Bây giờ để mời một đối tác nước ngoài sang xem dự án gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng nếu họ hùn với nhau lại, chung chi phí để mời đối tác nước ngoài thì mỗi người chỉ phải gánh một phần chi phí thôi”, ông Đực nói.
Theo ông Đực, việc liên kết này ngoài việc giúp doanh nghiệp trong nước tiết kiệm chi phí còn tạo ra sự đa dạng về sản phẩm để đối tác nước ngoài có thêm sự chọn lựa.
Đình Quân
>> Bất động sản cao cấp giảm 50% giá bán
>> Sửa luật cho bất động sản
>> Tiền vào bất động sản đang tăng
>> Đề xuất mua bán bất động sản không qua đấu giá
>> Các chủ dự án bất động sản hết 'cửa' chây ỳ
>> Nới điều kiện người nước ngoài mua nhà: Thị trường bất động sản có ấm lên ?
>> Nhiều dự án bất động sản giảm giá
>> Thị trường bất động sản TP.HCM: Mặt bằng bán lẻ đi xuống, căn hộ nhích lên
Bình luận (0)