Thường trực Chính phủ có ý kiến với cơ chế mua bán điện trực tiếp

Nguyên Nga
Nguyên Nga
09/05/2024 08:16 GMT+7

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 205 thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ, đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện mặt trời mái nhà.

Văn bản 205 thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình xây dựng, trình ban hành và nội dung chính của nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA); cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG.

Thông báo nêu: Việc xây dựng các nghị định nói trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Giúp thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là các nguồn điện sạch và bền vững và huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện, góp phần giảm áp lực phát triển nguồn điện lên Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 

Đặc biệt, các cơ chế này góp phần làm cho thị trường điện lực trở nên công khai, minh bạch, cạnh tranh và lành mạnh hơn.

Thường trực Chính phủ có ý kiến với cơ chế mua bán điện trực tiếp- Ảnh 1.

Điện mặt trời tự sản, tự tiêu khuyến khích bán nhưng có điều kiện...

TN

Để xây dựng các Nghị định này, từ năm 2022 đến nay, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, tiến độ triển khai xây dựng, trình ban hành các văn bản này còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu của người dân doanh nghiệp.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các nghị định Thường trực Chính phủ lưu ý: Với nghị định quy định cơ chế DPPA, cần nghiên cứu các quy định về cơ chế giá, phí truyền tải và các chi phí phát sinh khác; đánh giá tác động đến các chủ thể, nhất là EVN. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 15.5.2024.

Với 2 nghị định còn lại là 2 cơ chế, chính sách quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân chủ động một phần nguồn điện, sản xuất, phát triển xanh, góp phần giảm áp lực về nhu cầu cung ứng điện lên hệ thống điện quốc gia, góp phần bảo đảm cung ứng điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo. 

Tuy nhiên, để cả 2 nghị định nêu trên đi vào cuộc sống, khuyến khích được người dân sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sẵn có, đề nghị Bộ Công thương bổ sung, làm rõ các nội dung chính sách, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu khuyến khích một cách thực chất, khả thi trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo việc đề xuất chính sách không được sơ hở dẫn đến việc lợi dụng chính sách.

Cụ thể, đối với nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Thường trực Chính phủ đề nghị làm rõ nội hàm "tự sản, tự tiêu"; quy định rõ trách nhiệm của các Bộ Xây dựng, Công an, Công thương… trong việc quy định các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điều kiện kỹ thuật… để có thể thực hiện ngay khi nghị định được ban hành, không phải chờ thông tư hướng dẫn. 

Nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này. Quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào? Giá bán trên nguyên tắc nào? Nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện…

Đối với nghị định quy định cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG, cần xác định rõ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư xây dựng và cung cấp hạ tầng dùng chung cho sản xuất, nhập khẩu, lưu trữ, phân phối khí và tác động của các chính sách nhất là với giá và sản lượng…

Trên cơ sở đó, Bộ Công thương hoàn thiện 02 nghị định trình Chính phủ trong tháng 5 này.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.