Người cứu hộ ở Hoàng Sa

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
30/09/2021 08:30 GMT+7

Hễ nhận được tin báo có tàu gặp nạn trên biển là ông lập tức cho tàu đến ứng cứu , bỏ luôn chuyến biển mà không đắn đo về phí tổn.

Ông trở thành ân nhân của nhiều người bị nạn khi đang bám ngư trường Hoàng Sa (Đà Nẵng) để đánh bắt hải sản.
Ông là Trần Văn Mười (45 tuổi, trú tại tổ 20B1, P.Mân Thái, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), chủ tàu cá có tên An Nam (ĐNa 90777 TS).
Trong 15 năm dong tàu trực chỉ Hoàng Sa, không biết bao lần ông Mười đưa tàu mình đến cứu tàu bạn trong những tình huống nguy cấp. Nhưng câu chuyện cứu hộ để mọi người biết đến ông như một “người hùng” chỉ bắt đầu từ khi ông làm chủ tàu vỏ thép An Nam, công suất máy chính trên 800 CV.

Cứu người là trên hết

Ông Mười được nhiều người biết đến là một ngư dân “chịu chơi” từ hồi tháng 3.2016, khi quyết định đóng mới và hạ thủy thành công tàu An Nam với tổng vốn đến hơn 18 tỉ đồng. Với tải trọng đến 500 tấn, tàu vỏ thép đầu tiên của Đà Nẵng được đóng theo Nghị định 67 này cũng trở thành tàu cá lớn nhất thời điểm đó. Cũng từ đó mà “cái duyên” cứu hộ trên Biển Đông vận vào ông với những chuyến rẽ sóng cứu người có thể nói là không tưởng. “Những chuyến ra khơi của tôi trong năm 2018 gần như gắn với việc cứu hộ”, ông Mười mở đầu câu chuyện.
Ngày 15.5.2018, khi đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, ông nhận được điện đàm báo tin tàu cá QNa 90749 của ngư dân Hoàng Quốc Việt (trú Quảng Nam) bị hỏng máy thả trôi trên khu vực bắc Biển Đông và đề nghị được lai dắt về bờ. Ông Mười xác định bỏ luôn chuyến biển để giúp tàu bạn. Bởi trong bối cảnh tàu của lực lượng chức năng chưa thể ra kịp, nếu tàu ông Mười không cứu hộ thì gần như không có tàu nào lai dắt được con tàu câu mực “khủng” đang gặp nạn này. “Trong số 50 ngư dân trên tàu bị nạn, một người có nguy cơ bị hoại tử chân do quá trình sửa chữa đã bị cuốn vào máy”, ông Mười nhớ lại.
Bà Mai Vy Nin, Phó chủ tịch UBND P.Mân Thái, cho biết ông Trần Văn Mười là gương điển hình về công tác cứu hộ, cứu nạn, tương trợ lẫn nhau trên biển từ nhiều năm nay. Tuy vậy, hiện ông đang gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác hải sản, từ giá cả cho đến nhân lực đi biển, vướng dịch Covid-19… nên tàu nằm bờ nhiều hơn. Chính quyền phường đã báo việc này lên cấp trên. 
“Tuy khó khăn nhưng anh Mười luôn là người xông xáo hỗ trợ cho địa phương. Mới đây, khi Đà Nẵng phong tỏa, biết bữa cơm bà con hàng xóm thiếu hải sản, anh Mười đã mua 300 kg cá nục rồi đem phát cho 400 hộ dân. Chúng tôi mong muốn cấp trên giúp đỡ để anh Mười lại vươn khơi vẫy vùng, tiếp tục giúp ích cho nhiều tàu khác, góp phần bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa”, bà Nin chia sẻ.
Biết rằng nếu tàu lai dắt vào bờ chậm 1 ngày thì người bị nạn có nguy cơ bị cưa mất chân, nên ông Mười phải mở hết ga, rút ngắn từ 9 xuống còn 7 ngày. Khi 2 tàu về đến bờ, xe cứu thương đã chờ sẵn để cấp cứu người bị nạn. “Ông Việt bồi dưỡng cho 11 thuyền viên trên tàu tôi 5 triệu đồng/người. Nhưng tôi nhất quyết không nhận tiền. Họ đã khổ rồi, còn phải thay máy để vươn khơi trở lại. Cái chính là tình người với nhau, mình nhận tiền rồi cũng đâu có giàu lên được”, ông Mười trải lòng.

Thợ cơ khí trên Biển đông

Trong suốt 3 năm từ 2017 - 2019, ngư dân Trần Văn Mười không nhớ mình đã tổ chức cứu hộ bao nhiêu chuyến. Chỉ biết rằng sau mỗi cuộc cứu hộ thành công, giấy khen, bằng khen từ địa phương đến T.Ư trong nhà ông lại nhiều thêm. Tàu An Nam trở thành “thương hiệu” cứu hộ các tàu ở ngư trường Hoàng Sa. Khi gặp biến cố khiến tàu không thể tự vận hành, các tàu lớn gần như đều nghĩ đến tàu An Nam.
“Có những hoàn cảnh gần như người gặp nạn đã tuyệt vọng”, ông Mười chia sẻ. Đó là chuyến đi bão táp đúng nghĩa khi ông chớp nhoáng đưa ra quyết định cho An Nam “xuyên” sóng gió cấp 9 - 10 để ứng cứu tàu cá ĐNa 90139 hồi tháng 9.2018. Vì thời tiết trên biển quá nguy hiểm cộng với việc tàu cá bị nạn ở quá xa bờ, lực lượng cứu hộ trong đất liền đã phải liên lạc tàu ông Mười đang tránh trú bão tại Quy Nhơn (Bình Định). “Sóng gió cấp 9 - 10, tàu mình có lớn cỡ nào cũng chỉ là con tàu cá. Nhưng rồi tôi tặc lưỡi, kệ! Họ đã gọi đến tàu mình, tức là họ đã xác định chỉ có mình mới cứu được”, ông Mười nói và kể tiếp: “Trong cuộc đời đi biển, tôi chưa khi nào nghĩ đến cảnh con tàu của mình bị sóng gió vặn đến nghẹt thở. Thủy thủ trên tàu khiếp đảm vì nghe tiếng vỏ thép kêu răng rắc cứ như sắp bị bẻ gãy”.
Khi tàu An Nam ra đến nơi, ông Đào, chủ tàu bị nạn, òa khóc và bảo: “Sống rồi!”. Vì hải trình xuyên bão quá nhiều nguy hiểm nên phải mất 7 ngày, tàu An Nam mới tiếp cận và cập mạn tàu bị nạn. Mất thêm 6 ngày 2 tàu cùng nổi trên biển, và thêm 4 ngày để di chuyển, ông Mười đã đưa 11 người cùng con tàu bị nạn về bờ an toàn. “Sau chuyến cứu hộ, anh em tàu chúng tôi được nhận bằng khen. Thế mà vui, cứu người hơn xây mười tòa tháp mà!”, ông Mười tâm sự.
Có những trường hợp ông Mười không sử dụng đến lợi thế tàu to, máy lớn của mình mà xuất “tuyệt kỹ” sửa chữa máy ngay trên biển để tiết giảm chi phí cho cả 2 bên. Bởi nếu kéo về thì cả 2 tàu phải bỏ luôn chuyến biển. Với những kiến thức cơ khí tự học, ông Mười đã sửa chữa thành công không biết bao nhiêu tàu bị hỏng máy trôi dạt trên biển.
Nhờ tàu to, trang bị cả máy phát điện nên ông Mười sắm thêm bình ô xy, gió đá, máy hàn… trước hết là để tự khắc phục cho tàu mình. Không ngờ chính kho “đồ nghề” này lại giúp không ít tàu cá có thể trở lại chuyến biển đang dang dở, thay vì phải theo tàu cứu hộ về bờ.
Nhớ nhất là lần sửa chữa máy cho tàu cá của ngư dân Quảng Nam vào tháng 5.2019. “Lần đó, tôi phải neo lại và mất 6 ngày mới khắc phục xong sự cố vỡ hộp số. Ngày thứ 6, đề máy một phát tàu chạy êm ru, anh em mừng ứa nước mắt”, ông Mười nhớ lại.  

Ông Trần Văn Mười được Thủ tướng tặng bằng khen vào năm 2016 vì thành tích trong lao động sản xuất, góp phần bảo vệ Tổ quốc

Đau đáu nghiệp đi biển

Ông Mười bảo đi biển và làm thợ cơ khí là cái nghiệp “thể hiện lên cả con tàu An Nam”. Con tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 này được ông cải hoán nhiều lần để hành nghề từ chụp mực, lưới vây cho đến câu mực.  
Bên trong con tàu, ông Mười còn thiết kế giàn sấy mực. “Hồi trước, ngư dân chúng tôi chung nỗi khổ là đánh bắt được mực nhưng mùa mưa không phơi được lại đổ xuống biển. Năm 2013, tôi nghiên cứu và làm hầm dưới tàu dùng sức nóng từ động cơ kết hợp với gió biển để sấy mực. Sáng kiến này được Hội Nghề cá VN chứng nhận đạt danh hiệu Chất lượng vàng thủy sản”, ông Mười kể.
Những ngày dịch giã, ông Mười không có lao động để đi biển. Chiều chiều, ông lại chạy xe sang âu thuyền rồi từ bờ nhìn sang con tàu nghĩ cách để nâng cấp nó. Ông bảo ngư dân đánh bắt trên biển đã cực nhọc, nhưng khi về bờ gặp đầu nậu thu mua ép giá còn khổ gấp đôi. Bởi vậy, ông dự tính sẽ đứng ra thu mua cá trên biển rồi cung cấp nhu yếu phẩm, nhiên liệu cho các tàu bám biển lâu hơn. “500 tấn tải trọng thì mặc sức mà mua hải sản, chuyên chở hàng hóa. Tàu dài gần 31 m cũng đủ sức để cứu hộ những tàu cá khủng”, ông tâm sự. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.