Kẻ lừa đảo là Stefan He Qin 24 tuổi, quốc tịch Úc. Qin thừa nhận đã lấy trộm tiền từ Virgil Sigma Fund LP chuyển sang VQR Multistrategy Fund LP để trả cho các nhà đầu tư. Cả hai quỹ đều do Stefan He Qin sáng lập, hiện có hơn 100 triệu USD tiền đầu tư.
Trong một tuyên bố được gửi qua email, công tố viên cho biết các nhà đầu tư vào quỹ đã cáo buộc Stefan He Qin sử dụng một thuật toán giao dịch để tận dụng sự chênh lệch giá giữa một số loại tiền điện tử. Cụ thể, Qin đưa những thông tin sai lệch và vẽ ra chiến lược để thu hút các nhà đầu tư gửi hàng triệu USD vào các quỹ của mình, sau đó Qin biển thủ toàn bộ số tiền của quỹ Virgil Sigma trả cho họ và phục vụ những mục đích cá nhân như mua căn hộ penthouse. Qin sẽ phải đối mặt với án tù 20 năm.
Luật sư Audrey Strauss ở Mahattan cho biết: "Toàn bộ chiêu trò đã bị phơi bày, và Qin đang chờ tuyên án cho hành vi trộm cắp trơ trẽn của mình". Sean Hecker và Shawn Crowley - nhóm luật sư của Qin tuyên bố: "Ông Qin đã nhận toàn bộ trách nhiệm về hành động của mình và cam kết sửa sai".
Bên cạnh vụ kiện của các nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ cũng đã đệ đơn một vụ kiện dân sự song song chống lại Qin vào tháng 12 năm ngoái.
Lừa đảo bằng tiền điện tử (cryptocurrency fraud) đang trở thành một vấn đề nhức nhối. Bất cứ phương tiện tài chính nào có tính biến động cao và thu hút sự quan tâm của công chúng đều có thể bị những kẻ xấu lợi dụng.
Theo trang Constantine Cannon, có một số hình thức lừa đảo nhân danh tiền điện tử như mô hình đa cấp Ponzi, mô hình Pump and Dump, thao túng thị trường... Trường hợp của Stefan He Qin thuộc loại trộm cắp truyền thống nhưng cũng có nhiều biến thể, ví dụ kẻ xấu có thể hack ví điện tử của nhà đầu tư, tạo ví giả, xây dựng quỹ lừa đảo, thiết lập các sàn giao dịch điện tử giả để ăn cắp tiền của khách hàng... do đó những người mới bước chân vào lĩnh vực này cần nâng cao cảnh giác và tự trang bị kiến thức cho mình để không trở thành con mồi của bọn lừa đảo.
Bình luận (0)