Nhà hàng vắng vẻ vì ứng dụng giao thức ăn 'lên ngôi'

Thu Thảo
Thu Thảo
31/10/2018 10:27 GMT+7

Tại Mỹ, các ứng dụng giao thức ăn từ hãng DoorDash, Postmates, GrubHub và UberEats đang làm giảm sự hấp dẫn của việc đến nhà hàng dùng bữa.

Don Fox, CEO Firehouse of America, nhận thấy điểm lạ ở các cửa hàng sandwich của mình cách đây vài năm: Vào giờ ăn trưa, cửa hàng tương đối trống trải, song doanh số lại khá hơn bao giờ hết. Chuyện xảy ra ở Firehouse là tình hình chung của nhiều nhà hàng ở Mỹ, phản ánh sự tác động của công nghệ trong ngành nhà hàng. 
Thực khách vẫn dùng bữa ăn của nhà hàng, họ chỉ không ăn tại chỗ nhiều nữa, theo Bloomberg. Các ứng dụng giao thức ăn từ hãng DoorDash, Postmates, GrubHub và UberEats đang khiến việc gọi món trở nên dễ dàng hơn, thay đổi cách các chuỗi nhà hàng tư duy về kinh doanh.
Số lượt tải xuống ứng dụng giao thực phẩm tăng 380% so với cách đây ba năm, theo hãng dữ liệu thị trường App Annie. Công ty nghiên cứu Cowen and Co. dự báo doanh số nhà hàng Mỹ tăng trung bình 12%/năm lên mức 76 tỉ USD trong bốn năm tới.
Tại hiệu sandwich Firehouse, doanh thu tăng 7% năm nay, chủ yếu nhờ các đơn đặt hàng trực tuyến thông qua ứng dụng gọi giao hàng. “Tác động từ việc giao hàng tạo sự thay đổi lớn nhất chúng tôi từng chứng kiến”, người có 15 năm công tác tại Firehouse cho biết. Từ tháng 1, số đơn hàng mang đi chiếm 60% doanh thu của Firehouse. Trong tháng 7, có 1.102 cửa hàng Firehouse thay thế nhiều bàn ghế bằng các kệ đặt hàng giao đi.
Kệ đặt đơn hàng mang đi tại Firehouse Ảnh: Firehouse
David Orkin, người điều hành bộ phận nhà hàng của hãng tư vấn bất động sản Mỹ CBRE, cho hay nhiều nhà hàng khác đang điều chỉnh để phù hợp với việc đón ít khách hơn. Các thương hiệu lớn bình dân như Outback, Carraba's và Buffalo Wild Wings đến với Orkin để tìm và thương lượng hợp đồng thuê, nâng cấp nhà hàng. Chuyên gia này cho biết nhìn chung, nhà hàng giảm không gian chỗ ngồi vì số khách ghé lại ăn ít hơn, trong khi số lượt gọi món online và trên điện thoại thì tăng.
Một số chủ nhà hàng mới bỏ qua bàn ghế hoàn toàn, chỉ dùng không gian bếp để chuẩn bị phần ăn mang đi. Các nhà hàng này thường được gọi là “bếp đám mây” hoặc “nhà hàng ảo” vì chúng không có chỗ ngồi ăn, chỉ bán bữa ăn qua ứng dụng di động như DoorDash hay UberEats.
“Nhìn chung có sự sụt giảm diện tích chỗ ngồi và diện tích bếp, vì thực khách chỉ muốn ăn ở nhà, ăn trên ghế bành tại gia”, nhà sáng lập Restaurant Real Estate Advisors, ông Mark Chase, cho hay.
Ngay cả các chuỗi thức ăn lớn nhất cũng tận dụng cơ hội từ công nghệ để bán nhiều hơn thông qua ứng dụng giao hàng. Vào tháng 8, chuỗi thức ăn nhanh lớn nhất thế giới McDonalds cho biết họ sẽ chi 6 tỉ USD để tái thiết kế các nhà hàng ở Mỹ. Nhiều nhà hàng McDonalds sẽ có điểm đỗ xe dành cho xe giao đơn hàng đặt qua di động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.