Nhà đầu tư ngoại lo ngại không kịp tham gia mua bán điện trực tiếp

Nguyên Nga
Nguyên Nga
09/05/2024 16:07 GMT+7

Theo Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), theo Quy hoạch điện 8, nhiều dự án tái tạo phải sau năm 2030 mới được bổ sung vào quy hoạch, khiến nhiều nhà đầu tư lo không kịp tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Góp ý cho dự thảo nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp, AmCham đặt câu hỏi, hiện chưa rõ quy hoạch phát triển điện trong dự thảo đưa ra cụ thể là quy hoạch nào? Thuộc Quy hoạch điện 8 hay quy hoạch khác? 

Nếu theo Quy hoạch điện 8, cho đến sau năm 2030 mới có thể phát triển các nhà máy điện mặt trời có quy mô lớn. Hiện quy hoạch khuyến khích phát triển điện mái nhà tự sản tự tiêu, công suất 2.600 MW đến 2030.

Trong khi tại dự thảo nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), Bộ Công thương xây dựng mô hình này theo hai phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia (tức qua EVN). Nguồn cung là các nhà máy năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) công suất trên 10 MW nếu nối lưới hoặc không giới hạn công suất với trường hợp bán qua đường dây riêng.

Quy hoạch điện 8 khuyến khích phát triển điện mái nhà tự sản tự tiêu, công suất 2.600 MW đến 2030

Quy hoạch điện 8 khuyến khích phát triển điện mái nhà tự sản tự tiêu, công suất 2.600 MW đến 2030

H.H

Điều đó có nghĩa là các bên phát điện năng lượng tái tạo theo DPPA cần xây dựng các dự án nhà máy điện mặt trời với quy mô mới đã được phê duyệt theo các quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trước đây.

"Như vậy có thể dẫn đến bế tắc với các bên phát điện khi xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời với quy mô lớn chưa nằm trong quy hoạch", Amcham đánh giá và cho rằng, nếu đúng như vậy, điều này có thể tạo giới hạn lớn đối với phạm vi tham gia DPPA của cả bên bán và bên mua.

Một phương án khác được AmCham này nhắc tới là sáp nhập và mua lại các dự án đã được duyệt trong quy hoạch trước đây. Tuy nhiên, lựa chọn này phức tạp với nhiều yêu cầu thẩm định.

Thế nên, Amcham cho rằng nhà chức trách nên thảo luận, xem xét về khả năng sửa đổi Quy hoạch điện 8 theo hướng cho phép duyệt quy hoạch bổ sung với các nhà máy điện mặt trời mới quy mô lớn thực hiện theo cơ chế DPPA. Cùng đó, các tiêu chí, thủ tục sẽ được điều chỉnh phù hợp, công bằng và hiệu quả hơn khi duyệt các dự án đó.

Phản hồi, Bộ Công thương cho biết cơ quan này sẽ xem xét trong quá trình xây dựng nghị định.

Trong thực tế, khả năng bổ sung dự án năng lượng mặt trời mới vào Quy hoạch điện 8 trước năm 2030 khó xảy ra khi việc rà soát chưa xong các dự án điện tái tạo, gồm điện mặt trời đã được cấp có thẩm quyền công nhận giai đoạn trước, nhưng chưa có trong quy hoạch.

Cũng góp ý với Bộ Công thương, Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN cũng nêu quan điểm, cơ chế DPPA cần tạo độ mở và linh hoạt cho các bên tham gia, tránh đưa vào các yêu cầu kỹ thuật quá chi tiết gây ảnh hưởng đến tiến độ thực tế. Theo đó, tổ chức này đề xuất bên mua được tự thương thảo với hầu hết các điều khoản trong hợp đồng mua bán, thay vì theo hợp đồng mẫu.

Đại diện AmCham đề nghị Việt Nam thực hiện DPPA theo cách mà toàn cầu đang áp dụng. Đó là cho mua bán qua lưới quốc gia và trả phí cho EVN ở khâu truyền tải, phân phối. Theo vị này, mô hình mua bán điện qua lưới quốc mang lại sự ổn định, đơn giản về cấu trúc và quy mô để dự án tái tạo phát triển hiệu quả.

Trước đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đề nghị dự thảo nghị định có định nghĩa mô hình không nối lưới và "không nên thúc ép các bên mua bán đầu tư thêm hệ thống - đường dây truyền tải".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.