Nhà sư Myanmar biểu tình phản đối quốc tế gây sức ép về vụ người di cư

27/05/2015 11:34 GMT+7

(TNO) Sáng 27, một nhóm người Myanmar từ các nơi kéo về thủ đô Yangon để biểu tình phản đối Liên Hiệp Quốc và phương Tây gây áp lực lên chính phủ nước này về vấn đề người tị nạn Rohingya.

(TNO) Nhiều người Myanmar, gồm một số nhà sư, từ các nơi đang kéo về Yangon để tham gia cuộc biểu tình ngày 27.5 phản đối Liên Hiệp Quốc và phương Tây gây áp lực lên chính phủ nước này về vấn đề người tị nạn Rohingya.

Sư Myanmar biểu tình phản đối UN vụ RohingyaNhà sư Myanmar tham gia biểu tình phản đối người Rohingya hồi năm 2014 - Ảnh: AFP
Nhóm biểu tình do các nhà sư khởi xướng ngày 27.5 sẽ diễu hành trên đường phố để huy động sự ủng hộ của dân chúng và lôi kéo họ cùng tham gia trước khi tập trung ở một sân vận động tại thành phố Yangon, theo kênh Channel News Asia (Singapore).
Thông qua cuộc xuống đường, nhóm này muốn thể hiện sự phản đối đối với các tổ chức quốc tế và báo chí nước ngoài ép Myanmar thay đổi chính sách đối với người Rohingya và nhận lại nhóm người này. Những người thiểu số Hồi giáo Rohingya di cư từ Myanmar đang tạo ra cuộc khủng hoảng người tị nạn ở vùng biển Đông Nam Á.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Myanmar, phần lớn là những người theo Phật giáo, nói rằng những người Rohingya Hồi giáo đến từ Bangladesh, không phải Myanmar. Vì vậy, họ cho rằng việc dư luận quốc tế bắt ép chính phủ Myanmar nhận lại nhóm người này là vô lý, chính phủ Myanmar không có trách nhiệm đối với họ, Channel News Asia cho biết.
Hàng ngàn người Rohingya và Bangladesh vượt biên trên các con thuyền nhỏ để tìm đến vùng đất mới ở Đông Nam Á. Số liệu của Cao ủy người tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 2.000 người còn mắc kẹt trên những con thuyền ngoài khơi Đông Nam Á cả tháng trời trong điều kiện thiếu nước và lương thực.
Vì vấn đề nhân đạo, chính phủ các nước như Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã thay đổi chính sách đối với người tị nạn và tiếp nhận những người Rohingya và Bangladesh. Mỹ cũng tuyên bố sẽ chung tay “gánh vác” với các chính phủ Đông Nam Á để giải quyết vấn đề người tị nạn khi hứa tiếp nhận họ nhưng với số lượng hạn chế.
Tuy nhiên dòng người di cư vẫn tiếp diễn ở khu vực này. Các tổ chức quốc tế cho rằng chính sách kỳ thị đối với tộc người Rohingya của Myanmar đã đẩy họ ra biển và trở thành thuyền nhân.
Lãnh đạo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, ông Zied Ra’ad Al Hussein phát biểu hồi tuần trước rằng dòng người tị nạn sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi chính phủ Myanmar chấm dứt chính sách phân biệt đối xử với người Rohingya Hồi giáo thiểu số.
AFP cho biết hầu hết những thuyền nhân xuất phát từ Myanmar, nơi có 1,3 triệu người Rohingya Hồi giáo bị xem là di dân bất hợp pháp từ Bangladesh. Sự xuất hiện của nhóm người này tạo ra những cuộc xung đột sắc tộc liên tục ở Myanmar xuất phát từ sự phản đối của nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.