Nhà 'đất vàng' phố cổ, nửa thế kỷ tỉ mỉ sửa quạt cổ lỗ sĩ tiền triệu

30/06/2017 13:31 GMT+7

Trời nắng hay mưa, giữa ngã tư phố cổ Hàng Điếu - Bát Đàn đông đúc người qua lại và là nơi tấc đất tấc vàng, bốn người đàn ông vẫn loay hoay giữa dầu mỡ, cánh quạt, ốc vít,… với niềm đam mê kì lạ.

Đó là bốn anh em ông Dương Văn Thuần, những thợ sửa quạt cổ hiếm hoi còn sót lại của thành phố này. Cho đến nay, ở tuổi 66, hàng ngày ông Thuần vẫn cặm cụi bên hàng trăm chiếc quạt máy đủ loại hình dáng, màu sắc.
Với diện tích khoảng 50m2, cửa hàng của anh em ông Thuần nổi tiếng khắp Hà Nội bởi nghề sửa quạt cổ. Cách đây hơn 50 năm, hai cụ thân sinh ông chủ yếu sửa chữa các loại quạt chạy bằng than cũ, đến năm 1960 mới chuyển sang sửa chữa, phục chế, sưu tầm quạt cổ và nghề đó theo gia đình ông đến tận bây giờ.
Thời hoàng kim của quạt cổ là khoảng thời gian từ năm 1970-1980, trước khi các loại điều hòa, quạt cây hiện đại xuất hiện. Ngày nay, ít ai đem quạt đến sửa, hỏng thì người ta thường bỏ luôn… vì thế khách tìm đến ông Thuần đa phần là dân chơi quạt, giới sưu tầm đồ cổ hoặc khách nước ngoài.
“Rất nhiều dân chơi sành đồ cổ cả trong, ngoài nước tìm đến tôi và đều hài lòng khi tìm được chiếc quạt ưng ý” ông Thuần chia sẻ.
Giá thành của những chiếc quạt cổ tương đối cao, một chiếc quạt hiệu Marelli (Ý) có thể có giá từ 4 triệu đến hàng chục triệu tùy vào độ cổ và hiếm của quạt. Tuy nhiên đối với những dân chơi quạt, giá thành dường như không phải vấn đề, họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để thỏa mãn niềm đam mê với những chiếc quạt sang trọng đậm chất xưa.
Trung bình, ông Thuần mất khoảng 2-3 ngày để phục chế một chiếc quạt, chiếc nào khó thì có thể mất một tuần, thậm chí cả tháng.
“Nghề này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn mới làm được, cho nên phục chế xong một chiếc quạt tôi cảm thấy vui lắm. Khi nào sửa được một chiếc quạt khó là vui cả ngày hôm đó” ông Thuần kể.
Ông cũng chia sẻ căn nhà của cụ thân sinh để lại cho anh em ông ngoài hai cửa hàng sửa chữa quạt cổ ở đầu hè, giờ còn mở thêm quán nước chè, quầy giải khát phục vụ khách du lịch, thế nhưng ông vẫn quyết sống mãi với nghề sửa quạt đến khi nào già yếu mới thôi.
Bởi theo ông đây không đơn giản chỉ là một cái nghề mà còn là sự đam mê, cái hồn cốt của mảnh đất kinh kì mà ông hi vọng sẽ lưu giữ được mãi với thời gian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.