Chăn nuôi trong khu dân cư, gây ô nhiễm nghiêm trọng

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
16/12/2022 13:58 GMT+7

Người dân ở trong khu vực chăn nuôi phải chịu đựng ô nhiễm mùi hôi, nguồn nước không đảm bảo an toàn.

    Còn hàng chục chủ trang trại heo, gà thì lại muốn có lộ trình để quá trình đầu tư không hụt hẫng. Thực trạng trên hiện đang gây bức xúc ở nhiều khối phố thuộc P.Điện Dương, TX.Điện Bàn, Quảng Nam. Chăn nuôi trong khu vực không được cho phép.

    Ngày 15.11, UBND P.Điện Dương (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) có văn bản gửi Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng (Công ty) đề nghị chấm dứt hợp đồng với các hộ dân có trang trại chăn nuôi heo, gà ảnh hưởng môi trường ở P.Điện Dương. Nguyên do, hiện địa bàn P.Điện Dương có 23 trang trại, gia trại của các hộ dân chăn nuôi gia công heo và 14 trang trại chăn nuôi gà cho Công ty. Các cơ sở này tập trung ở các khối phố Hà My Tây, Hà My Trung, Tân Khai, Hà Bản, Hà My Đông A, Hà My Đông B, Hà Quảng Đông, Hà Quảng Tây, Quảng Gia và Hà Quảng Bắc. “UBND P.Điện Dương cũng đã tổ chức họp tham vấn cộng đồng dân cư, lấy ý kiến đại diện nhân dân trong lĩnh vực chăn nuôi trang, gia trại. Hội nghị thống nhất cao, đề nghị chấm dứt chăn nuôi trang, gia trại heo gà trên địa bàn P.Điện Dương, nhằm đảm bảo môi trường phát triển đô thị xanh sạch đẹp”, văn bản nêu.

    P.Điện Dương còn nhiều khu trang trại, gia trại sắp bị cấm chăn nuôi hoàn toàn

    NGUYỄN TÚ

    Ông Huỳnh Văn Thông (ngụ P.Điện Dương), đại diện người dân tại cuộc họp lấy ý kiến dân cư, cho biết các trang, gia trại gia công cho công ty trên gây ảnh hưởng môi trường, mùi hôi thối, nguồn nước ngầm ô nhiễm rất nghiêm trọng tại khu dân cư, các khối phố. Ông Thông đề nghị chỉ cho phép chăn nuôi quy mô nhỏ trong cộng đồng dân cư là phù hợp. Đồng quan điểm, ông Cù Duy Thiện (ngụ P.Điện Dương) chia sẻ thêm, dù người dân đã có nhiều đơn kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, cần quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung không ảnh hưởng dân cư. Ông Lê Văn Hà, cán bộ thú y UBND P.Điện Dương, cũng cho rằng theo quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh và dự kiến rà soát, bổ sung nghị quyết về khu vực cho phép chăn nuôi, P.Điện Dương là khu vực có các dự án đô thị, du lịch nằm trong tiêu chí không được phép chăn nuôi.

    Mong được di dời, chuyển nghề

    Trong khi đó, 9 trại nuôi heo, 9 trại nuôi gà cũng có đơn kêu cứu gửi UBND P.Điện Dương. Theo đơn, 18 trang trại này được UBND xã Điện Dương (cũ) ký hợp đồng cho thuê đất xây trang trại chăn nuôi gia công heo gà với Công ty từ năm 2001. Ban đầu, hợp đồng ký 5 năm/lần, từ năm 2011 ký 2 năm/lần và từ năm 2016 chỉ cần làm đơn cho UBND phường xác nhận.

    Nhiều trang trại, cơ sở vay ngân hàng để xây dựng kiên cố nên các chủ cơ sở cho rằng với số tiền đầu tư quá lớn (3 - 4 tỉ đồng/trại heo, 1 - 1,2 tỉ đồng/trại gà), nay UBND P.Điện Dương không cho chăn nuôi thì các trang trại sẽ gặp khó khăn. Các chủ cơ sở kiến nghị địa phương cho lộ trình ít nhất trên 1 năm để chuyển đổi công năng, đồng thời xin quy hoạch khu chăn nuôi tập trung để tiếp tục ngành nghề.

    “Nếu không được, nhà nước hỗ trợ chúng tôi chuyển đổi nghề nghiệp. Về môi trường, để hạn chế thấp nhất ô nhiễm, chúng tôi cam kết khắc phục, không ảnh hưởng đến cuộc sống bà con nhân dân chung quanh. Đề nghị Công ty tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chăn nuôi cải thiện thu nhập”, đơn của các chủ hộ chăn nuôi nêu.

    Theo ông Lê Hoàng Chương, đại diện Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam, công ty có ký hợp đồng với 19 hộ dân chăn nuôi hơn 16.000 con heo ở 22 trại heo và 14 hộ nuôi hơn 186.000 con gà ở 15 trại gà trên địa bàn P.Điện Dương. Vì vậy, nếu chấm dứt hoạt động thì không chỉ ảnh hưởng công ty mà còn ảnh hưởng người chăn nuôi. Theo hợp đồng, CP Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật chuồng trại, đánh giá tác động môi trường, yêu cầu xây theo bản vẽ, thiết kế, cung cấp con giống, thức ăn, vắc xin và thu mua… Hợp đồng cũng ràng buộc về đảm bảo môi trường chăn nuôi. Hộ chăn nuôi phải chấp hành về pháp luật bảo vệ môi trường, nếu không đạt và gây ô nhiễm thì công ty xem xét chấm dứt hợp đồng”, ông Lê Hoàng Chương nói.

    Trước chủ trương của tỉnh Quảng Nam và kế hoạch triển khai của TX.Điện Bàn, P.Điện Dương đối với việc dừng chăn nuôi trong khu dân cư, ông Lê Hoàng Chương cho hay công ty đang làm việc với từng hộ dân để có hướng hỗ trợ, đồng hành giải quyết trên cơ sở đảm bảo quyền lợi người nông dân. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tri, Phó chủ tịch UBND P.Điện Dương, cho hay qua ý kiến của các bên đối với chủ trương cấm chăn nuôi tại các khu vực đô thị và phát triển du lịch, trước mắt địa phương đề xuất lộ trình gia hạn cho các hộ dân đến 31.12.2024 dừng chăn nuôi trang trại, đồng thời có các chính sách khác để tháo gỡ.

    Top

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.