Nhà máy bột đá 'vây' nhà dân

Nhà máy bột đá 'vây' nhà dân

Khánh Hoan
Khánh Hoan
04/12/2023 10:46 GMT+7

Ba nhà máy chế biến bột đá nằm sát khu dân cư hoạt động từ nhiều năm qua khiến hàng chục hộ dân ở xã Châu Quang (H.Quỳ Hợp, Nghệ An) sống trong cảnh khổ sở, lo lắng vì tiếng ồn và bụi mịn.

N ÀO, BỤI BẶM

Căn nhà cấp 4 của gia đình ông Trần Đình Công (77 tuổi, ở bản Bành, xã Châu Quang) cách nhà máy nghiền bột đá siêu mịn của Công ty CP khoáng sản và thương mại Trung Hải một bức tường rào và con đường. "Nhà máy hoạt động 3 ca, ồn ào suốt ngày đêm. Bụi khó nhìn thấy nhưng cảm giác khó thở lắm", ông Công cho hay. Vợ chồng ông đến đây làm nhà, sinh sống từ năm 1976. Khu vực này khá gần với các dãy núi đá, từng rất yên bình, không khí trong lành. Thế nhưng, từ khi núi đá bị các doanh nghiệp đến khai thác, 3 nhà máy chế biến bột đá trắng thi nhau mọc lên, cuộc sống của gia đình ông bị ảnh hưởng rất lớn. "Chúng tôi muốn di dời đi nơi khác, ở đây rất mệt mỏi vì tiếng ồn, lo bụi mịn ảnh hưởng sức khỏe nhưng chưa thấy huyện trả lời gì", ông Công thở dài nói.

Nhà máy bột đá 'vây' nhà dân - Ảnh 1.

Nhà máy chế biến bột đá nằm sát khu dân cư

K.HOAN

Chị Đậu Thị Xinh, hàng xóm của ông Công, lắc đầu kể người dân ở đây rất khổ sở kể từ khi 3 nhà máy này mọc lên. Trời nắng, không nhìn thấy bụi, nhưng về đêm, rọi đèn thấy mịt mù. "Bụi mịn bám vào bàn ghế, lấy ngón tay miết mới thấy rõ vì hạt bụi quá nhỏ. Chúng tôi rất lo cho sức khỏe, nhất là trẻ nhỏ và người già. Dân đã kêu từ nhiều năm rồi nhưng có thấy chuyển biến gì đâu", chị Xinh nói.

Căn nhà nằm sát nhà máy chế biến bột đá số 3 là của vợ chồng chị Lô Thị Hải (bản Cà, xã Châu Quang). Thấy có PV Thanh Niên đến tìm hiểu, chị Hải cho biết: "Khi dân kêu thì có người đến dùng máy đo bụi, đo tiếng ồn rồi đi, dân có biết kết quả thế nào đâu. Từ khi nhà máy mọc lên, chúng tôi sống khổ sở vì tiếng ồn suốt ngày đêm và lo sợ hít phải bụi mịn sinh bệnh tật".

Nhà máy bột đá 'vây' nhà dân - Ảnh 2.

Bà Hà Thị Huyên, sống cạnh nhà máy chế biến bột đá, cho rằng nhiều người trong gia đình bị mẩn ngứa có thể do bụi.

K.HOAN

Ông Vi Văn Thủy, Trưởng bản Cà, cho biết 3 nhà máy nghiền bột đá siêu mịn này được xây dựng và hoạt động cách đây vài năm, nhà máy thứ nhất hoạt động từ năm 2016. Bản Cà có 94 hộ dân, trong đó nhiều hộ cách nhà máy chỉ vài ba chục mét. "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện về vấn đề tiếng ồn và bụi nhưng chưa được xử lý triệt để. Bột đá này siêu mịn, mỗi khi có gió là cuốn bay mù mịt. Chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe của người dân sống quanh nhà máy", ông Thủy nói.

DI DỜI KHÔNG DỄ

Ông Phạm Công Truyền, Chủ tịch UBND xã Châu Quang, cho biết xã có 18 doanh nghiệp hoạt động khai thác và chế biến đá trắng, trong đó một số doanh nghiệp đã đóng cửa. Cũng theo ông Truyền, do cụm công nghiệp nằm gần khu dân cư nên khi các nhà máy hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, trong đó có 3 nhà máy chế biến bột đá nói trên. Người dân nhiều lần phản ánh tình trạng các nhà máy hoạt động gây tiếng ồn và bụi. Cơ quan chức năng đã đến quan trắc và kết luận mức ô nhiễm bụi "trong phạm vi cho phép". Chính quyền cũng có văn bản yêu cầu các công ty cam kết hoạt động phải có biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân sống xung quanh nhà máy.

Ông Truyền cũng cho biết trước đây một số hộ dân đã được di dời ra khỏi khu vực cụm công nghiệp này. Sau khi nhiều hộ phản ánh ô nhiễm tiếng ồn và lo ngại bụi mịn ảnh hưởng sức khỏe, xã đã đề xuất huyện xem xét, đánh giá để di dời những hộ sống quá gần và bị ảnh hưởng bởi hoạt động của các nhà máy.

Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Đức Lợi, Phó chủ tịch UBND H.Quỳ Hợp, cho biết các hộ dân nằm trong phạm vi xây dựng nhà máy đã được di dời giải phóng mặt bằng bằng kinh phí của nhà nước. Hiện nay, những hộ sống gần nhà máy nếu bị ảnh hưởng thì việc bồi thường để người dân di dời là trách nhiệm của doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.