Nhà nghỉ, khách sạn có được giữ thẻ CCCD của khách thuê phòng?

09/03/2024 14:59 GMT+7

Rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn giữ thẻ căn cước công dân (CCCD) của khách khi làm thủ tục nhận phòng, điều này có đúng?

Anh Phạm Trọng (trú tại Hà Nội) phản ánh về việc một số nhà nghỉ, khách sạn giữ thẻ CCCD của khách khi làm thủ tục nhận phòng. CCCD là giấy tờ tùy thân rất quan trọng, vì thế việc nhà nghỉ, khách sạn giữ lại sẽ gây ảnh hưởng cho khách trong một số tình huống cần dùng đến.

Theo quy định, việc giữ thẻ CCCD của khách thuê phòng như vậy có đúng?

Nhà nghỉ, khách sạn có được giữ thẻ CCCD của khách thuê phòng?- Ảnh 1.

Theo quy định, nhà nghỉ, khách sạn không được phép giữ thẻ CCCD của khách thuê phòng

TUYẾN PHAN

Chỉ được kiểm tra, không được giữ

Luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, viện dẫn điều 44 Nghị định 96/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú, gồm một trong các loại giấy tờ sau: chứng minh nhân dân, CCCD, hộ chiếu, thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú (đối với người nước ngoài), các loại giấy tờ có dán ảnh do các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cấp.

Đồng thời, ghi đầy đủ thông tin của khách lưu trú vào sổ quản lý (hoặc nhập đầy đủ thông tin vào máy tính) trước khi cho khách vào phòng nghỉ.

Nhà nghỉ, khách sạn có được giữ thẻ CCCD của khách thuê phòng?

Chiểu theo điều luật, chủ hoặc nhân viên nhà nghỉ, khách sạn chỉ được kiểm tra thẻ CCCD của khách thuê phòng để lấy thông tin, ghi vào sổ quản lý, chứ không có quyền giữ luôn thẻ CCCD.

Cạnh đó, điều 7 luật CCCD năm 2014 nghiêm cấm hành vi thu giữ thẻ CCCD trái quy định của pháp luật.

Nghị định số 144/2021 cũng quy định, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi chiếm đoạt, sử dụng chứng minh nhân dân, thẻ CCCD hoặc giấy xác nhận số chứng minh nhân dân của người khác.

"Như vậy, khi làm thủ tục thuê phòng, khách thuê có thể giải thích để nhân viên hoặc chủ nhà nghỉ, khách sạn hiểu rằng việc giữ thẻ CCCD là trái quy định. Trường hợp cần thiết, khách thuê có thể liên hệ tới UBND hoặc công an cấp xã để giải quyết", luật sư Tâm khuyến cáo.

Liên quan đến vấn đề trên, chị H.L, chủ một nhà nghỉ trên địa bàn Q.Hà Đông (Hà Nội), chia sẻ rằng, trước đây cơ sở kinh doanh dịch vụ của chị cũng từng giữ thẻ CCCD của khách. Mục đích chính của việc này nhằm bảo đảm khách sẽ trả tiền thuê phòng, tránh trường hợp "bùng". Tuy nhiên, hiện nhà nghỉ đã bỏ cách làm này, thay vào đó sẽ thu tiền cọc khi giao phòng; vừa bảo đảm nghĩa vụ thanh toán của khách vừa không vi phạm pháp luật.

Nhà nghỉ, khách sạn có được giữ thẻ CCCD của khách thuê phòng?- Ảnh 2.

Lực lượng công an làm thủ tục cấp thẻ CCCD cho người dân

TUYẾN PHAN

Cơ quan nào được tạm giữ thẻ CCCD?

Một câu hỏi khác được nhiều người đặt ra: trường hợp nào thẻ CCCD bị giữ, cơ quan nào có thẩm quyền thực hiện việc này?

Điều 28 luật CCCD năm 2014 quy định rất rõ, thẻ CCCD chỉ bị tạm giữ trong 2 trường hợp.

Thứ nhất là người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thứ hai là người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.

Xem nhanh 12h ngày 10.3: Nhà nghỉ, khách sạn có được giữ thẻ CCCD của khách thuê phòng?

Thẩm quyền tạm giữ thẻ CCCD thuộc cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trong thời gian bị tạm giữ, công dân được cơ quan tạm giữ cho phép sử dụng thẻ CCCD của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.

Công dân được trả lại thẻ CCCD khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Mới đây, Quốc hội thông qua luật Căn cước (có hiệu lực thi hành từ 1.7.2024), thay thế cho luật CCCD năm 2014.

Luật Căn cước tiếp tục quy định các trường hợp bị tạm giữ, cơ quan có thẩm quyền tạm giữ thẻ căn cước như hiện hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.