Thẩm định dự thảo nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp

Nguyên Nga
Nguyên Nga
02/05/2024 15:17 GMT+7

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (cơ chế DPPA).

Theo báo cáo của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), tính đến ngày 25.4, ban soạn thảo, tổ biên tập nhận được văn bản góp ý của 30 đơn vị. Trên cơ sở ý kiến góp ý, ban soạn thảo, tổ biên tập đã nghiên cứu tiếp thu giải trình dự thảo lần 2 nghị định này theo hướng rút gọn, hoàn thiện hồ sơ thẩm định để gửi Bộ Tư pháp, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 26.4, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2840 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc đồng ý với đề nghị của Bộ Công thương về việc xây dựng, ban hành nghị định quy định cơ chế DPPA theo trình tự, thủ tục rút gọn. Nay Bộ Công thương gửi văn bản tới Bộ Tư pháp về việc thẩm định dự thảo nghị định cơ chế DPPA.

Tại hồ sơ trình thẩm định, dự thảo nghị định về cơ chế DPPA tập trung vào 2 chính sách gồm: mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn qua đường dây truyền tải riêng; mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn qua lưới điện quốc gia.

Cơ chế mua bán điện trực tiếp kỳ vọng tạo động lực và khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo

Cơ chế mua bán điện trực tiếp kỳ vọng tạo động lực và khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo

EVN

Đối với chính sách mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, Bộ Công thương đề xuất lựa chọn phương án 2 (đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây riêng - NV) vì có nhiều tác động tích cực. Tạo động lực và khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo; tạo ra cơ hội việc làm mới cho người dân; giảm chi phí vận hành trung gian, tăng tính hiệu quả trong việc sử dụng điện.

Ngoài ra, phương án này sẽ giúp khách hàng chủ động lựa chọn nguồn cung cấp điện; có quyền kiểm soát hơn về nguồn điện và các dịch vụ kèm theo. Khuyến khích sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần vào mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và bảo vệ môi trường, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng gây ô nhiễm.

Phương án này không có tác động, ảnh hưởng đến hệ thống pháp luật; không phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Đối với chính sách mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, Bộ Công thương cũng đề xuất chọn phương án 2 (đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bao gồm điện mặt trời và điện gió tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia với khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ sản xuất - NV) vì nó phù hợp với sự phát triển tập trung của nguồn điện gió, điện mặt trời; giảm bớt sự phức tạp trong việc quản lý và ít yêu cầu đầu tư hạ tầng.

Phương án này sẽ giúp giảm chi phí điện cho khách hàng sử dụng điện lớn; tạo thu nhập phụ cho các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo; thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và tạo ra công ăn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phân phối thu nhập. Đặc biệt, giảm rủi ro năng lượng do đa dạng nguồn cung và tác động bởi các yếu tố bên ngoài.

Về mặt xã hội - môi trường, theo phân tích của phương án 2, Bộ Công thương cho rằng, việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo có thể tạo ra việc làm mới; giảm ô nhiễm không khí và khí nhà kính; giúp vệ tài nguyên thiên nhiên; giảm khí thải carbon, giảm sự ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Công thương trình dự thảo nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp này kịp ban hành trước 30.4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.