Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu khi anh đang tìm ý tưởng cho bộ sưu tập mới giao lưu văn hóa tại Nhật và Ukraine. Anh chia sẻ: “Tôi may mắn khi được phần lớn người đẹp giao trọng trách thiết kế trang phục truyền thống tham gia các cuộc thi sắc đẹp uy tín trên thế giới. Mỗi sáng tạo đều có những ý nghĩa ở những giai đoạn khác nhau, và nó đều là những tâm huyết tôi muốn truyền tải hồn dân tộc VN ra thế giới”.
|
Nhắc tới truyền thống, nhất là nữ thì người ta vẫn nghĩ ngay đến áo dài, điều này anh có sợ bị trùng lắp ý tưởng và mọi người sẽ thấy nhàm chán?
Bản chất cuộc sống cũng cần có sự thay đổi, thế nhưng áo dài vẫn là lựa chọn hàng đầu của Thuận Việt. Không phải đất nước nào cũng có được một mẫu trang phục truyền thống có bề dày lịch sử, vừa hiện đại vừa truyền thống như áo dài VN. Nhật Bản có Kimono, Hàn Quốc có Hanbok, Ấn Độ với Salwar Kameez, Sari và Dhoti, Trung Quốc với Sườn Xám... và họ luôn phát triển không ngừng việc hiện đại hóa trang phục dân tộc nhưng vẫn khó đưa vào cuộc sống hằng ngày như áo dài VN thì sao ta không tự hào về nó. Sáng tạo là bất tận, do vậy nếu tôi còn cảm xúc và sự tự hào về áo dài VN thì mình vẫn tự tin áo dài VN là một trong những trang phục truyền thống đẹp nhất thế giới.
Không chỉ thiết kế trong nước, Thuận Việt còn đại diện VN bước ra thế giới giao lưu văn hóa. Mỗi lần đi như vậy sự trăn trở của anh là gì?
Tôi từng tham gia rất nhiều hoạt động giới thiệu trang phục áo dài của mình đến các nước như Mỹ, Nhật, Ukraine, Hàn Quốc, Singapore... Mỗi lần đi lại là một sự trăn trở về sự phát triển cho ngành thời trang VN. Chúng ta luôn tự hào vì sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp thời trang, tuy nhiên đó cũng chỉ là sự phát triển không đồng bộ. Chúng ta tự hào có một lực lượng nhà thiết kế giỏi, lực lượng người mẫu hùng hậu nhưng chúng ta không có một sự liên kết chặt chẽ giữa các thành phần liên quan. Hiện nay, các mẫu thiết kế của chúng ta vẫn phải dựa trên nguồn nguyên vật liệu ngoại nhập, nguồn vải chủ yếu là nguồn vải khúc lẻ... Các show thời trang chủ yếu mang tính giải trí chứ chưa mang lại hiệu quả về thương mại. Chính sự phát triển không dựa trên nền tảng sẽ chỉ mang lại cái hào nhoáng cho thời trang Việt mà không mang lại nền tảng phát triển vững chắc.
Nói vậy, anh có nghĩ là thời trang trong nước, cụ thể áo dài sẽ đi xa hơn nữa đến được với bạn bè quốc tế?
Thời trang sẽ chỉ phát triển khi nó là thương mại. Bên cạnh việc nâng cao tính thẩm mỹ và nghệ thuật, thời trang cũng phải được đưa vào cuộc sống. Chính vì yếu tố này mà tôi luôn ôm ấp một ước muốn sẽ dần dần đưa áo dài bước ra khỏi khái niệm trang phục để ngắm nhìn mà trở thành trang phục của cuộc sống. Và bước đầu, tôi rất tự hào khi rất nhiều người chọn áo dài Thuận Việt thay thế trang phục đầm dạ hội khi dự các đại tiệc lớn. Không chỉ khách Việt, tôi cũng có nhiều khách nước ngoài yêu mến áo dài, và chọn áo dài thành trang phục dạ tiệc của họ. Áo dài chỉ có thể đi xa hơn và bước ra khỏi khuôn khổ của trang phục truyền thống khi nó được hiện đại hóa hơn và gắn liền với thời trang cao cấp. Và tôi đang theo đuổi quá trình hiện đại hóa chiếc áo dài VN trở thành thời trang cao cấp mang bản sắc Việt.
Theo anh, làm sao để quảng bá nét truyền thống VN ra thế giới một cách hiệu quả nhất qua tà áo dài?
Quảng bá nét truyền thống VN ra thế giới một cách hiệu quả nhất thông qua tà áo dài không chỉ là việc làm của các nhà thiết kế thời trang, các người mẫu mà là việc làm của cả xã hội. Nếu áo dài ngày nay cũng chỉ được xem như một loại trang phục bình thường thì sẽ không thể được mọi người yêu quý, mà hãy để áo dài trở thành quốc phục của VN, để bên cạnh sự yêu mến, còn có tinh thần trách nhiệm. Và chỉ khi mà chiếc áo dài luôn được mỗi người VN trân trọng và muốn gìn giữ thì nó mới có thể được bạn bè thế giới yêu mến. Áo dài VN không những chỉ đóng vai trò như một bộ trang phục, mà nó còn là những hình ảnh thật đẹp trên phim ảnh, là cảm hứng tạo ra những giai điệu âm nhạc, cảm hứng cho những vần thơ, câu chuyện hay những vở diễn. Tất cả mọi người VN đều có trách nhiệm đưa hình ảnh áo dài VN đến khắp nơi trên thế giới, dưới nhiều hình thức khác nhau...
Nhưng thật sự có một câu chuyện đau lòng, khi mà cảm nhận của các bạn trẻ ngày nay ngày càng mất dần sự yêu mến với áo dài. Thuận Việt chỉ đưa ra một ví dụ nhỏ, trong những cuộc góp ý cho phần tạo mẫu trang phục cho các người đẹp VN tham dự các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới, bỗng cảm thấy nhói lòng khi một số góp ý của các bạn trẻ nhìn nhận áo dài như "sao lại là áo dài, không nhàm chán à". Hãy để áo dài trở thành một hình ảnh gắn liền trong trái tim mỗi người dân VN thì lúc đó nét truyền thống VN sẽ được quảng bá một cách hiệu quả nhất.
Với anh, việc sáng tạo ra những mẫu mới có mất nhiều thời gian lắm không?
Tạo ra một tà áo dài và những kiểu dáng phù hợp với người Việt, với tôi là một quá trình sáng tạo không ngừng, bởi ý tưởng có khi chợt đến, có khi không thể đến. Do vậy, yếu tố thời gian không được tính trong việc sáng tạo, mà cái quan trọng nhất là nguồn cảm hứng. Rồi từ ý tưởng đến việc thực hiện cũng cần có rất nhiều thời gian, vì không phải tất cả các ý tưởng đều có thể thực hiện thành hiện thực. Áo dài luôn là một bài toán khó giải đối với các nhà thiết kế thời trang, bởi vì nó là một sự hoàn hảo của nền tảng cơ bản.
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng. |
Dạ Ly
(thực hiện)
>> Phan Thị Hà Thanh: Những giấc mơ mang hình bước nhảy
>> Nguyễn Hoàng Khánh Tiên: Sống hết mình với đam mê
>> Lê Tân Kỳ: Nhà sáng chế miệt vườn
Bình luận (0)