Nhiều người biết đến Lê Tân Kỳ với vai trò Chủ nhiệm HTX Bưởi da xanh VietGap Mỹ Thạnh An (TP.Bến Tre). Nhưng người ta còn biết đến anh nhiều hơn với tư cách là người sáng chế ra nhiều máy móc, thiết bị tiện dụng, hữu ích như máy gọt vỏ dừa tươi, thiết bị gọt vỏ dừa tươi di động và máy xay vỏ dừa làm phân. Đây là những máy móc, thiết bị đem đến hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh, lại có thể thay thế cho lối thao tác thủ công truyền thống vốn năng suất thấp và không bảo đảm an toàn lao động.
|
Nhu cầu kinh doanh thúc bách
Anh Kỳ cho biết anh từng bỏ dở việc học để đi bộ đội, rồi xuất ngũ học tiếp để lấy bằng cử nhân kinh tế. Sau đó, anh phải trải qua nhiều nghề ở nhiều nơi để kiếm sống. Năm 2009, anh quyết định quay về quê, chọn việc thu mua bưởi da xanh và dừa tươi cung cấp cho các khách hàng tại TP.HCM làm nghề gắn bó.
Công việc dần ổn định, khách hàng ngày càng nhiều. Nhưng chính từ đây thực tế đặt ra nhiều thử thách. Như có lúc khách đặt hàng trên 1.000 trái dừa xiêm xanh/ngày nhưng cơ sở anh không đủ sức đáp ứng. Lý do: các thao tác gọt vỏ đều làm bằng tay, không kiếm ra đủ nhân công để làm. Đấy là chưa nói đến người gọt phải có tay nghề thành thạo, biết tạo ra các sản phẩm đồng đều, bắt mắt.
Chính từ thực tế trên thôi thúc anh tìm cách chế tạo ra chiếc máy gọt vỏ dừa thay cho sức người. Sau nhiều ngày nghiên cứu tài liệu, vạch ra ý tưởng thiết kế với sự chế tác thử nghiệm của người em làm thợ cơ khí, chiếc máy trên dần dần hình thành.
Và cuối năm 2011, chiếc máy gọt vỏ dừa hoàn chỉnh đầu tiên do anh chế tạo chính thức ra đời. Máy có chiều cao khoảng 1,2 m bao gồm hai lưỡi dao, một lưỡi đặt thẳng đứng có thể di chuyển để gọt bên thân trái dừa, một lưỡi cố định nằm nghiêng để gọt bên trên trái. Quả dừa được đặt lên một trục có sẵn 6 mũi sắt nhọn để cố định. Sau đó bật cầu dao và mô tơ bắt đầu xoay. Sau hai lần điều chỉnh, quả dừa sẽ được gọt vỏ phần “thân” và trên đầu, người sử dụng chỉ cần dùng dao cắt hai phần đầu trái là hoàn chỉnh. Máy có ưu điểm là gọt nhanh, khoảng 30 giây/trái, cho số lượng lớn; giá thành chỉ 15 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với máy nhập.
Ứng dụng thiết kế từ máy gọt vỏ dừa, anh lại chế tạo ra thiết bị gọt vỏ dừa tươi di động với giá thành khoảng 5 triệu đồng. Thiết bị có kết cấu cơ bản như máy gọt dừa cơ bản, chỉ khác không sử dụng động cơ điện, mà tạo lực quay cho trái dừa khi gọt bằng tác động của tay người. Thiết bị có 4 chức năng: cắt, gọt vỏ, khoan cho ống hút vào và bổ trái làm đôi nạo cơm dừa; thời gian cắt, gọt và khoan mỗi trái dừa khoảng 1 phút. Nó có kích thước nhỏ gọn, dễ gắn trên xe đẩy có khoang chứa dừa trái bên dưới, tiện phục vụ cho khách đi đường có nhu cầu thưởng thức dừa tươi nguyên.
Không những thế, anh còn chế ra thêm máy xay vỏ dừa để tận dụng nguồn vỏ dừa tươi bị thải ra sau khi gọt làm nguồn nguyên liệu chế phân hữu cơ. Máy nhỏ gọn, có năng suất xay 1 trái/giây, cho ra bã mụn dừa, sau đó cho thêm chế phẩm vi sinh vào ủ thành phân bón cho cây.
Lợi ích thiết thực
Anh Kỳ cho biết từ sau khi chế tạo ra chiếc máy gọt vỏ dừa tươi, cơ sở của anh không còn thấy trở ngại gì khi nhận các đơn hàng cung ứng dừa từ các nơi gửi đến. Mặc khác, anh cũng đã xúc tiến thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền cho chiếc máy do mình làm ra. Nhưng trong khi chờ đợi sự công nhận bản quyền chính thức từ cấp thẩm quyền, bản thân anh đã rất phấn khởi khi sáng chế của mình nhận được sự chia sẻ của nhiều nơi. Biểu hiện cụ thể của sự chia sẻ ấy, là nhiều nơi đặt hàng cho anh để mua máy. Cho đến nay, anh đã cung cấp được 15 máy cho khách hàng, trong đó có 13 cho trong nước và 2 xuất đi ngoài nước. Riêng máy xay vỏ dừa, anh cũng đã bán được cho khách hàng 2 chiếc. Đó là điều anh cũng không ngờ khi nảy ra ý tưởng chế tạo máy. Đáng tiếc là anh chưa có nhiều vốn để cùng lúc làm ra nhiều máy nên hiện mỗi lần chỉ nhận sản xuất 1 - 2 chiếc theo đơn đặt hàng và phải có một khoản phí ứng trước nhất định từ người đặt.
Đề cập đến hiệu quả của máy trong việc ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre), người có mua và đưa vào sử dụng 2 chiếc máy gọt vỏ dừa của anh Kỳ, cho biết: “Vì mới sử dụng nên vẫn còn sớm để đánh giá toàn diện về chiếc máy này. Nhưng bước đầu thấy có nhiều lợi ích rõ ràng, nhất là về tốc độ. Hai công nhân kết hợp với nhau (một người gọt vỏ, một người cắt hai đầu) thì có thể gọt được khoảng 200 trái mỗi giờ, cao hơn gấp đôi so với làm bằng tay. Điều đó đáp ứng nhu cầu làm ra sản phẩm cung ứng kịp thời cho các hợp đồng cung cấp dừa tươi gọt vỏ mà công ty đã ký kết với đối tác nước ngoài”.
Riêng ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre đánh giá cao sự tìm tòi, sáng tạo của tác giả máy gọt vỏ dừa tươi. Ông cho biết hiện mỗi năm tổng sản lượng dừa tươi của Bến Tre vào khoảng 60 triệu trái. Tính ra, nông dân trồng dừa xiêm có thu nhập cao và ổn định hơn so với trồng dừa nguyên liệu, tức dừa khô. Vì vậy, nông dân đang phát triển mạnh việc trồng dừa xiêm xanh và nhu cầu thị trường đối với mặt hàng này hiện rất lớn.
“Mấy năm qua một số doanh nghiệp đã ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu dừa xiêm xanh. Mỗi container trên 30.000 trái nên việc gọt vỏ thủ công khó có thể đáp ứng kịp cả về thời gian giao hàng lẫn sự tươi ngon của sản phẩm. Tôi cho rằng việc sử dụng máy móc thay thế gọt vỏ thủ công như cách của anh Kỳ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều và đây là xu thế tất yếu”, ông Sang chia sẻ.
Cũng theo ông, chiếc máy của anh Lê Tân Kỳ cần một vài cải tiến nhỏ để có thể tiện lợi và hiệu quả hơn.
Chuyên mục Sáng tạo vì khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng. |
Khoa Chiến - Giao Hòa
>> Vũ Duy Hải: Sáng tạo vì người bệnh
>> Nguyễn Trinh Thi: Độc lập để sáng tạo
>> Trương Gia Bình: Khát vọng công nghệ
>> NSND Phương Hoa: Khát vọng cho hoạt hình Việt
Bình luận (0)