Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn thời gian trước có tên gọi là Nhà thờ Sài Gòn, Nhà thờ Nhà Nước bởi vì tất cả kinh phí xây dựng đều do nhà nước Pháp cung cấp với số tiền 2.500.000 francs Pháp theo thời giá lúc bấy giờ.
Theo tài liệu của Tổng Giáo phận TP.HCM, trước khi có tượng Đức Mẹ Hòa Bình ở quảng trường phía trước nhà thờ, năm 1902, chính quyền thuộc địa Pháp cho xây dựng giữa quảng trường tượng đài, bên trên đặt tượng đồng Đức Cha Bá Đa Lộc (Giám mục đại diện Tông tòa Đàng Trong 1771 – 1799).
Cùng với tượng Đức Cha Bá Đa Lộc là tượng Marie Joseph Francois Garnier – nhà thám hiểm sông Mekong. Năm 1945, hai bức tượng trên không còn nữa, nhưng bệ đá hoa cương đỏ đặt tượng Đức Cha vẫn được giữ lại, nằm chơi vơi giữa quảng trường cho đến năm 1959.
Tượng Đức Mẹ Hòa Bình trước nhà thờ
Theo tài liệu được cung cấp bởi Tổng Giáo phận TP.HCM, năm 1958 – 1959, Giáo hội tổ chức năm Thánh Mẫu, mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Dịp kết thúc Năm Thánh, Giáo hội Việt Nam đã tổ chức Đại hội Thánh Mẫu tại Sài Gòn cũng để kỷ niệm 300 năm thành lập Giáo hội Việt Nam (1659 – 1959).
Đại trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn 'không chỉ là chuyện lợp cái ngói'
Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, trên trái địa cầu có đính cây thánh giá
Độc Lập
Nhân sự kiện trọng đại này, cha Giuse Phạm Văn Thiên (năm 1966, Ngài được Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình tấn phong giám mục tại Chủng Viện Thánh Giuse) là cha bề trên Giáo phận Sài Gòn lúc bấy giờ, kiêm cha sở Nhà thờ Sài Gòn đã cho tạc tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng đá cẩm thạch trắng Carrara.
Tượng do nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện năm 1959. Tên của tác giả được khắc trên tà áo dưới chân, phía bên trái bức tượng. Bức tượng cao 4,6 m, nặng 5,8 tấn bằng đá cẩm thạch trắng của Ý, được tạc với chủ đích để nhìn từ xa nên không đánh bóng. Vì vậy mà toàn thân tượng, kể cả vùng mặt vẫn còn những vết điêu khắc thô.
Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, trên trái địa cầu có đính cây thánh giá, mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện cho Việt Nam và thế giới được hòa bình. Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn (hiện nay, đầu con rắn đã bị bể mất hàm trên).
Ngày 8.1.1959, từ hải cảng Gênes (Ý), tàu Oyanox chở tượng đến Việt Nam. Tàu cập cảng Bến Nghé – Sài Gòn ngày 15.2.1959. Tượng Đức Mẹ được đặt trên bệ đá cũ, nơi đã dựng tượng đồng Đức Cha Bá Đa Lộc trước đây.
Đức Hồng Y Gregorio Pietro Agagianian làm phép tượng Đức Mẹ tại quảng trường trước Nhà thờ Sài Gòn (Sách 150 năm hình bóng Sài Gòn)
Tổng Giáo phận TP.HCM cung cấp
Vào thời điểm này, Đức Thánh giáo hoàng Gioan XXIII đã cử Đức Hồng Y Gregorio Pietro Agagianian, Thứ trưởng Thánh Bộ Truyền giáo làm đặc sứ của ngài đến thăm và chủ tọa Đại hội Thánh mẫu tại Sài Gòn. Trong cuộc nghênh đón Đức Hồng Y đặc sứ vào chiều 16.2.1959, Đức Hồng Y Agagianian đã làm phép tượng Đức Mẹ tại quảng trường trước Nhà thờ Sài Gòn với sự tham dự đông đảo của các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân.
Từ đó, với sự kiện này, Nhà thờ Sài Gòn có tên gọi là Nhà thờ Đức Bà và quảng trường phía trước được gọi là quảng trường Đức Bà Hòa Bình. Trên bệ đá, phía trước tượng Đức Mẹ có một tấm bảng bằng đồng với hàng chữ Latinh: Regina Pacis Ora Pro Nobis XVII-II-MCMLIX (Nữ Vương Hòa Bình xin cầu cho chúng con) 17.02.1959.
Danh sách người đóng góp chôn ở chân tượng
Theo tài liệu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn qua dòng thời gian, sau khi Đức Hồng Y đặc sứ làm phép tượng Đức Mẹ Hòa Bình, cha Giuse Phạm Văn Thiên, bề trên giáo phận Sài Gòn đã đọc diễn văn, trình bày nguồn gốc tượng Đức Mẹ Hòa Bình như sau:
"Dự án tượng Đức Mẹ tại công trường Hòa Bình trước Nhà thờ Sài Gòn đã có từ năm 1956. Từ ngày đề xướng dự án này, anh chị em giáo hữu sốt sắng hưởng ứng dâng cúng tiền, kẻ ít người nhiều, tổng cộng hơn bốn trăm ngàn đồng bạc.
Tượng Đức Mẹ cầm trái đất, theo mẫu một lần Đức Mẹ hiện ra cho Bà Thánh Catarina Labouré, mà chúng tôi xin gọi là Đức Mẹ Hòa Bình, đã được đặt cho nhà làm tượng S.G.A. Ciocchetti tại Roma ngày 2.9.1958. Tượng chạm nguyên khối một khối đá cẩm thạch carrara, cao 4m6, nặng 8 tấn…
Tượng Đức Mẹ tới Sài Gòn ngày 15.2.1959. Ngày 16.2.1959, là ngày thứ nhất trong Tam nhật Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc Việt Nam, đúng 16 giờ 30 phút, Đức hồng Y Agagianian, Thứ trưởng Thánh Bộ Truyền giáo, đặc sứ Đức Thánh Cha Gioan XXIII, chủ tọa Đại hội Thánh mẫu đã làm phép tượng Đức Mẹ trước mặt Đức Giám mục Sài Gòn, các Đức Giám mục Việt Nam và ngoại quốc, giáo sĩ và giáo dân tề tựu đông đủ…".
Mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện cho Việt Nam và thế giới được hòa bình. Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn
Độc Lập
Văn kiện cha Giuse Phạm Văn Thiên đọc và danh sách quý vị đã đóng góp công, góp của để có tượng Đức Mẹ đã được chép vào một tờ giấy, đặt trong ống chai, chôn vào dưới chân tượng Đức Mẹ.
Chia sẻ với Thanh Niên, linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân, Trưởng ban trùng tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn cũng cho biết, đây là sự kiện quan trọng đối với phía Nam khi ấy. "Từ năm 1959 đến bây giờ, ở dưới đế của tượng Đức Mẹ có danh sách các ân nhân đóng góp đưa tượng từ Ý về Việt Nam thời điểm năm 1959", linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân nói.
Vương cung Thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Tài liệu về Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn ghi lại, ngày 9.12.1959, Đức Cha Simon – Hòa Nguyễn Văn Hiền đã chủ sự Thánh lễ cung hiến Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Trong nghi thức cung hiến, hài cốt các Chân phước (phong Chân phước là giai đoạn trung gian trong tiến trình phong thánh) tử đạo Việt Nam được đặt vào lòng bàn thờ.
Ngày 24.11.1960, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXII ban hành Tông sắc Venerabilium Nostrorum thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, sự kiện chuyển đổi Giáo hội Công giáo Việt Nam từ quy chế Giáo hội Tông tòa sang Giáo hội Chính tòa. Theo đó, ở thời kỳ Tông tòa, giám mục cai quản giáo phận là giám mục đại diện cho Tông tòa, còn với Giáo hội Chính tòa, Giám mục được bổ nhiệm là Giám mục Chính tòa.
Lúc này, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Giám mục đại diện Tông tòa giáo phận Cần Thơ được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Chính tòa Tổng Giáo phận Sài Gòn. Ngài chính thức nhận nhiệm vụ ngày lễ Phục sinh 2.4.1961. Từ việc thiết lập và bổ nhiệm này, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn chính thức thành Nhà thờ Chính tòa của vị giám mục được bổ nhiệm với tên gọi mới: Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn.
Ngày 13.11.1962, qua sắc chỉ Spectabile Monumentum, Đức Thánh giáo hoàng Gioan XXIII nâng Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn lên hàng Vương cung Thánh đường với tên gọi chính thức: Vương cung Thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Vương cung Thánh đường là danh hiệu được Giáo hoàng tôn vinh đặc biệt dành cho những nhà thờ có kiến trúc to lớn, cổ kính, mang ý nghĩa lịch sử và tâm linh quan trọng.
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn là một tuyệt tác kiến trúc Roman - Gothic, đã hiện diện tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định 143 năm qua.
Nơi đây là chốn linh thiêng, là nơi tu sĩ, giáo dân... đến cầu nguyện, gặp gỡ trong Thánh lễ hằng ngày cũng như các dịp lễ đặc biệt: tấn phong giám mục hay phong chức linh mục hoặc tiếp đón các vị lãnh đạo trong Hội Thánh...
Bình luận (0)