Nhà ngoại giao của bản

Khánh Hoan
Khánh Hoan
19/10/2021 09:01 GMT+7

Sau chuyến lội rừng ngoại giao với trưởng bản nước bạn Lào của ông Lương Minh Hồng, người dân bản Mường Piệt và bản Tẩu ở hai bên mốc biên giới trở thành bạn tốt của nhau, mọi hiềm khích được hóa giải.

Từ chuyến ngoại giao ấy, đang làm trưởng bản, ông Lương Minh Hồng được giới thiệu, bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thông Thụ (H.Quế Phong, Nghệ An) để tập hợp, đoàn kết người dân, bảo vệ biên giới và ông trở thành cây cao bóng cả trong hòa giải, làm thay đổi nếp sống ở xã vùng biên này.

Lội rừng đi ngoại giao với bản bạn

Dáng người mảnh khảnh, ở tuổi 70, hằng ngày ông Hồng vẫn đi rừng, leo núi như dân thành thị đi chợ. Vợ chồng ông có căn nhà sàn thoáng đãng sát bên con đường nhựa, nhưng ông nhường cho vợ chồng người con trai rồi lên núi cách đó chừng nửa cây số dựng chòi để ở. Ông bảo ở chòi gần với rừng thích hơn, đi rẫy cũng tiện hơn. “Mình là già làng, phải gương mẫu cho con cháu, kể cả trong lao động, còn sức là còn phải lao động”, ông cười.

Năm 1995, ông Hồng là Trưởng bản Mường Piệt (xã Thông Thụ). Năm đó, để đảm bảo an ninh biên giới, ngoài lực lượng biên phòng, tỉnh Nghệ An còn giao đường biên, cột mốc cho các bản biên giới tự quản lý. Mường Piệt có hơn 10 km đường biên tiếp giáp với Lào. Đường biên nằm trên núi rừng cheo leo, cách nơi sinh sống của dân bản nhiều giờ đi bộ.

“Chủ trương về đến bản, đêm, tôi nằm nghĩ đây là nhiệm vụ của mình và để bảo vệ an ninh biên giới cách tốt nhất là phải làm bạn thân với bản Tẩu của nước bạn, tiếp giáp với bản mình. Kết bạn được với họ thì mọi mâu thuẫn giữa dân hai bản khi va chạm nhau cũng sẽ được hóa giải”, ông Hồng kể.

Ông Lương Minh Hồng

Ông Hồng có người quen ở bản Tẩu và ông đã vài lần sang chơi nên có quen biết với ông Thoong Ly, trước là Bí thư, Chủ tịch xã Viêng Phăn. Sau khi Lào xóa hành chính cấp xã, ông Thoong Ly về làm Trưởng bản Tẩu và là người rất có uy tín với dân bản. “Nhờ đó mà tôi muốn gặp ông Thoong Ly để đặt mối quan hệ kết bạn giữa hai bản”, ông Hồng nói.

Một tháng sau. 7 giờ sáng, ông Hồng cùng 2 người trong Ban cán sự bản Mường Piệt đùm cơm nắm sang Lào. Họ đi bộ theo đường mòn trong rừng. Gần 5 giờ chiều cùng ngày, 3 người đặt chân đến bản Tẩu, thuộc H.Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Nhưng khi đến nhà ông Thoong Ly thì ông Ly bị ốm, đang nằm viện ở trên huyện. Ông Hồng cùng 2 cộng sự phải thuê thuyền máy ngược thượng nguồn sông Chu để đến bệnh viện. Hơn một giờ sau, khi đã nhá nhem tối, họ gặp được ông Ly đang đi dạo ở bến sông gần bệnh viện.

Ông Hồng nói chuyện, đặt vấn đề kết nghĩa thân giao giữa bản Mường Piệt và bản Tẩu để hai bên đoàn kết, cùng bảo vệ biên giới và làm ăn sinh sống. “Ông Thoong Ly rất vui và đồng ý liền. Chúng tôi thỏa thuận miệng một số vấn đề cùng tôn trọng, bảo vệ biên giới, trâu bò lỡ phá hoại cây trồng, dân bản hai bên không bắt trâu của nhau, không bắt trộm trâu bò, đào sắn của nhau... Ông Thoong Ly hẹn đến ngày tết cổ truyền của Việt Nam, ông sẽ dẫn người sang thăm bản Mường Piệt”, ông Hồng kể.

Trở về bản, ông Hồng họp dân bản thông báo kết quả chuyến đi ngoại giao với bản nước bạn và đề nghị người dân cùng cam kết thực hiện quy ước đã thỏa thuận. Dân bản đều vui vẻ đồng tình. Kể từ đó, trâu bò thả rông trong rừng không còn bị mất trộm, sắn trên nương cũng không ai đào trộm, trâu bò của dân bản Mường Piệt lỡ sang đất của bản Tẩu bên kia biên giới phá hoại cây trồng được thông báo để sang đưa về, không còn chuyện ép để bắt chuộc tiền như trước.

Hai bản kết giao và kể từ năm 1997 đến nay, đã thành thông lệ, cứ 2 năm 1 lần, đại diện hai bản lại gặp nhau để tăng cường sự đoàn kết. Mô hình kết giao với bản bạn bên kia biên giới này sau đó trở thành mô hình điểm, được nhân lên ở nhiều bản khác. Ông Hồng được mời đi dự báo cáo điển hình ở nhiều nơi. “Cũng rất vui vì cách làm của mình trở nên rất có hiệu quả”, ông nói.

Tường nhà chi chít bằng khen, giấy khen của ông Hồng

K.HOAN

Việc gì cũng nhiệt huyết

Từng có 8 năm nhập ngũ Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn và 14 năm về quê làm trưởng bản, gắn bó với dân bản như ruột thịt, ông Hồng được người dân rất quý mến. Năm 2000, đang là trưởng bản, ông được giới thiệu, bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thông Thụ. Thời điểm đó, dân bản vùng biên này còn rất khó khăn, ông kết nối, tìm nguồn để xóa nhiều nhà tạm cho những gia đình nghèo trong xã. Gia đình nào trong xã gặp hoạn nạn cháy nhà, tai nạn, bệnh hiểm nghèo, ông Hồng lại phát động, kêu gọi người dân chung tay giúp đỡ.

Có trường hợp một thanh niên lấy vợ là một phụ nữ đã từng một đời chồng và có đứa con riêng. Tiếng ong ve trêu chọc của một số người và gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến nguy cơ gia đình tan vỡ khi xung đột xảy ra như cơm bữa. Một hôm, cô vợ ở nhà đói quá, làm thịt con gà cho con ăn, anh chồng đi làm về thấy thế thì nổi nóng, gây sự và quyết ly hôn. Ông Hồng đến nhà khuyên nhủ, vài ba lần rồi cũng có kết quả. Đến nay, họ đã có thêm 2 con chung và sống hạnh phúc.

Bản Mường Piệt là nơi cư ngụ của đồng bào Thái. Những căn nhà sàn truyền thống phía trên người ở, phía dưới là nơi ở của gia súc, gia cầm. Ông Hồng đã vận động người dân trong xã xây chuồng trại cách xa nhà ở, di chuyển gia súc gia cầm để đảm bảo vệ sinh môi trường. Thấy hợp lý, mọi nhà đều làm và sau đó không lâu, những chuồng nhốt gia súc được dọn đi, tầng trệt sạch sẽ, trở thành nơi sinh hoạt của gia đình.

Phong tục thách cưới ở Mường Piệt từng quy định, ít nhất phải có 6 chỉ vàng, trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình nghèo. Đám cưới tổ chức ăn uống linh đình nhiều ngày, rất tốn kém. Đám tang cũng rất phiền hà khi để người chết nhiều ngày trong nhà chờ ngày đẹp mới được chôn cất. Gia đình có người chết còn phải giết trâu, bò, lợn, gà đãi hàng xóm trong những ngày đó. Sau khi làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thông Thụ, ông Hồng tham mưu cho UBND xã Thông Thụ ra quy định bỏ các hủ tục này.

Rồi ông đến các bản, gặp người dân để giải thích, vận động họ và không lâu sau, hủ tục trong cưới hỏi, ma chay đã được thay đổi. “Đám cưới bây giờ đơn giản hơn nhiều. Đám ma cũng vậy, trong vòng 24 giờ là chôn cất, không tổ chức ăn uống linh đình nữa”, ông Hồng nói.

Năm 2011, ông Hồng nghỉ hưu. Ông được dân bản chọn làm già làng uy tín của bản. Ông cười bảo nghỉ hưu nhiệm vụ có giảm vì chỉ còn phụ trách bản Mường Piệt, nhưng nhiệt huyết và trách nhiệm với đồng bào thì ông vẫn thế.

Trên tầng 2 căn nhà sàn, quanh bức tường bằng ván gỗ treo chi chít bằng, giấy khen. Tôi đếm được 21 bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương của UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Nghệ An, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, UBND H.Quế Phong, UBND xã Thông Thụ; H.Sầm Tới (Lào)…

“Đó là một người rất có uy tín với dân bản, rất tâm huyết và có trách nhiệm trong việc bảo vệ an ninh biên giới”, thượng tá Hoàng Văn Huy, Chính trị viên Đồn biên phòng Thông Thụ, nói.

Ông Hồng đã lập 2 tổ tự quản đường biên, cột mốc do hàng chục người dân trong bản tham gia cùng biên phòng tuần tra, kiểm soát biên giới. Ông vận động người dân cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho biên phòng phát hiện, ngăn chặn việc xâm nhập biên giới trái phép, nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Lào. “Việc gì ông Hồng cũng nhiệt tình và tham gia rất có trách nhiệm”, thượng tá Huy nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.