Linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng (chánh xứ nhà thờ Vườn Xoài) cho biết, Chúa Nhật Lễ Lá xuất phát từ việc tưởng nhớ Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, được dân chúng vừa cầm lá vừa tung hô. Lễ này cũng được gọi là Chúa Nhật khổ nạn vì bài Thương Khó được đọc vào ngày này. Chúa Giêsu là vua của các vua nhưng rất khiêm nhường.
"Vị vua đi đến đâu đều được mọi người cầm lá trên tay để tung hô, trải áo lên đường để Chúa đi vào thành Giêrusalem. Chúa đi vào không phải bằng ngựa chiến mà Chúa chọn con lừa. Điều này thể hiện sự khiêm tốn của Thiên Chúa đối với nhân loại", vị linh mục giải thích.
Cũng theo linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng, Chúa vào thành Giêrusalem không chỉ đánh đuổi đế quốc Roma mà đến để chịu chết và sống lại. Lễ Lá vào ngày Chúa nhật, khởi đầu tuần Thánh - tuần cuối cùng để đi vào cái chết và phục sinh.
Tuần Thánh rất quan trọng đối với người theo đạo Công giáo với nhiều lễ nghi diễn ra như: thứ năm tuần Thánh (thứ năm Rửa Chân - chuỗi 7 ngày cuối cùng của Mùa Chay trước lễ Phục sinh), Thánh lễ làm phép dầu tại nhà thờ chính tòa Đức Bà (Thánh lễ đặc biệt tưởng niệm việc Thiên Chúa cử hành bí tích "Truyền chức Linh mục" cho một số người để giúp phát triển Giáo hội,…
Ngày Lễ Lá luôn rơi vào một trong số 35 ngày giữa 15.3 và 18.4. Năm nay, Lễ Lá rơi vào Chủ Nhật ngày 2.4.
"Lễ Lá sẽ rước lá, các tín hữu ở dưới đọc những đoạn Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, làm phép lá cho Cộng đoàn, rước đi vào đền thờ tưởng niệm. Ở bên Do Thái, mọi người dùng lá ôliu để rước còn ở Việt Nam các giáo xứ thường dùng lá dừa. Sau Thánh lễ, mỗi người cầm lá về nhà và để trên bàn thờ. Ở nhà thờ sẽ gom một số lá làm phép, đốt lên để thứ tư Lễ Tro năm sau lấy tro đó xức trên đầu", linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng nói và cho biết thêm, Lễ Lá thiêng liêng.
Đây là ngày bước vào tuần Thánh tưởng niệm sự Thương Khó của Chúa, chờ đợi Chúa sống lại, phục sinh, đem lại niềm hân hoan Cộng đoàn. Lễ Lá là lễ trọng.
Bình luận (0)